Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công cao tốc xuyên 4 tỉnh miền Tây

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Đường bộ 17/06/2023 10:49

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 dài hơn 188,2km đi qua 4 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công cao tốc xuyên 4 tỉnh miền Tây - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu bấm nút khởi công dự án ở điểm cầu An Giang

Sáng nay (17/6), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 dài hơn 188,2km (TMĐT: 44.691 tỷ đồng) đi qua 4 tỉnh thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Điểm đầu kết nối QL91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Tập trung giải phóng mặt bằng, đảm bảo nguồn vật liệu cho dự án

Bày tỏ vui mừng tại lễ khởi công dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong thời gian rất ngắn khoảng 1 năm so với mức trung bình 2 năm so với cách triển khai thông thường, tỉnh An Giang và 3 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng cùng các bộ, ngành, các đơn vị liên quan,… đã nỗ lực để khởi công đồng loạt 4 dự án.

Theo Thủ tướng Chính phủ, điều này đặc biệt có ý nghĩa khi dự án tuyến đường bộ cao tốc trục ngang đi qua trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát huy hiệu quả khai thác các tuyến trục dọc, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế. Đặc biệt là việc hình thành trục kết nối, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

Thủ tướng cho biết, trong tháng 6 này, chúng ta liên tục khởi công các đường cao tốc. Trong sáng mai (18/6) sẽ khởi công cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột và sắp tới là tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh. Do đó, việc hình thành các tuyến cao tốc sẽ đảm bảo tính đồng bộ kết nối giữa hệ thống các tuyến cao tốc với các vùng miền.

Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng; Bộ GTVT, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn; đặc biệt là các tỉnh, thành phố đã phối hợp rất chặt chẽ.

Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2 km đi qua 4 tỉnh thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Điểm đầu kết nối QL91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng). Tổng mức đầu tư dự án khoảng 44.691 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.

Dự án được chia làm 4 dự án thành phần do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản. Cụ thể Dự án thành phần 1 có chiều dài khoảng 57,2 km thuộc địa phận tỉnh An Giang và TP Cần Thơ do UBND tỉnh An Giang là cơ quan chủ quản,tổng mức đầu tư 13.799 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2 chiều dài khoảng 37,2 km thuộc địa phận TP.Cần Thơ do UBND TP Cần Thơ là cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 9.845 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 với chiều dài khoảng 36,9 km thuộc địa phận tỉnh Hậu Giang do UBND tỉnh Hậu Giang là cơ quan chủ quản có tổng mức đầu tư 9.927 tỷ đồng.

Cuối cùng là dự án thành phần 4, chiều dài khoảng 56,9 km thuộc địa phận tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng do UBND tỉnh Sóc Trăng là cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 11.120 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án đường bộ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án. Kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, tuy nhiên công việc sắp tới còn rất lớn và nhiều thách thức. Đó là phải tiếp tục giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại trong đó có nhiều vị trí tập trung đông dân cư, dễ phát sinh các khiếu nại. Đó là chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng, bãi đổ thải rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong cấp phép khai thác. Đó là thi công khối lượng công trình rất lớn trong khoảng thời gian không dài và chịu ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết.

"Do vậy, để công trình được hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng tiến độ, tôi yêu cầu UBND các tỉnh tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp. Chúng ta thi công phải luôn đảm bảo hiệu quả, chất lượng thi công, phải huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công cao tốc xuyên 4 tỉnh miền Tây - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo và phát lệnh khởi công dự án

"Tôi cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan của Trung ương, Ủy ban nhân dân 4 tỉnh, thành cùng phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Các bộ ngành liên quan của Trung ương, Ủy ban nhân dân 4 tỉnh, thành phố cùng phối hợp với Bộ GTVT, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, tôi yêu cầu các tỉnh có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho dự án", Thủ tướng nói.

Đối với các địa phương có dự án đi qua, Thủ tướng yêu cầu khi triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đảm bảo việc bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn nơi cũ. 

Tôi cũng mong muốn bà con nhân dân có đất phải thu hồi phục vụ dự án ủng hộ chủ trương lớn của Nhà nước, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công dự án
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ GTVT chịu trách kiểm tra, giám sát, hướng dẫn quy trình triển khai dự án cho các địa phương nhằm bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất. "Bộ GTVT là nơi hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề chuyên ngành. Chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và đôn đốc các địa phương trong quá trình thực hiện, bảo đảm tiến độ dự án. Trên tinh thần đó, tôi tuyên bố khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1", Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án.

