Thêm 160.000 liều vaccine phòng viêm não mô cầu

Xã hội 10/03/2016 06:34

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa thông báo, đến tháng 4/2016, sẽ có 60.000 liều vaccine phòng bệnh viêm não mô cầu Polysaccharide meningococcal A+C và 100.000 liều vaccine VA-MENGOC-BC.Theo đó, vaccine Polysaccharide meningococcal A+C dành cho nhóm trẻ từ 2 tuổi trở lên, vaccine VA-MENGOC-BC cho nhóm từ 3 tháng tuổi trở lên.

Thêm 160.000 liều vaccine phòng viêm não mô
Thêm 160.000 liều vaccine phòng viêm não mô cầu

Đây là 2 vaccine phòng bệnh viêm não mô cầu có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực ở nước ta hoặc đã được cấp giấy phép nhập khẩu.

Do bệnh viêm não mô cầu đang xuất hiện và có khả năng bùng phát ở một số địa phương nên vaccine A+C đang trong tình trạng khan hiếm.

Để bảo đảm cung ứng đầy đủ vaccine phòng bệnh viêm não mô cầu cho nhu cầu tiêm chủng của người dân, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh theo dõi sát diễn biến bệnh trên địa bàn và nhu cầu tiêm chủng của nhân dân để kịp thời chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng lập dự trù, có kế hoạch mua và sử dụng vaccine với các công ty nhập khẩu, kinh doanh vaccine.

Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các công ty nhập khẩu, kinh doanh vaccine khi nhận được dự trù của các cơ sở tiêm chủng phải chủ động lập kế hoạch và liên hệ với các đối tác nước ngoài để đặt hàng với mục tiêu cung ứng đủ vaccine theo nhu cầu của các đơn vị.

 Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận các ca viêm màng não do não mô cầu tại TP HCM, Gia Lai, Sơn La, Hòa Bình, Nam Định và Lạng Sơn… Cuối tháng 2, Hải Dương ghi nhận một ca tử vong chỉ sau 2 ngày khởi phát bệnh; Hà Nội cũng liên tiếp có 2 ca bệnh. 

Vi khuẩn gây viêm màng não do não mô cầu là Neisseria meningtidis thường cư trú ở vùng mũi, hầu, họng. Nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Mặc dù ít gặp nhưng bệnh não mô cầu rất nguy hiểm, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch.

Để phòng bệnh, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; Chủ động tiêm phòng văcxin phòng bệnh cho trẻ. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận