Thiết bị HHO–ECOFIRE: Công nghệ tiết kiệm nhiên liệu và giảm ô nhiễm môi trường

Tác giả: bảo anh

saosaosaosaosao
Ứng dụng 14/02/2016 06:32

Đẩy mạnh đưa các tiến bộ khoa học vào ứng dụng sản xuất đang là xu hướng phát triển nhằm tiết giảm chi phí nhiên liệu, giảm phát khí thải ô nhiễm môi trường đang được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư. Một trong những hướng đi mới của Công ty CP Fujidenki là nghiên cứu hệ thống thiết bị điện phân nước tạo khí HHO trên tàu đánh cá, xe buýt… nhằm tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát khí thải gây ô nhiễm môi trường đang được chú trọng đầu tư, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cong ty CP Fujidenki
  1. Đại diện Công ty CP Fujidenki trình bày mô hình thử nghiệm trên đầu máy diesel trước lãnh đạo Bộ GTVT

Sản phẩm của Công ty CP Fujidenki đã được thử nghiệm trên tàu đánh cá, xe buýt ở Bình Định, bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm phát khí thải ô nhiễm môi trường, được các cơ quan đánh giá cao. Tới đây, Công ty tiếp tục đưa vào thử nghiệm trên đầu máy diezen của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Tách khí hydro trộn vào nhiên liệu diesel để sử dụng trong động cơ diesel, làm tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là công nghệ không còn xa lạ ở các nước phát triển, tuy nhiên ở Việt Nam còn khá mới mẻ. Nguyên liệu của thiết bị là nước tinh khiết, nước có thể tách thành hydro và ô-xy khi được điện phân. Khi đó, hydro và ô-xy sẽ gây ra phản ứng hóa học, năng lượng đốt cháy được sinh ra. 

HHO là loại khí hỗn hợp gồm 2 hydro và ô-xy được tạo ra sau quá trình điện phân nước. Bản thân hydro là một nhiên liệu cháy. Tốc độ cháy của hydro nhanh hơn carbon (có trong các loại dầu nhiên liệu) từ 7 - 10 lần, vì vậy đóng vai trò như một chất dẫn cháy, giúp quá trình bắt cháy của nhiên liệu xảy ra sớm hơn.

Bình thường, khi không có đủ ô-xy, carbon cháy không hoàn toàn tạo ra khí CO hoặc khói, gây ô nhiễm môi trường và giảm tuổi thọ động cơ. Công nghệ này tạo ra ô-xy và trộn vào nhiên liệu, giúp nhiên liệu cháy hoàn toàn, giúp giảm khí CO, CO2 thải ra môi trường, giảm khói bám vào động cơ, giúp tăng tuổi thọ động cơ.

Cuối tháng 6/2015, trước sự chứng kiến của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, các ngành chức năng của tỉnh Bình Định và đông đảo chủ tàu cá, Công ty CP Fujidenki đã tiến hành thử nghiệm thiết bị HHO-ECOFIRE lắp trên tàu cá với mức tiêu hao nhiên liệu trong 1 giờ giảm được 4,98 lít/giờ (16,6%); nếu tính trên 1 hải lý là 0,56 lít/hải lý (17,5%) và tổng số nhiên liệu khi thử nghiệm trên cùng một hành trình giảm được 22 lít dầu (tương đương khoảng 17,6%), giảm lượng khí CO là 55%, khí SO2là 30,4%, khí NOx là 39%.

Theo ông Bùi Đức Khuê - Giám đốc Công ty CP Fujidenki, thiết bị này có tính cơ động khá cao, người sử dụng có thể di chuyển thiết bị đi bất cứ đâu nếu lắp bánh xe. Một thuận lợi nữa là chúng ta có được nguyên liệu với chi phí thấp, vì khí hydro - chất trở thành nguyên liệu có khả năng sinh ra chỉ từ nước mà con người sử dụng trong gia đình. Với công nghệ tách khí hydro và ô-xy từ nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, điện tử, chế tạo... có thể tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chi phí đầu vào hàng nghìn tỷ đồng, nâng cao lợi nhuận, nâng cao hoạt động bảo vệ môi trường.

"Công nghệ tách khí hydro từ nước trộn vào nhiên liệu diezen để sử dụng trong động cơ diezen là công nghệ tiên tiến do một chuyên gia Nhật Bản phát minh, được Sở Cấp phép Hàn Quốc cấp phép, đồng thời công nhận quyền sở hữu trí tuệ", ông Khuê nhấn mạnh.

Để thử nghiệm hiệu quả của sản phẩm này trên động cơ ô tô, cuối tháng 7/2015, Công ty tiếp tục tiến hành thử nghiệm thiết bị HHO-ECOFIRE lắp trên xe buýt ở Quy Nhơn (Bình Định) với hai chế độ không lắp đặt thiết bị HHO-ECOFIRE và có lắp thiết bị HHO-ECOFIRE. Sau khi thử nghiệm, lượng tiêu hao nhiên liệu giảm 13,6%, khí CO giảm 62,55%, khí CO2 giảm 21,55%, khí NOx giảm 21,81%.

thu nghiem tren tau ca o Binh Dinh
Thử nghiệm thiết bị trên tàu cá ở Bình Định 

Sau những thử nghiệm thành công trên tàu cá, xe buýt ở Bình Định đã đem lại những kết quả khả quan, được Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan chức năng  và ngư dân Bình Định đánh giá cao. Đây là tiền đề quan trọng để Công ty CP Fujidenki mạnh dạn đề nghị Bộ GTVT cho phép lắp đặt thử nghiệm thiết bị HHO-ECOFIRE trên đầu máy diezen của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Sau khi nghe Công ty thuyết trình về nguyên lý hoạt động của công nghệ này, dựa trên những kiểm nghiệm, đánh giá hiệu quả bước đầu của thiết bị HHO trên tàu cá và xe buýt ở Bình Định, trên cơ sở các ý kiến đánh giá của các đơn vị như: Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vụ Khoa học công nghệ, Bộ GTVT đã có văn bản số 308/BGTVT-KHCN ngày 11 tháng 01 năm 2016 với nội dụng là chấp thuận đề cương thử nghiệm công nghệ tách khí HHO từ nước trên đầu máy diezen (sử dụng thiết bị HHO-ECOFIRE) cho phép Công ty CP FUJIDENKI phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành thử nghiệm công nghệ HHO trên đầu máy diezen.

Nếu việc thử nghiệm trên đầu máy diezen của đường sắt thành công, được các cơ quan chức năng của Bộ GTVT nghiệm thu đánh giá hiệu quả của công nghệ này đem lại, sẽ góp phần to lớn, đưa lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, giảm phát khí thải ô nhiễm môi trường. Đồng thời, đây là tiền đề quan trọng để Công ty CP Fujidenkin đưa công nghệ này vào ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội.

Ý kiến của bạn

Bình luận