Thấy gì khi cách ly xã hội chống dịch covid-19 chất lượng không khí tốt lên?

22/05/2020 06:56

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, chất lượng không khí tốt lên nhờ cách ly xã hội trong mùa dịch Covid-19. Trên thế giới, không khí cũng sạch hơn trong thời gian này và đây là điều để mỗi chúng ta cùng suy ngẫm để có hành động đúng vì một môi trường xanh - sạch - đẹp.

nct-1511428433_1200x0
Hà Nội sạch hơn trong những ngày giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19

Không khí tốt lên nhờ cách ly xã hội

Chiều 09/5, hệ thống quan trắc không khí tự động của Hà Nội cho thấy 5/10 điểm có chỉ số AQI ở mức kém. Cụ thể, trạm Trung Hòa (Cầu Giấy) là 134, Thành Công (Đống Đa) là 103, Phạm Văn Đồng là 119, Minh Khai (Bắc Từ Liêm) là 104.

Trong khi đó, ngày 17/4 (trong thời gian giãn cách xã hội), chỉ duy nhất trạm Minh Khai (Bắc Từ Liêm) ghi nhận chỉ số là 102 - mức kém. Trong 9 trạm đo còn lại, 3 trạm có chỉ số cận tốt, 6 ở mức trung bình.

Đánh giá chất lượng không khí trong thời gian giãn cách xã hội ở Hà Nội (01 - 16/4 và 22/4), Tổng cục Môi trường cho hay kết quả đã được cải thiện hơn do nhiều hoạt động kinh tế - xã hội tạm dừng. Trên quy mô cả nước, hầu hết các đô thị "đều có giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép".

Tuần đầu tiên của tháng 4, chất lượng không khí ở tất cả các đô thị duy trì ở mức khá tốt, không bị ô nhiễm bụi PM2.5. Đây là khoảng thời gian lệnh cách ly xã hội được thực hiện khá nghiêm túc. Tuần tiếp theo, lượng xe tăng lên, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 liên tục tăng dẫn đến trong tháng có 11/30 ngày vượt quá giới hạn. Trong thời gian này, tác động của yếu tố thời tiết như trời không mưa, lặng gió, có sương mù.

Miền Trung và Nam bộ chưa có hệ thống các trạm quan trắc. Sử dụng phương pháp nghiên cứu dữ liệu vệ tinh của Sentinel-5p (Cơ quan vũ trụ châu Âu) thông qua mật độ NO2 (chất phát thải chủ yếu từ hoạt động giao thông và công nghiệp), nhóm nghiên cứu của Đại học Công nghệ (Đại học quốc gia Hà Nội) chỉ ra rằng, so với cùng kỳ tháng 4/2019, nồng độ NO2 ở Bắc Trung bộ giảm 5%, Nam Trung bộ giảm 12%, Đông Nam bộ giảm 6%; riêng Tây Nguyên tăng 02%, đồng bằng sông Cửu Long tăng 5%.

Nếu so với tháng 3, trước khi giãn cách xã hội, mật độ NO2 ở các vùng đều giảm đáng kể, Bắc Trung bộ giảm 15%, đồng bằng sông Cửu Long giảm 9%, riêng Tây Nguyên tăng 0,03%.

Tại TP. Hồ Chí Minh, nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra rằng, phân bố NO2 tập trung chủ yếu vào các quận trung tâm và giảm dần ở các quận xa hơn. Nồng độ NO2 của tháng 3, 4 so với cùng kỳ năm ngoái giảm lần lượt 16,6% và 14%.

Ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nói, lâu nay chính quyền Thủ đô và chuyên gia môi trường quan tâm tìm nguyên nhân gây ô nhiễm thì kết quả trong thời gian cách ly xã hội chính là dịp để đánh giá mức độ ảnh hưởng nguồn thải từ phương tiện giao thông.

Bài học cho loài người trước đại dịch

Trong khi các dữ liệu chỉ ra sự sụt giảm phát thải khí nhà kính do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì các nhà khoa học cảnh báo khí thải vẫn có thể phát tán theo cách khác. Khi con người dành thời gian nhiều ở nhà, đặc biệt là trong thời tiết lạnh thì họ sẽ phải bật hệ thống sưởi và các thiết bị trong thời gian dài hơn.

Christopher Jones - một chuyên gia chính sách khí hậu tại Đại học California, Berkeley (Mỹ) nói rằng, việc sử dụng năng lượng tại nhà có khi còn nhiều hơn số tiền tiết kiệm được từ việc không lái xe đi làm. Chưa kể, để đáp ứng nhu cầu giải trí tại gia đình, nhiều nơi đã sử dụng lượng dữ liệu băng thông kỷ lục trong thời gian gần đây.

Con người cũng thải ra hàng núi rác thải khi ngồi tại nhà và đặt đồ ăn, còn các nhà hàng chỉ phục vụ đồ ăn, đồ uống trong các cốc, hộp nhựa dùng một lần mà chưa thể tái chế. Trung Quốc cũng đang ngập ngụa trong chất thải y tế (thường là các mặt hàng sử dụng một lần) do các bệnh viện thải ra. Tại TP. Vũ Hán, chất thải y tế tăng gấp 4 lần lên hơn 200 tấn mỗi ngày.

Đại dịch Covid-19 cũng có thể thúc đẩy những thay đổi hành vi ít rõ ràng hơn, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến dấu chân carbon của con người. Thí dụ, mua sắm trực tuyến và giao hàng tận nhà gần đây tăng đột biến khi mọi người ngày càng tránh các không gian công cộng.

Dấu chân carbon của mua sắm trực tuyến so với việc mua hàng trong một cửa hàng thường rất khó để phân tích. Theo một nghiên cứu gần đây, nó phụ thuộc vào việc giao hàng đến từ một cửa hàng trong cộng đồng hay được vận chuyển từ nơi khác và phương tiện vận chuyển mà người mua hàng thường sử dụng để nhận hàng.

Mặt khác, các chuyên gia cảnh báo rằng, việc giảm phát thải quan sát được chỉ là tạm thời và khi các thành phố, quốc gia và nền kinh tế phục hồi trở lại sẽ tiếp tục phát thải, trừ khi từ những bài học trong đại dịch, con người sẽ có những thay đổi lớn trong xã hội.

Bà Jacqueline Klopp - đồng Giám đốc Trung tâm Phát triển đô thị bền vững tại Đại học Columbia, TP. New York (Mỹ) cho biết, dữ liệu gần đây từ Bộ GTVT bang New York cho thấy sự gia tăng người đi xe đạp trên cầu của TP. New York trong tháng này.

Để hỗ trợ người dân trong việc thay đổi thói quen này, chính quyền nên đầu tư vào làn đường xe đạp an toàn, tách biệt và vỉa hè thoáng đãng cũng như các tiện ích không quá xa nơi mọi người sống. “Đây là điều quan trọng mà các thành phố cần quan tâm, đáng buồn thay điều này thường bị bỏ quên. Dịch Covid-19 nhắc nhở chúng ta cần sự thay đổi trong đầu tư và tầm nhìn này”, bà Jacqueline Klopp nói.

Liệu mọi người có thể tiếp tục áp dụng những thay đổi thân thiện với môi trường hơn trong hành vi của mình sau đại dịch hay không là một câu hỏi khác. Theo bà Jacqueline Klopp, đại dịch có thể khiến các công ty và chính phủ nhận ra rằng có các mối đe dọa khác đối với nhân loại như biến đổi khí hậu có thể tàn phá nặng nề đến thế nào và bắt buộc con người phải phát triển các biện pháp bảo vệ.

“Khi chúng ta chuyển sang khởi động lại các nền kinh tế này sau đại dịch, chúng ta cần sử dụng thời điểm này để suy nghĩ về những gì chúng ta cần coi trọng. Chúng ta muốn quay trở lại hiện trạng ô nhiễm hay muốn giải quyết những vấn đề lớn này và tái cấu trúc nền kinh tế của chúng ta theo hướng giảm khí thải và ô nhiễm?”, bà Jacqueline Klopp trăn trở.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận