Tháo nút thắt bảo trì đường bộ ở Cục Quản lý Đường bộ IV

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 09/04/2018 09:34

Cục Quản lý Đường bộ IV (QLĐB IV) được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông đường bộ ở các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ, địa bàn quản lý trải dài trên 22 tỉnh/thành phố từ Ninh Thuận đến Cà Mau.

Công tác kiểm tra tải trọng kết cấu hạ tầng GTVT t
Công tác kiểm tra tải trọng kết cấu hạ tầng GTVT tại Cục IV

Những khó khăn trong công tác quản lý, bảo trì đường bộ

Đến thời điểm ngày 01/01/2018, Cục QLĐB IV đang quản lý, khai thác 29 tuyến quốc lộ (QL), với tổng chiều dài gần 3.133km và 1.009 cầu/91.317md (trong đó có 02 cầu lớn: Cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ); Cục trực tiếp quản lý, bảo trì 2.619km, bàn giao cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BOT 514km.

Công tác bảo trì đường bộ của Cục trong ba năm gần đây đã đạt được những kết quả tốt, hệ thống cầu đường được cải thiện đáng kể, việc sử dụng hiệu quả Quỹ BTĐB góp phần vào sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội.

Yếu tố thuận lợi mà Cục QLĐB IV đang nắm giữ chính là do nguồn vốn được gia tăng đáng kể và xử lý kịp thời nên nhu cầu sửa chữa đường bộ đáp ứng tốt hơn. Ngành Đường bộ đã tập trung xử lý dứt điểm nhiều hỏng hóc kéo dài nhiều năm, nhiều công trình đã được kiên cố hóa các “điểm đen”, cầu yếu đã được khắc phục… Bên cạnh đó, Tổng cục ĐBVN áp dụng nhiều giải pháp quản lý mới, có hiệu quả, từ đó các khâu trong quá trình thực hiện bảo trì được rút ngắn, thời gian triển khai hiện trường nhanh gọn, kịp thời trước mùa mưa lũ (tất cả các danh mục sửa chữa định kỳ xong trước ngày 30/6 hàng năm).

Tuy nhiên, Cục IV cũng gặp không ít khó khăn như thiên tai, bão lũ... Chỉ riêng năm 2017 đã có 15 cơn bão, gây hậu quả nặng nề cho các công trình đường bộ, kinh phí khắc phục bước một trên hệ thống QL trung bình hàng năm của Cục IV chiếm gần 100 tỷ đồng. Mặt khác, chi phí cho hoạt động của Cục QLĐB IV chưa được đáp ứng đủ và còn khó khăn nên dẫn đến hoạt động cũng còn cầm chừng, chưa quán xuyến và bao quát hết công việc.

Mặc dù kinh phí dành cho bảo trì đã tăng đáng kể nhưng vẫn chưa thể thực hiện sửa chữa bảo trì theo định mức và quy trình một cách triệt để, công tác trung, đại tu các tuyến đường vẫn chưa được triển khai đúng kế hoạch.

Trên các tuyến QL do Cục QLĐB IV có 40 cầu đang hạn chế tải trọng theo QCVN 41:2016 cần đầu tư sửa chữa để đảm bảo ATGT, an toàn công trình. Còn nhiều đoạn tuyến đưa vào sử dụng từ 10 - 15 năm chưa được trung, đại tu theo quy định và nhiều đoạn tuyến có kết cấu cấp phối đá dăm láng nhựa hiện xuống cấp hư hỏng.

Ngoài ra, phương tiện trang bị không đủ nên hạn chế đối với công tác quản lý địa bàn, các đơn vị quản lý thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn rộng nhưng không đủ phương tiện, phải đi nhờ xe các đơn vị, sử dụng xe máy cá nhân... nên công tác tuần tra, kiểm tra giám sát cũng còn hạn chế.

Đối với công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ: Tình trạng vi phạm ngày càng đa dạng, phức tạp; những vi phạm phổ biến hiện nay là lấn chiếm, xây dựng trái phép, san lấp mặt bằng… trong phạm vi đất dành cho đường bộ chưa có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu; phần lớn không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; sự quan tâm của một số địa phương trong việc phối hợp ngăn chặn vi phạm hành lang an toàn đường bộ còn hạn chế.