Video: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu bấm nút khởi công dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng ở điểm cầu An Giang

Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt với các địa phương

Trước đó, báo cáo tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, việc các tỉnh, thành phố hoàn thành được một khối lượng công việc rất lớn trong một thời gian ngắn, đảm bảo điều kiện để khởi công ngày hôm nay khẳng định việc phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản là một chủ trương đúng đắn, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là thành công bước đầu, công việc tiếp theo còn rất nặng nề, nhiều khó khăn, thách thức. Qua thực tiễn triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông vừa qua, Bộ GTVT rút ra một số bài học kinh nghiệm để tổ chức thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công cao tốc xuyên 4 tỉnh miền Tây - Ảnh 6.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại buổi lễ

Một là, công tác GPMB luôn là đường găng của các dự án; do vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng thời một số công việc để đẩy nhanh tiến độ GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, giao mỏ vật liệu, xác định bãi đổ thải, hạn chế tối đa việc bàn giao mặt bằng "xôi đỗ" gây khó khăn trong quá trình thi công; cần quan tâm xây dựng các khu tái định cư đảm bảo tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, để người dân yên tâm về nơi ở mới, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao của người dân bị ảnh hưởng, nhanh chóng bàn giao mặt bằng phục vụ thi công.

Hai là, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường rất lớn (gần 30 triệu m3), các địa phương cần chủ động có kế hoạch khai thác, cung cấp đủ nguồn vật liệu theo tiến độ thi công của dự án; đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc vật liệu để đảm bảo chất lượng, quản lý chặt chẽ giá vật liệu, kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình.

Ba là, các địa phương cần quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu tổ chức thi công ngay từ những ngày đầu triển khai dự án; chủ động giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình triển khai theo thẩm quyền; chỉ báo cáo các nội dung vượt thẩm quyền; tránh các hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Bốn là, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp điều kiện thực tế, tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật của dự án, các quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

"Với vai trò là Bộ quản lý chuyên ngành, là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án, Bộ GTVT sẽ nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao; phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, có hiệu quả với các địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đưa dự án về đích đúng thời hạn", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chia sẻ.

An Giang đã bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt tỷ lệ 80,7%

Đại diện chính quyền địa phương tỉnh An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 25/4/2022 triển khai chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, dự án có tổng chiều dài tuyến là 188km, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, phạm vi thực hiện trải dài qua 4 địa phương gồm: tỉnh An Giang, TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng.

Đây là dự án thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, mang tính chất liên vùng, có tác động lớn đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - ninh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh An Giang nói riêng, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông".

Đối với dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, UBND tỉnh An Giang được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan chủ quản thực hiện dự án thành phần 1 với chiều dài tuyến là 57km, tổng mức đầu tư dự án là 13.526 tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên, tỉnh An Giang được giao thực hiện dự án có quy mô đầu tư lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao và thời gian triển khai cấp bách; tỉnh An Giang đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban, để chỉ đạo triển khai thực hiện dự án.

Xác định sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, khối lượng công việc lớn phải thực hiện trong thời gian ngắn, cấp bách; Tỉnh An Giang đã khẩn trương rà soát và đã ban hành kế hoạch triển khai, cụ thể từng công việc, thời gian hoàn thành và gắn với nhiệm vụ của các đơn vị liên quan để làm cơ sở phối hợp và thực hiện.

Ban Chỉ đạo, UBND tỉnh đã liên tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định của pháp luật để dự án đảm bảo được khởi công theo đúng kế hoạch đề ra; qua đó, trên tinh thần quyết tâm, khẩn trương thực hiện của chủ đầu tư, các sở, ngành, và các địa phương có dự án đi qua của tỉnh, trong thời gian ngắn đã thực hiện tốt và đúng quy định các công việc như: Bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư; lập, thẩm định và trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; lập, thẩm định và trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án; chuẩn bị nguồn và kế hoạch cung cấp vật liệu cho dự án; lập, trình thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán; công tác lựa chọn nhà thầu;...

Đặc biệt về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng: Đến ngày 16/6/2023, đã giải ngân bồi thường cho 1.020/1530 hộ, với diện tích khoảng 315/391 ha, đạt tỷ lệ 80,7%. Sau lễ khởi công, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục quyết tâm thực hiện để dự án thành phần 1 hoàn thành theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng theo quy định; góp phần đưa dự án thành phần 1 vào khai thác đồng bộ với các dự án thành phần 2, 3 và 4, đảm bảo phát huy hiệu quả mục tiêu đầu tư của dự án.