Thị trường ô tô: Gặp khó vì dân “ém” tiền chờ đợi

Tác giả: Thanh Huyền

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 16/02/2018 11:45

2017 là năm đầy biến động với những đợt giảm giá kỷ lục của thị trường xe ô tô. Năm 2018, thị trường ô tô được đánh giá sẽ sôi động, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức

 

Sản xuất xe trong nước
Sản xuất xe trong nước

 Bão “kích cầu” vẫn chưa đủ mạnh

Năm 2017 được xem là năm nhiều biến động của thị trường ô tô Việt Nam. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), toàn thị trường chỉ bán được 272.750 chiếc, giảm 10% so với năm 2016. Trong đó, các loại xe du lịch đạt 154.209 chiếc, giảm 15%; các loại xe thương mại đạt 104.672 chiếc, giảm 02%; các loại xe chuyên dụng đạt 13.869 chiếc, giảm 12%.

Song hành với sự sụt giảm về sức mua, năm 2017 lập kỷ lục về cơn bão giảm giá nhằm kích cầu của hầu hết các hãng xe. Trong khi đó, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU) từ các nước ASEAN đã giảm xuống còn 30% nhưng cả hai yếu tố này vẫn không trở thành động lực cho sự phát triển.

Nguyên do của sự sụt giảm này là tâm lý chờ đợi, dè chừng từ phía người tiêu dùng trước chính sách thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN vào Việt Nam giảm xuống còn 0% từ ngày 01/01/2018 theo Hiệp định Thương mại tự do AFTA. Đây cũng là yếu tố tạo áp lực rất lớn cho các hãng xe buộc phải tiếp tục giảm giá xe. Dù liên tục các mẫu xe được giảm giá mạnh nhưng sức mua vẫn rất thấp, khiến cho “cơn bão” giảm giá đã “chạm đáy” và không thể giảm hơn nữa.

Tuy nỗ lực này đã giúp sức mua có xu hướng khởi sắc nhưng cũng chỉ cứu vãn được phần nào tình trạng “xuống dốc” của thị trường xe ô tô. Bởi lẽ, cơn bão này vẫn chưa thể chiến thắng tâm lý thận trọng của số đông người tiêu dùng, ngay cả khi nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đưa ra cảnh báo thị trường xe 2018 vẫn rất khó đoán và người tiêu dùng vẫn chưa thể khẳng định là có thể mua được xe với giá mong muốn, thậm chí giá xe năm 2017 còn có lợi hơn rất nhiều.

Bởi theo phân tích, mức thuế nhập khẩu 0% chỉ được áp dụng với các xe nhập từ ASEAN và có hàm lượng nội địa hóa ở ASEAN lớn hơn hoặc bằng 40%, nếu không đáp ứng yêu cầu thì sẽ không được áp dụng chính sách này.

Mặt khác, giá xe phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu của thị trường. Khi lượng xe trong năm 2017 tồn kho quá nhiều khiến cho cung vượt quá cầu. Nhận định sang năm 2018, thời điểm thuế nhập khẩu 0% theo AFTA chính thức được áp dụng, khi người tiêu dùng đổ xô mua xe thì cầu sẽ tăng cao trong khi lượng cung có thể sẽ không theo kịp.

Vẫn còn nhiều thách thức, giá xe rẻ vẫn chỉ là kỳ vọng

Kết thúc năm 2017, dự đoán về thị trường xe trong năm 2018, nhiều chuyên gia đúc kết rằng, giá xe sẽ không biến động nhiều bởi các hãng xe đã giảm “kịch sàn” nên khó có thể giảm tiếp, cộng với nguy cơ khan hiếm xe sẽ dẫn tới việc giá xe không giảm nhiều như kỳ vọng.

Chưa kể đến, Nghị định 116/2017 về điều kiện sản xuất, lắp rắp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 quy định hàng loạt tiêu chí khắt khe trong kinh doanh nhập khẩu xe thì các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc nhập khẩu ô tô. Vì vậy, dự đoán kỳ vọng xe ASEAN với thuế 0% vào Việt Nam có giá rẻ sẽ khó được thực hiện, trong khi đó dòng xe nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN thì giá vẫn cao do thuế nhập khẩu vẫn ở mức từ 51 đến 70%.

Trước diễn biến phức tạp của thị trường xe nhập khẩu, ô tô trong nước lại có những tín hiệu đáng mừng khi Chính phủ ban hành Nghị định 125/2017 về sửa đổi thuế đối với một số mặt hàng, trong đó có thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện ô tô xuống 0% trong vòng 5 năm (2018 - 2022) đối với dòng xe dưới 9 chỗ ngồi có dung tích xi-lanh 2.000cc (xe 2.0L). Theo đó, thị trường xe ô tô dung tích nhỏ, có tỉ lệ nội địa hóa cao sẽ có được nhiều ưu tiên giúp giá thành rẻ đi.

Tuy nhiên, tiêu chí về sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa mà Chính phủ quy định sẽ là thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, tâm lý đắn đo của người tiêu dùng về chất lượng xe nội địa vốn thấp hơn nhiều so với xe nhập khẩu sẽ là hai yếu tố khiến thị trường xe chưa xác định được tương lai trong thời gian tới đây.

Trên một diễn biến khác, sự ra đời của VINFAST với khát vọng xây dựng một thương hiệu ô tô Việt mang tầm thế giới là một điểm nhấn quan trọng trong năm 2017. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của dấu ấn này có ảnh hưởng như thế nào đối với thị trường xe hiện tại vẫn là một chủ đề gây tranh cãi.

Trước sự ảm đạm của thị trường xe ô tô trong năm 2017, thị trường xe máy lại mang nhiều niềm vui. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), 5 hãng xe thành viên gồm Honda, Yamaha, Piagio, Suzuki, SYM đã bán tổng cộng 3.272.373 xe, tăng 4,8% so với năm 2016

Ý kiến của bạn

Bình luận