Nguồn vốn bảo trì chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu

mặc dù thiếu vốn, một số QL do Cục 4 quản lý giữ đ
Mặc dù thiếu vốn, một số QL do Cục IV quản lý đảm bảo giao thông thuận tiện

 

Hiện tại, nguồn vốn kế hoạch giao cho Cục không đủ chi theo nhu cầu, năm 2016 được giao 476 tỷ đồng, năm 2017 là 639,8 tỷ đồng, nhưng đến năm 2018 lại giảm xuống còn 534,1 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu chi thực tế năm 2016 từ 1.307 tỷ đồng (trong đó 320 tỷ đồng là sửa chữa thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất khác là 987 tỷ đồng), đã tăng lên 1.721 tỷ đồng năm 2018 (trong đó 499 tỷ đồng sửa chữa thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất khác là 1.222 tỷ đồng).

Đánh giá về nguồn vốn, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục QLĐB IV cho biết: Vốn kế hoạch được giao hàng năm mới chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu nên trong quá trình thực hiện phải “liệu cơm gắp mắm”, chỉ ưu tiên sửa chữa những vị trí mặt đường hoặc các công trình cầu, cống hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, an toàn công trình. Các vị trí, công trình đã xuất hiện hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa sẽ tiếp tục phát sinh thêm hư hỏng hoặc gia tăng mức độ hư hỏng, làm tăng chi phí sửa chữa khi được đầu tư.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng còn nhiều khó khăn khi tham gia đấu thầu bảo trì như: Các gói thầu sửa chữa định kỳ chủ yếu là gói thầu nhỏ và siêu nhỏ (dưới 5 tỷ đồng, chỉ cho phép các nhà thầu là các doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ tham gia - theo Nghị định 63/2014/NĐ-CP), lại trải dài trên các QL nên không hấp dẫn các nhà thầu lớn có năng lực nhân sự, thiết bị và tài chính... tham gia đấu thầu mà chủ yếu là các nhà thầu nhỏ, năng lực hạn chế.

Các gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến QL thực hiện thời gian qua gặp nhiều khó khăn do giá gói thầu được duyệt quá thấp (trung bình 25 triệu đồng/01km/năm từ năm 2014 - 2017) nên không hấp dẫn nhà thầu, khi triển khai thực hiện đã gây nhiều khó khăn cho đơn vị trúng thầu. Do bị cắt giảm nhiều mà vẫn phải cơ bản đáp ứng tất cả các quy định của bộ tiêu chí nghiệm thu đánh giá theo Quyết định số 2196/QĐ - BGTVT ngày 29/7/2013 của Bộ GTVT trong các hồ sơ mời thầu nên các nhà thầu bỏ giá cao hơn giá dự toán khoảng hai lần, có gói thầu cao hơn ba lần. Hậu quả là toàn bộ các gói thầu có định mức 25 triệu đồng/km/năm được mời thầu năm 2014 đã diễn ra không thành công.

Từ những khó khăn đó, Cục đã báo cáo và được Tổng cục ĐBVN chấp nhận cắt và hạ thấp một số tiêu chí, trong đó phần sửa chữa mặt đường không có trong công việc bảo dưỡng thường xuyên. Hạn mức này đến năm 2017 được Bộ GTVT nới dần lên khoảng 50 triệu đồng/km/năm để phù hợp với diễn biến thực tế.

Về ý kiến của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thời hạn đấu thầu bảo dưỡng thường xuyên, hiện Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN đã có ý kiến chỉ đạo, thời gian thực hiện các gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến QL trên toàn quốc là 3 năm (từ năm 2018 - 2020).

Các doanh nghiệp lo ngại rằng, nếu các gói thầu bảo trì chỉ kéo dài 3 năm, thời gian khấu hao máy móc là không đủ, đợt sau nếu không tiếp tục trúng thầu thì dàn máy móc đặc chủng này không biết dùng vào việc gì.

Về những vấn đề này, quan điểm của Cục QLĐB IV là cần áp dụng thời gian hợp đồng 5 năm để nhà thầu có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ tốt hơn việc bảo dưỡng thường xuyên, đồng thời quy mô gói thầu (chiều dài khoảng 200km đến trên 300km) cũng cần tăng lên, tạo thêm sức hấp dẫn các doanh nghiệp

Ý kiến của bạn

Bình luận