Thiết kế nút giao thông đô thị dành cho phương tiện giao thông xe máy

03/05/2016 06:13

Giao thông xe máy là giai đoạn phát triển không thể thiếu trong quá trình phát triển giao thông đô thị.


ª ThS. Đỗ Thị Hân

ª GS. TSKH. CHEN Yanyan

Trường Đại học Công nghiệp Bắc Kinh (Trung Quốc)

Người phản biện:

PGS. TS. Vũ Hoài Nam

Tóm tắt: Giao thông xe máy là giai đoạn phát triển không thể thiếu trong quá trình phát triển giao thông đô thị. Trong hệ thống quản lý giao thông, vị trí nút giao thông là vị trí phức tạp, dễ gây ùn tắc nhất. Bài viết giới thiệu một vài thiết kế dành cho phương tiện giao thông xe máy tại vị trí nút giao thông đô thị như mở rộng không gian nút giao thông, thiết kế làn đường xe máy song song với làn đường dành cho xe ô tô, thiết kế làn đường dành riêng cho xe máy kết hợp ưu tiên xe máy đỗ trước, thiết kế làn đường dành cho xe máy theo phương thức cách ly… Kết quả nghiên cứu là tiền đề tham khảo cho các biện pháp cải thiện giao thông đô thị thực tế tại những nơi có lưu lượng xe máy lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

Từ khóa: Giao thông xe máy, quản lý giao thông, nút giao thông.

Abstract: Motorcycle traffic development phase is indispensable in the development of urban transport. In the system of traffic management positions intersections are often complicated position, most likely to cause congestion. The article introduces a few designed  for motor vehicles at locations such as intersections of urban open space intersections, design motorcycle lane parallel lanes for cars, equipment design dedicated lanes for priority vehicles combined before passing motorcycle, designed lanes for motorcycles isolated manner... The result is a prerequisite studies refer to measures to improve urban traffic practical in areas with large traffic motorcycles like Hanoi, Ho Chi Minh city...

Keywords: Motorcycle traffic, traffic management, intersection.

1. Đặt vấn đề

Cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, đời sống nhân dân được nâng lên, từ đó nhu cầu đi lại tăng cao. Hiện nay ở hầu hết các thành phố lớn tại Việt Nam, hệ thống phương tiện giao thông công cộng chưa được ưu tiên phát triển. Xe máy với nhiều ưu điểm nổi bật như thuận tiện, linh hoạt, tốc độ xe cao có thể di chuyển trên phạm vi rộng và giá thành phù hợp với thu nhập của người dân nên rất được nhân dân ưa chuộng. Trong vài năm trở lại đây, số lượng xe máy tại các thành phố lớn tăng một cách nhanh chóng kéo theo hàng loạt những vấn đề như ATGT, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng cao… Cùng với đó là sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng dành cho giao thông, càng làm cho giao thông thành phố trở nên quá tải. Hiện tượng UTGT diễn ra khá phổ biến, đặc biệt tại vị trí nút giao thông. Có thể nói, giải quyết được sự hỗn hợp giao thông tại vị trí nút giao thông là cơ sở để cải thiện khả năng thông hành và giảm UTGT đô thị.

2. Thực trạng

Hiện nay, các nút giao thông tại các thành phố lớn của nước ta đa phần thuộc loại hình nút giao thông mặt phẳng. Không gian (phạm vi) của nút giao thông chỉ được tính từ vị trí vạch dừng đỗ của phương tiện giao thông trở vào trong, lại chưa được cải thiện và tối ưu hóa nên thường xuyên xảy ra UTGT cục bộ (Hình 2.1).

Để nút giao thông phát huy được hết hiệu quả nhằm tăng khả năng thông hành tại nút, đồng thời đảm bảo an toàn cho các phương tiện di chuyển tại khu vực, việc đầu tiên cần làm là thay đổi khái niệm không gian dành cho nút giao thông. Tiếp đến, thông qua việc thiết kế, quy hoạch… đem đến cho nút giao thông thành phố một diện mạo mới.

hinh21
Hình 2.1: Thực trạng nút giao thông Hà Nội (nguồn: Internet)

3. Ưu hóa thiết kế

3.1. Mở rộng không gian nút giao thông

Quan niệm truyền thống về phạm vi của nút giao thông là khu vực phía trong, tính từ vạch dừng đỗ xe của các hướng đường trở vào trong.

Thông qua quan sát trạng thái vận động của dòng xe cho thấy, khi xe di chuyển đến gần nút giao thông sẽ bắt đầu giảm tốc để chuyển làn đường. Tùy thuộc vào nhu cầu mà phương tiện giao thông sẽ nhập vào làn đường thuận tiện nhất để di chuyển. Do đó, phạm vi hợp lý nhất của nút giao thông nên được tính từ phạm vi khi xe bắt đầu giảm tốc để chuyển hướng (Hình 3.1). Tại khu vực này có thể thiết kế làn đường mở rộng để tăng diện tích dừng đỗ cho xe cũng như phân làn để xe di chuyển được thuận lợi (Hình 3.2).

hinh31
Hình 3.1: Phạm vi của nút giao thông theo cách hiểu truyền thống và hiện đại

 

hinh32
Hình 3.2: Làn đường nhập trước và sau khi mở rộng

 

3.2. Thiết kế làn đường song song dành cho xe máy

Thông thường, tùy vào cấp độ đường và tốc độ cho phép mà ta thiết kế chiều rộng của làn đường lần lượt là 2,75m, 3m, 3,25m, 3,5m và 3,75m nhằm giảm xung đột giữa xe máy với ô tô, đồng thời tăng tính an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông. Tại khu vực gần nút giao thông, do tốc độ xe không cao nên ta có thể  thiết kế chiều rộng của làn xe dành cho ô tô là 2,75m, đồng thời mở rộng làn đường về hai phía đề tạo điều kiện cho xe chuyển hướng được thuận lợi. Cùng với đó, bên cạnh các làn đường dành cho ô tô ta tiến hành thiếtkế làn đường song song với chiều rộng từ 1,5m - 2m dành cho xe máy, tránh trường hợp xe máy và ô tô cùng chạy trên một làn đường (Hình 3.3, 3.4).

Mục đích của thiết kế này nhằm tránh xung đột dòng giữa ô tô và xe máy. Biện pháp này chỉ phù hợp với những khu vực lưu lượng xe máy không quá cao.

Do đặc thù của xe máy rất linh động và ý thức của người điều khiển chưa cao nên dễ dẫn đến trường hợp xe máy cướp đường  của ô tô gây nguy hiểm. Do đó, việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông là vô cùng cần thiết.

3.3. Kết hợp làn đường dành riêng cho xe máy với khu vực dừng đỗ ưu tiên

Ưu điểm lớn nhất của xe máy là tính linh hoạt cao, khởi động nhanh, phạm vi hoạt động nhỏ. Do đó, tại khu vực nút giao thông ta có thể thiết kế làn đường dành riêng cho xe máy và khu vực dừng đỗ xe ưu tiên phía trước dành cho xe máy.

Diện tích của khu vực dừng đỗ ưu tiên tùy thuộc vào lưu lượng xe tại khu vực đó. Khi thiết kế khu vực dừng đỗ xe phía trước cần lưu ý dùng kích thước an toàn của xe máy (kích thước thực tế của xe máy thông thường là dài x rộng  = 2m x 0,9m, để đảm bảo an toàn cho lái xe xuất phát khi tín hiệu giao thông chuyển sang xanh, mỗi xe máy tại khu vực dừng xe ưu tiên lấy kích thước an toàn là dài x rộng = 2,5m x 1,5m) (Hình 3.5).   

Đối với những khu vực không thể thêm làn đường mở rộng có thể thiết kế theo Hình 3.6.

hinh35
Hình 3.5: Làn đường dành cho xe máy kết hợp 1

 

hinh36
Hình 3.6: Làn đường dành cho xe máy kết hợp 2

 

Phương pháp thiết kế này đã lợi dụng triệt để ưu điểm của xe máy, đồng thời do xe máy được phân quyền ưu tiên nên sẽ giảm hiện tượng xe máy chạy vào làn đường dành cho ô tô.

3.4. Thiết kế làn đường dành cho xe máy theo phương thức cách ly

Việc cách ly không cho xe máy chạy vào làn đường dành cho ô tô là vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo ATGT cho người và phương tiện di chuyển. Phương pháp thiết kế làn đường dành cho xe máy theo phương thức cách ly này đã giải quyết được sự hỗn hợp giữa các dòng xe. Đồng thời, do xe máy và ô tô cách ly với nhau, các xe sẽ có nhiều không gian để di chuyển, khi đèn xanh sáng, các xe xuất phát cũng nhanh hơn.

hinh37
Hình 3.7: Thiết kế làn đường xe máy theo phương thức cách ly 1

 

Ở những khu vực có lưu lượng xe máy lớn, việc thiết kế riêng biệt các làn xe sẽ giúp các xe lưu thông một cách nhanh nhất (Hình 3.7). Tuy nhiên, ở phương pháp này cần chú ý, do phân chia phần đường dành cho ô tô và xe máy thành 2 đường riêng biệt nên dễ dẫn đến hiện tượng khi xe ô tô rẽ phải sẽ ảnh hưởng đến xe máy lưu thông theo hướng đi thẳng. Do đó, để tránh việc xung đột này bắt buộc phải thiết kế tín hiệu đèn riêng cho từng hướng xe.

Ở khu vực có lưu lượng xe máy rẽ phải lớn, có thể xem xét thiết kế cách ly và ưu tiên cho xe rẽ phải (Hình 3.8) để giảm xung đột giữa xe máy và ô tô và nâng cao khả năng thông hành của nút. Tùy vào lưu lượng xe thực tế mà thiết kế chiều rộng của làn đường rẽ phải sao cho hợp lý.

hinh38
Hình 3.8: Thiết kế làn đường xe máy theo phương thức cách ly 2 - ưu tiên cho xe rẽ phải

 

Với những nơi đường hẹp, có thể thiết kế kết hợp làn xe rẽ trái của ô tô và xe máy trên cùng một làn đường. Khi dùng chung làn đường dễ xảy ra hiện tượng xe máy chạy vào làn đi thẳng hoặc rẽ phải của làn đường dành cho ô tô. Do đó cần vẽ chỉ dẫn bắt buộc xe máy di chuyển theo (Hình 3.9).

hinh39
Hình 3.9: Thiết kế làn đường xe máy theo phương thức cách ly - hướng rẽ trái hỗn hợp

 

Những biện pháp thiết kế ở trên có một số biện pháp đã được áp dụng vào thực tế và cho hiệu quả rất tốt. Ví dụ: Trong quy hoạch tổng thể thành phố Quảng Châu, Giáo sư Dương Hiểu Quang đưa ra áp dụng biện pháp phân làn xe riêng biệt cho xe máy kết hợp dừng đỗ xe ưu tiên phía trước tại một số đoạn đường như đường Trung Sơn (Hình 3.10) và cho kết quả rất khả quan. Trong vòng 1 năm sau khi quy hoạch, nút giao thông tại khu vực này đã nâng cao khả năng thông hành được 30 - 35% so với trước. Tuy nhiên, tại Quảng Châu, lưu lượng xe máy không nhiều như ở Hà Nội, do đó khi xem xét đến biện pháp thiết kế này, tác giả đã vận dụng vào tình hình thực tế tại Việt Nam để đưa ra những điều chỉnh cần thiết .

hinh3
Hình 3.10: Điển hình trong thiết kế nút giao thông dành cho xe máy

 

4. Kết luận

Giao thông xe máy từ lâu đã gắn liền với đời sống của nhân dân Việt Nam. Trong tương lai một vài năm tới, xe máy chắc chắn vẫn sẽ là phương tiện giao thông chủ đạo của người dân. Làm cách nào để quản lý, để nâng cao tính an toàn, đồng thời giải quyết nạn tắc đường là một vấn đề vô cùng cấp bách. Các biện pháp thiết kế đưa ra ở trên như 1) Mở rộng không gian nút giao thông; 2) Thiết kế làn đường song song dành riêng cho xe máy; 3) Kết hợp làn đường dành riêng cho xe máy với khu vực dừng đỗ xe ưu tiên; 4) Thiết kế làn đường dành cho xe máy theo phương thức cách ly là những kết quả nghiên cứu dựa vào tình hình thực tế và qua các dự án quy hoạch đô thị mà nhóm tác giả đã tham gia. Các thiết kế cần được điều chỉnh theo tình hình thực tế tại từng khu vực. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở tham khảo cho các biện pháp thiết kế nút giao thông thực tế ở những đô thị có lưu lượng xe máy lưu thông cao.

Tài liệu tham khảo

[1]. Dương Hiểu Quang và nnk, Viện Nghiên cứu Công trình giao thông đường bộ, Trường Đại học Đồng Tế (2001), Quy hoạch tổng thể phố Trung Sơn, Quảng Châu (tài liệu tiếng Trung).

[2]. Dương Hiểu Quang (2003), Hướng dẫn thiết kế đường giao thông đô thị, NXB. Giao thông Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc (tài liệu Tiếng Trung).

[3]. Đỗ Thị Hân, Dương Hiểu Quang (10/2010), Nghiên cứu giao thông xe máy và biện pháp cải thiện giao thông tại Hà Nội, Tạp chí GTVT.

[4]. Do Thi Han (2012), Nghiên cứu các vấn đề tồn tại trong quy hoạch và quản lý phương tiện xe máy trong hệ thống giao thông đô thị, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Đồng Tế, Thượng Hải, Trung Quốc (luận văn tiếng Trung).

Ý kiến của bạn

Bình luận