Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: Sửa đường không phải để tìm lợi nhuận

An toàn giao thông 04/01/2017 09:26

“Quỹ bảo trì đường bộ là tiền của dân đóng góp và cơ quan nhà nước có trách nhiệm phân bổ tiền này để sửa chữa kịp thời những đoạn đường hư hỏng nhằm tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho dân. Tôi đề nghị phải báo cáo thường xuyên, chú ý chất lượng thi công sau bảo trì. Duy tu sửa chữa không phải là nơi tìm kiếm lợi nhuận”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường nói rõ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

 

Sửa đường không phải để tìm lợi nhuận
Ảnh minh họa từ Internet.

Một năm, xử phạt 2.597 trường hợp

Báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN) cho thấy cơ quan này đã đạt được nhiều kết quả trong công tác xây dựng cơ bản, chiến lược, quy hoạch và đề án rồi duy tu bảo dưỡng, kiểm soát trọng tải xe, phòng chống thiên tai. 

Điển hình như công tác xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông: Hiện nay trên quốc lộ (QL) có khoảng 806 điểm. Trong năm 2016, TCĐBVN đã xử lý 204 điểm bằng các giải pháp đơn giản như bổ sung biển báo, kẻ vạch sơn, phát quang tầm nhìn. Dự kiến năm 2017 xử lý tiếp khoảng 480 điểm, tập trung vào các điểm cấp bách và các điểm có kinh phí nhỏ lẻ có thể thực hiện ngay bằng nguồn quỹ bảo trì đường bộ (BTĐB). Các điểm khác trước mắt xử lý tạm thời bằng biển báo, gờ giảm tốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của TCĐBVN cũng chỉ ra nhiều hạn chế còn tồn tại. Theo báo cáo, trong năm 2016, đơn vị đã triển khai 23 đoàn thanh tra trên tất cả các lĩnh vực như: Quản lý khai thác, bảo trì đường bộ, sát hạch, giám sát công trình BOT...

Qua công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra đã thu hồi số tiền trên 500 triệu đồng, giảm trừ gần 300 triệu đồng. Tổng cục đã yêu cầu tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với 5 tập thể và cá nhân do để xảy ra tồn tại trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ. Trước đó tổ kiểm tra của Tổng cục đã kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX tại các tỉnh: Ninh Bình Thanh Hóa, Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương và xử lý hạ lưu lượng đào tạo đối với 3 cơ sở. Đồng thời giám sát đột xuất tại một số kỳ sát hạch ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nội.

Đoàn thanh tra của Tổng cục cũng đã yêu cầu rút kinh nghiệm đối với 6 tập thể, đồng thời giao nhiệm vụ cho thanh tra Sở GTVT ba tỉnh Bình Dương, Quảng Nam, Hà Tĩnh tiến hành xử phạt hành chính doanh nghiệp, hợp tác xã có vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa. Số liệu thống kê đến ngày 20/11/2016, TCĐB xử phạt 2.597 trường hợp với tổng số tiền trên 32 tỷ đồng.

Liên quan đến việc thanh quyết toán các dự án BOT thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua, TCĐBVN cho biết tổng mức đầu tư của 7 dự án được Bộ GTVT giao TCĐBVN thỏa thuận quyết toán là 7.756 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã trình 6.449 tỷ, Tổng cục đã thỏa thuận một dự án và thỏa thuận hạng mục 5 dự án với giá trị 4.910 tỷ đồng. Một dự án đang tiến hành xem xét hồ sơ với giá trị 1.532 tỷ đồng. Số tiền quyết toán nhà thầu chưa trình là 1.179 tỷ đồng.

Về việc tăng cường quản lý các công trình thuộc dự án BOT, Tổng cục cho biết đã chỉ đạo các cục quản lý đường bộ tăng cường công tác kiểm tra công tác thu phí, chống thất thoát doanh thu cũng như đảm bảo ATGT tại các trạm thu phí. Đồng thời tích cực đôn đốc nhà đầu tư BOT nộp phí. Năm 2017 sẽ triển khai xây dựng đề án tăng cường giám sát thu phí và công khai, minh bạch doanh thu, thu phí các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư do Bộ GTVT quản lý. 

“Bảo trì duy tu không phải nơi kiếm chác”

Sau khi nghe đại diện các đơn vị báo cáo, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã có những chia sẻ đến ngành đường bộ. Ông Trường cho hay, năm qua thời tiết khắc nghiệt đã khiến công tác duy tu, bảo dưỡng gặp nhiều khó khăn, Bộ GTVT vừa chi 10 tỷ đồng hoàn thành sửa chữa đường thì nhiều trận lụt bão liên tiếp ập xuống miền Trung gây hậu quả nghiêm trọng, làm hư hỏng nhiều tuyến hiện chưa được khắc phục.

Ông Trường nói tiếp, đường bộ là ngành nhạy cảm khi đảm nhận nhiều nhiệm vụ như làm đường, sửa chữa đường, tổ chức thi sát hạch GPLX. Vị Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh công tác duy tu, bảo dưỡng đường chưa đạt được hiệu quả như mong muốn mặc dù Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, thanh, kiểm tra. Trong đó tình trạng tư lợi, “kiếm chác”, “ăn chia” % tại các dự án vẫn còn. 

Ông Trường nhấn mạnh, cán bộ công nhân viên chức ngành đường bộ phải biết sử dụng hợp lý vốn nhà nước. “Quỹ bảo trì đường bộ là tiền của dân đóng góp và cơ quan nhà nước có trách nhiệm phân bổ tiền này để sửa chữa kịp thời những đoạn đường hư hỏng nhằm tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân. Tôi đề nghị phải báo cáo thường xuyên, chú ý chất lượng thi công sau bảo trì. Duy tu sửa chữa không phải là nơi tìm kiếm lợi nhuận”, ông Trường nói.

Ông Trường cho rằng vấn đề cần thiết nhất trong duy tu, sửa chữa là đấu thầu như thế nào để lựa chọn được nhà thầu có năng lực, trách nhiệm. Bên cạnh đó, sau công tác chọn nhà thầu cần phải kiểm tra: “Hiện có kiểm tra thường xuyên không? Ai kiểm tra? Tôi yêu cầu sắp tới các cục phải tăng cường kiểm tra và báo cáo thường xuyên cho TCĐBVN. Sau đó, phải đánh giá chất lượng thi công nhà thầu có tốt không”, ông Trường đề nghị không thể để tình trạng tiền chi nhiều mà đường vẫn hư hỏng.

“Đầu năm TCĐBVN phát biểu còn 10% xe quá tải, nhưng đến cuối năm đã giảm được bao nhiêu, hay là vẫn giữ nguyên và nếu không dẹp được thì nguyên nhân vì sao. Tôi cho rằng 10% xe quá tải còn lại nếu không dẹp được thì nguy cơ bùng phát nạn xe quá tải rất cao”, ông Trường chỉ đạo TCĐBVN quyết liệt dẹp xe quá tải, doanh nghiệp nào vi phạm phải rút giấy phép.

Nói về nhiệm vụ năm 2017 của ngành đường bộ, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh đến công tác sửa chữa đường, ứng dụng công nghệ vào duy tu bảo trì đường bộ và sử dụng vốn nhà nước hiệu quả. Ngoài ra ngành đường bộ cần tiếp tục tăng cường quản lý việc đăng kiểm phương tiện, quản lý phương tiện, chấn chỉnh những tồn tại trong hoạt động thi sát hạch cấp GPLX. Rà soát lại các Trung tâm đào tạo lái xe, nơi nào không đủ điều kiện cơ sở vật chất thì không cho đào tạo nữa.

“Không thể có chuyện sáng thi sát hạch trượt nhưng buổi chiều lại đỗ, lái xe là cả quá trình. Ví dụ ở một số nước nếu anh thi trượt thì ba tháng sau mới thi lại. Cuối cùng, các đơn vị cần chú trọng chọn lọc, đào tạo nguồn cán bộ chuyên sâu, có trình độ. Từ năm tới những vị trí cấp phó trở lên, Bộ sẽ luân chuyển thường xuyên để tạo sự đổi mới, tránh tình trạng “mọc rễ””, ông Trường nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận