Thay đổi diện mạo nông thôn

Tác giả: Khánh Hà

saosaosaosaosao
Thị trường 27/07/2015 05:34

Với việc gắn xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) với xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của các vùng nông thôn. Nhiều mô hình hay, cách làm mới được áp dụng và trở thành phong trào rộng khắp.

2929266344_b62e8c3d5d_o
 

Nhiều mô hình hay, cách làm mới

Đánh giá giai đoạn này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, phong trào xây dựng và phát triển GTNT đã đạt được kết quả vượt bậc so với thời kỳ trước năm 2010, chiều dài đường GTNT tăng 217.433km (tính cả đường nội đồng). Tổng vốn huy động đạt 186.194 tỷ đồng (tăng 84.418 tỷ đồng so với cả giai đoạn 10 năm trước và tương đương 183%). Nhiều chỉ tiêu khác cũng tăng, hạ tầng GTNT ngày càng phát triển, từng bước hiện đại theo hướng bền vững và đã có nhiều mô hình tốt trên khắp cả nước.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, trong 5 năm qua, tỉnh đã xây mới, nâng cấp, cải tạo được 5.456km đường GTNT, 5.703 cầu, cống dân sinh thủy lợi, đắp 5.319km đường trục nội đồng, trong đó cứng hóa được 1.291km, số tiền đầu tư trên 6.500 tỷ đồng. Để làm được điều này có nhiều yếu tố, nhưng giữ vai trò quan trọng là sự hưởng ứng, đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là việc hiến đất, góp đất. Trong giai đoạn 2010 - 2015, các hộ dân đã góp đất, hiến đất được 2.809ha đất nông nghiệp (tương đương 5.618 tỷ đồng), trên 200ha đất thổ cư (tương đương 1.000 tỷ đồng) để xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội và làm đường giao thông nông thôn.

Ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, đường giao thông nông thôn chiếm trên 80% tổng chiều chiều dài đường bộ của tỉnh. Với phương châm nhân dân và Nhà nước cùng làm, đã có nhiều hình thức, biện pháp huy động vốn, ngày công theo điều kiện cụ thể của từng địa phương để làm đường mới, mở rộng, nâng cấp đường cũ, làm cầu cống...  Tỉnh đã xây dựng mới (bao gồm làm lại toàn bộ đường và làm thêm đường theo các tuyến mới) 47.436km đường, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ GTVT, tăng 10.251km so với giai đoạn 2001 - 2010 và làm mới 61.400km đường thôn xóm bằng vật liệu tại chỗ; cải tạo, nâng cấp và sửa chữa 103.394km (bình quân năm tăng 54%); xây dựng mới 15.474 cầu (bình quân năm tăng 8%) và sửa chữa 11.503 cầu.

Là địa phương thuộc vùng Đồng Tháp Mười, khác với cách làm của các tỉnh khác, ông Nguyễn Văn Cống, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp chia sẻ kinh nghiệm: Địa phương đã huy động nhiều nguồn vốn từ Trung ương, ngân sách địa phương, xã hội hóa (tài trợ, ủng hộ), vốn trong dân (như hiến đất, tham gia ngày công lao động, đóng góp tiền mặt)… Bằng nhiều cách vận động sáng tạo, áp dụng mô hình hay đã đánh thức nhiệt huyết và sự đồng tình với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong phong trào thi đua xây dựng GTNT kết hợp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phù hợp tiêu chuẩn của tiêu chí xã nông thôn mới. Đến nay, xe cơ giới bốn bánh đã đến được trung tâm các xã. Từ đó, các xã ở vùng cù lao được đầu tư, nâng cấp các bến khách ngang sông trên các tuyến nối trung tâm và bến phà được phép chở ô tô, do đó hàng hóa nông sản được vận chuyển thuận tiện, người dân đi lại dễ dàng.

Một điển hình khác, tỉnh Hưng Yên đã mạnh dạn ứng dụng vật liệu HRB gia cố đất tại chỗ làm lớp móng đường (HRB có thành phần chính là tro bay từ nhà máy nhiệt điện, xi măng và các chất hoạt hóa và biến đổi Puzơlan) và ứng dụng nhũ tương trộn với cốt liệu đá 0,5, cát vàng để làm lớp mặt đường (mặt đường bê tông nhựa nguội). Qua báo cáo, đánh giá của Sở GTVT, chất HRB gia cố đất tại chỗ làm lớp móng đường và lớp mặt đường bê tông nhựa nguội dễ thi công, đảm bảo chất lượng và tiết kiệm kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 15% so với mặt đường cấp phối đá dăm láng nhựa và khoảng trên 20% so với mặt đường BTXM. Nhờ vậy, hệ thống đường GTNT tại tỉnh này có nhiều chuyển biến, tỷ lệ cứng hóa mặt đường đạt 60,3% cao hơn trung bình của cả nước.

Ngoài đầu tư của các địa phương, Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác 170 cầu treo dân sinh theo Đề án xây dựng 186 cầu treo đã duyệt, đến 30/7 sẽ hoàn thành tiếp 16 cầu treo dân sinh thuộc Đề án này. Giai đoạn 2015 - 2019, Bộ GTVT sẽ triển khai xây dựng 3.959 cầu dân sinh trên phạm vi các tỉnh, thành phố có đồng bào dân tộc ít người sinh sống. Đến giai đoạn đó, các cầu dân sinh vượt sông, suối tại các vị trí trọng yếu trên địa bàn 50 tỉnh trọng Đề án sẽ được xây dựng.

Xây dựng nông thôn theo hướng bền vững

Tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn, việc Chính phủ, Bộ GTVT, các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã huy động được trên 186 ngàn tỷ đồng trong 5 năm qua, trong đó có 25% huy động từ nguồn xã hội hóa, chưa kể ngày công lao động đóng góp của nhân dân. Cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt là bởi nhận thức của xã hội, nhân dân thấy được lợi ích cụ thể mà họ được hưởng từ mô hình hiến đất làm đường, đóng góp công của để làm đường GTNT. Do đó, từ Trung ương đến địa phương và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để xây dựng GTVT, phải phát triển các mô hình này thành phong trào rộng khắp. 

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ, theo yêu cầu thì trên 50% đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới của cả nước, số còn lại chắc chắn sẽ khó hơn rất nhiều vì ở nhiều nơi nguồn lực còn khó khăn. Do đó, Phó Thủ tướng nêu rõ, với việc huy động các nguồn lực phải đa dạng, gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, từ các nguồn lực khác như vốn nước ngoài, cần nghiên cứu Đề án làm đường giao thông bằng xi măng hoặc nghiên cứu vốn trái phiếu xi măng để làm đường, trong đó phải chú ý đến đặc thù của từng vùng, miền cho phù hợp. Đồng thời, huy động đóng góp từ dân nhưng phải vừa với sức dân, nghiêm cấm huy động người nghèo đóng góp, nếu họ đóng góp bằng sức thì phải tạo điều kiện cho người nghèo có thêm thu nhập. Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục vận động người dân vào cuộc để thành phong trào, việc gì của dân, công trình dự án vừa sức dân thì giao cho dân làm. UBND tỉnh lên danh mục và giao cho dân làm, dân giám sát.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ GTVT chỉ đạo các địa phương hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để cho địa phương làm, bảo quản duy tu tốt hơn; gắn chặt trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng nông thôn mới và các cấp ủy đảng, chính quyền phải đưa một số chỉ tiêu, giải pháp về xây dựng GTVT vào Nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp.

Ý kiến của bạn

Bình luận