Thiết kế, chế tạo phương tiện hỗ trợ công tác thẩm tra ATGT

Tác giả: La Văn Ngọ

saosaosaosaosao
19/02/2020 09:50

Thẩm tra ATGT là một giải pháp quan trọng trong việc nâng cao mức độ ATGT cho các tuyến đường do đó cần được chú trọng quan tâm.


Screen Shot 2020-02-19 at 9.41.00 AM
(Ảnh minh họa)

Thẩm tra An toàn giao thông (ATGT) đường bộ là việc tổ chức tư vấn tiến hành nghiên cứu, phân tích các tài liệu có liên quan (báo cáo đầu tư xây dựng công trình, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình, hồ sơ hoàn công công trình, hồ sơ quản lý tuyến đường, hồ sơ các vụ TNGT và tiến hành kiểm tra hiện trường) để phát hiện các khả năng tiềm ẩn TNGT hoặc đánh giá nguyên nhân gây TNGT và đề xuất giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm giao thông trên tuyến an toàn, thông suốt.

Đây là giải pháp thực hiện nhằm chủ động phát hiện và ngăn chặn các yếu tố nguy hiểm, có thể tiềm ẩn gây tai nạn trên hệ thống đường, là một trong những giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao mức độ ATGT của hệ thống đường - một trong những khía cạnh chính trong TNGT (các khía cạnh khác bao gồm người tham gia giao thông, an toàn phương tiện, cơ chế, chính sách, pháp luật, thực hiện pháp luật, cấp cứu, xử lý tai nạn).

Tại Việt Nam, công tác thẩm tra ATGT bắt buộc thực hiện đối với tất cả các dự án nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới, từng bước tiến hành đối với các tuyến đường đang khai thác, góp phần quan trọng vào việc cải thiện ATGT đường bộ. Tuy nhiên, công tác thẩm tra ATGT chủ yếu thực hiện thủ công, dựa vào kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của các thẩm tra viên để xem xét, đánh giá các yếu tố của tuyến đường, số lượng dự án thực hiện thẩm tra ATGT còn rất thấp so với mạng lưới đường hiện có (đặc biệt đối với các tuyến đường đang khai thác).

Nội dung công tác thẩm tra ATGT phụ thuộc vào giai đoạn thực hiện thẩm tra bao gồm các công việc như nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan, tiến hành kiểm tra hiện trường để phát hiện các vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến an toàn, đề xuất các giải pháp khắc phục. Trong đó quá trình kiểm tra thực tế là bước đặc biệt quan trọng, đặc biệt ở giai đoạn trước khi đưa công trình vào khai thác và trong quá trình khai thác. Các nội dung chính bao gồm xem xét trực tiếp cả tuyến đường (có kết hợp quy phim, chụp ảnh), đo độ phản quang biển báo, vạch sơn (theo tỷ lệ nhất định), đo một số chỉ tiêu khác của mặt đường (độ nhám, độ bằng phẳng…) theo đề cương thẩm tra ATGT được phê duyệt. Các nội dung này hầu như được thực hiện thủ công, chậm, tốn thời gian và nhiều tình huống có thể gây nguy hiểm cho các thẩm tra viên và các phương tiện lưu thông trên đường. Do đó, cần ứng dụng các phương pháp, giải pháp, công nghệ, thiết bị hiện đại trong quá trình thẩm tra nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của vấn đề ATGT, đặc biệt, khi công tác thẩm tra cần phải được đẩy mạnh, thực hiện thường xuyên, liên tục trên các tuyến đường đang khai thác.

Phương tiện hỗ trợ công tác thẩm tra ATGT

Phương tiện hỗ trợ công tác thẩm tra ATGT là phương tiện (xe) được trang bị hệ thống các thiết bị có chức năng hỗ trợ thu thập hoặc tự động thu thập dữ liệu, lưu trữ và có thể phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ công tác thẩm tra, giúp công tác thẩm tra ATGT tự động, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, an toàn và hiện đại hơn. Các hệ thống, thiết bị, phần mềm được tích hợp trên xe một cách hợp lý và phù hợp với mục đích thẩm tra, bao gồm một số công nghệ sau (có thể lựa chọn, bổ sung, cập nhật phù hợp):

- Hệ thống các camera thu thập video, hình ảnh về tuyến đường: Xe sẽ được tích hợp hệ thống camera, có chức năng thu thập video về các điều kiện của đường bao gồm mặt đường, cảnh quan 2 bên đường (biển báo, vạch sơn, các chướng ngại vật, điều kiện dọc hai bên đường…), đặc điểm giao thông, đặc điểm dân cư giúp xây dựng toàn cảnh về tuyến đường.

- Thiết bị đo độ phản quang biển báo: Kỳ vọng thiết bị này (Kết hợp hệ thống điều khiển tự động hoặc thủ công) có chức năng tự động nhận dạng, phát hiện các biển báo và tự động đo mức độ phản của biển báo một cách liên tục; tuy nhiên bước đầu có thể điều khiển thủ công.

- Thiết bị đo độ phản quang vạch sơn: Kỳ vọng thiết bị này có khả năng phát hiện và đo mức độ phản quang của vạch sơn một cách liên tục.

- Các thiết bị đo đạc tính năng an toàn mặt đường, ví dụ xác định khả năng kháng trơn trượt mặt đường bằng phương pháp sử dụng thiết bị MTM (Mini Texture Meter), đo hệ số sức cản ma sát bằng phương pháp “Con lắc Anh" (British pendulum tester), chỉ số sức kháng trượt quốc tế IFI (Intemational Friction Index). Đo độ bằng phẳng mặt đường bằng thiết bị đo mặt cắt GMR (General Motor Roadmeter), chỉ số độ gồ ghề quốc tế IRI(International Roughness Index). Đây là các phương pháp đã được nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi tại các nước trên thế giới và Việt Nam.

- Hệ thống các thiết bị hiển thị, giao diện điều khiển, máy tính, thiết bị lưu trữ, các thiết bị âm thanh, ánh sáng cảnh báo, báo hiệu phương tiện thực hiện thẩm tra (cảnh báo cho các phương tiện lưu thông trên đường) và các thiết bị liên quan khác (Nghiên cứu kỹ hơn trong quá trình thiết kế).

- Phần mềm xử lý: Các phần mềm được xây dựng phải có chức năng phân tích, xử lý các dữ liệu đầu vào (video, hình ảnh, kết quả nhận dạng, đo phản quang biển báo, vạch sơn, kết quả đo các tính năng mặt đường…) và xuất dữ liệu theo yêu cầu công tác thẩm tra. Phần mềm có thể tích hợp trên xe hoặc cài đặt riêng biệt trên các máy tính cá nhân (có thể xử lý các dữ liệu được thu thập từ hệ thống thiết bị thu thập trên xe khi được cung cấp). Trong tương lai, kỳ vọng có thể tích hợp trí tuệ nhân tạo vào phương tiện để tự động hóa hệ thống.

Xây dựng hệ thống pháp lý

Song song với quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và ứng dụng phương tiện hỗ trợ công tác thẩm tra, cần xây dựng, điều chỉnh, bổ sung hệ thống các văn bản pháp lý liên quan để có thể tiến hành quá trình thẩm tra với phương tiện này, bao gồm các nghị định, thông tư liên quan đến công tác thẩm tra ATGT, tiêu chuẩn/quy chuẩn về phương tiện (và các hệ thống thiết bị sử dụng nếu chưa có), quy trình thẩm tra ATGT có sử dụng phương tiện hỗ trợ thẩm tra, sổ tay hướng dẫn thảm tra ATGT, nội dung giáo trình đào tạo thẩm tra viên ATGT, các quy định về báo cáo, kết quả kiểm tra…

Cần có quá trình nghiên cứu, thực hiện phù hợp

Trong tương lai, công tác thẩm tra ATGT sẽ cần phải được tăng cường và trú trọng thực hiện như một giải pháp quan trọng trong cải thiện ATGT (thực hiện theo định kỳ, theo kế hoạch, các trường hợp đột xuất… để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy hiểm). Song song với đó cần từng bước nghiên cứu, chế tạo, hoàn thiện phương tiện hỗ trợ để hiện đại hóa công tác thẩm tra ATGT. Bước đầu có thể kết hợp các công nghệ đơn giản, phổ biến (camera thu thập dữ liệu, các thiết bị đo đạc mặt đường…) và từng bước nâng cấp, cập nhật các hệ thống hiện đại để hoàn thiện phương tiện, phù hợp với sự phát triển của công nghệ, hướng tới trang bị trí tuệ nhân tạo nhằm xây dựng phương tiện hỗ trợ thẩm tra ATGT tiên tiến, thông minh, tự động, hoạt động hiệu quả, nhanh chóng, an toàn. 

Ý kiến của bạn

Bình luận