Thu phí cầu Hạc Trì:nhà đầu tư và người dân cần có tiếng nói chung

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 18/03/2016 16:19

Dư luận xã luận đang quan tâm đặc biệt đến việc thu phí BOT tại cầu Hạc Trì, Phú Thọ. Bởi lẽ, người dân đặt câu hỏi tại sao cầu Việt Trì (cũ) tàu vẫn chạy được mà lại phải phân luồng giao thông sang cầu Hạc Trì thu phí. Trước vấn đề này, Tạp chí GTVT đã tìm hiểu và ghi nhận.

20131126-suacauviettri1
Sau 20 năm đi vào sử dụng, cầu Việt Trì đã bị xuống cấp, không đủ điều kiện an toàn để lưu thông nhiều phương tiện (Ảnh duongbo.vn)

Cầu Việt Trì (cũ) không đủ an toàn để lưu thông

Cầu Việt Trì là một trong những trục đường di chuyển chính của người dân tại các huyện Sông Lô, huyện Bạch Hạc và Tp. Việt Trì. Bên cạnh việc người dân địa phương hằng ngày di chuyển qua cầu đi làm hay phục vụ mục đích sinh hoạt thì trong thời gian gần đây, lưu lượng xe qua cầu ngày càng cao. Tuy nhiên, chất lượng cầu lại ngày càng xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu.

Theo đó, đây là cầu đường bộ đi chung với đường sắt dạng dàn thép đường bộ kết hợp với đường sắt vượt qua sông Lô, cầu được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng năm 1995 đến nay đã được 20 năm. Do đó, Bộ GTVT đã yêu cầu thực hiện kiểm định cầu Việt Trì. Theo kết quả thu được từ Hội đồng KHCN Bộ GTVT, hệ mặt cầu đường bộ của cầu Việt Trì hiện tại không đáp ứng được điều kiện an toàn đối với giao thông hỗn hợp và không đảm bảo độ bền khai thác đối với xe tải nặng.

Cụ thể, hệ mặt cầu bê tông của 2 làn đường bộ 2 bên cánh gà là bộ phận yếu nhất, thường xuyên xuất hiện hư hỏng, hiện chưa đáp ứng được giao thông hiện đại. Bản mặt cầu theo thiết kế của Liên Xô (cũ) cách đây khoảng 30-40 năm nên diện tích tiếp xúc giữa bản bê tông với cánh trên dầm thép chưa đủ so với yêu cầu chịu lực cục bộ làm cho bản cầu dễ nứt. Đồng thời, phần hẫng dùng cho người và xe máy đi không đủ chịu lực cho ô tô. Nếu ô tô lao ra phía ngoài rào chắn thì bản mặt cầu sẽ bị gãy.

Đồng thời, lớp phủ mặt cầu là 10cm bê tông đổ tại chỗ trên các bản bê tông cốt thép lắp ghép do co ngót khác nhau giữa 2 loại bê tông gây hư hỏng nứt tại khe nối giữa các bản lắp ghép không chịu được tải trọng trùng phục, bê tông thường bong rộp sau một thời gian khai thác.

Ngoài ra, hiện nay lan can cho người đi bộ hơi thấp so với người đi xe máy tạo tâm lý người đi xe máy không thích đi vào đường dành cho xe máy, tất cả chỉ đi vào phần đường cho ô tô rất mất an toàn. Đường đầu cầu có bán kính cong không thuận tiện cho các xe dài, mặt khác đường chui dưới gầm cầu không đủ chiều cao tiêu chuẩn nên thường xuyên xảy ra tình trạng phương có chiều cao lớn va vào hệ dàn thép dưới gầm cầu ảnh hưởng tới an toàn và tuổi thọ công trình.

Bên cạnh việc đánh giá cầu Việt Trì không đủ an toàn, Hội đồng KHCN cho rằng vai trò đảm nhận giao thông đường bộ của cầu Việt Trì trong phạm vi đối nội thành phố Việt Trì là không thể bỏ qua khi tổ chức giao thông ở khu vực này dù rằng đã có cầu Hạc Trì. Do đó, để đảm bảo an toàn kết cấu công trình, đảm bảo ATGT cho người và các phương tiên tham gia giao thông, đơn vị kiểm định đề nghị phân luồng giao thông toàn bộ các xe ô tô sang cầu Hạc Trì và giao việc sửa chữa hệ mặt cầu Việt Trì cho nhà đầu tư cầu Hạc Trì, sau đó tiến hành thu phí đối với cả 2 cầu như mô hình thu phí cầu Bến Thuỷ 1 và Bến Thuỷ 2 ở TP. Vinh, Nghệ An.

Vì lợi ích người dân

Trước đề nghị của đơn vị kiểm định, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương tổ chức giao thông và phân luồng giao thông cho các phương tiện lưu thông. Cụ thể, các đơn vị tạm thời phân luồng giao thông cho toàn bộ xe ô tô lưu hành qua cầu Hạ Trì theo hướng Vĩnh Yên đi thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và chiều ngược lại. Cấm toàn bộ xe ô tô lưu hành cầu Việt Trì theo hướng Vĩnh Yên đi thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và chiều ngược lại đồng thời tổ chức giao thông tại các nút giao đầu cầu phù hợp với phân luồng giao thông trên tuyến. Còn cầu Việt Trì chỉ để phục vụ cho tàu hoả và các loại xe thô sơ lưu thông.

Dự án cầu Hạc Trì bắc qua sông Lô được xây dựng nhằm thay thế cầu đường bộ - đường sắt Việt Trì có tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng theo hình thức BOT. Cầu Hạc Trì bắt đầu thu phí BOT từ 7/12/2015, mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt xe dưới 12 chỗ, cao nhất là 180.000 đồng/lượt từ 18 tấn trở lên.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Chu Bằng Việt Phi, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì cho biết Công ty đã phối hợp với các bên liên quan treo băng rôn ngay đầu hai bên cầu để cho người dân biết về công tác phân luồng.

“Bên Công ty đã xem xét trên các phương án tài chính sao cho đảm bảo lợi ích của tất cả các bên từ người dân, nhà đầu tư cho đến Nhà nước, Công ty đã giảm 80% phí cho người dân của phường Bạch Hạc, thì một tháng mỗi xe chỉ mất có 210.000 đồng thôi”, ông Phi cho biết.

Ngay khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT, nhà đầu tư Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì đã phối hợp với Cục QLĐB I, Công ty cổ phần quản lý và đầu tư xây dựng công trình giao thông 358, Sở GTVT Phú Thọ và các cơ quan liên quan điều chỉnh, bổ sung biển báo hiệu đường bộ theo phương án tổ chức giao thông và phân luồng. Đồng thời, các đơn vị liên quan đã tuyên truyền, tổ chức treo băng rôn và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và thực hiện.

Để đảm bảo thực hiện tốt công tác tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn cầu Việt Trì và hạn chế nhân lực phải thường trực hướng dẫn, Tổng cục ĐBVN đã giao Cục QLĐB I phối hợp với Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì, đơn vị quản lý cầu Việt Trì thực hiện các biện pháp kỹ thuật (lắp ụ nổi, rào chắn…) kèm theo các thiết bị, công trình báo hiệu giao thông phản quan đảm bảo mỹ quan và ATGT để ngăn chặn tình trạng ô tô cố tình vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.

Trước chỉ đạo của Bộ GTVT trong việc xem xét cấp vé miễn phí qua cầu Hạc Trì cho người dân phường Bạch Hạc sang làm việc tại thành phố Việt Trì và chiều ngược lại, Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì tổ chức họp thống nhất với UBND phường Bạch Hạc, UBND xã Sông Lô về phương án ưu tiên cho người dân ở nơi đây.

Cụ thể, các xe ô tô tại phường Bạch Hạc sẽ được giảm 80% mức phí, tại xã Sông Lô được giảm 60% và ở TP. Việt Trì cũng được giảm 60% mức phí. Tuy nhiên, để được hưởng ưu tiên này, các phương tiện phải là ô tô từ 7 chỗ trở xuống, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và phải đăng ký chính chủ. Riêng ở TP. Việt Trì, ngoài những điều kiện trên thì chủ xe phải là người làm việc bên kia cầu Hạc Trì và có xác nhận của cơ quan làm việc.

20150519145719-anh2
Cầu Hạc Trì được thiết kế đạt vận tốc tối đa 80 km/ giờ( Ảnh vietnamnet)

Đồng thời, cầu Hạc Trì được xây dựng theo hình thức BOT nhằm phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trong khi cầu Việt Trì đã xuống cấp và không đảm bảo an toàn. Cầu rộng 12m, bao gồm hai làn xe cơ giới rộng 7 m, hai làn xe hỗn hợp rộng 4m và gờ lan can hai bên rộng 1m nên công trình có tốc độ thiết kế 80 km/giờ giúp người dân giảm được thời gian di chuyển.

Khi được đi vào sử dụng, cầu Hạc Trì không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông thông suốt trên Quốc lộ 2 mà còn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng các tỉnh phía Bắc Tổ quốc nói chung, của hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc nói riêng. Bên cạnh đó góp phần giảm ùn tắc, quá tải trên cầu Việt Trì hiện tại.

Ý kiến của bạn

Bình luận