Tháo gỡ những khó khăn tại cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 23/04/2019 06:02

Thay đổi nhà thầu, tái cơ cấu lại toàn bộ dự án, tập trung hết nhân công lực lượng....nhằm đưa dự án này về đích cuối năm 2020.

IMG_2669
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể làm việc với tỉnh Tiền Giang và doanh nghiệp dự án

Mới đây Bộ GTVT, Tỉnh uỷ - UBND tỉnh Tiền Giang và lãnh đạo Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã có buổi làm việc để giải quyết những khó khăn vướng mắc tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.  

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Dự án này được sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước. Còn có nhiều vướng mắc nhưng chúng ta phải vượt qua để hoàn thành”. Đến nay, việc chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) từ Bộ GTVT về Tiền Giang vẫn chưa hoàn tất các thủ tục hành chính. Bộ sẽ phối hợp cao độ, chặt chẽ với tỉnh để triển khai việc chuyển giao này.

Về kinh phí 2.186 tỷ đồng mà Chính phủ ghi vốn hỗ trợ cho dự án, Bộ GTVT đã trình Chính phủ xem xét, có ý kiến với Bộ Tài Chính sớm bố trí nguồn vốn.

Đại diện tỉnh Tiền Giang cũng cho biết: Phần GPMB hiện nay đã giải tỏa 50,51km đạt 98% khối lượng. Chỉ còn 590m chưa bàn giao và tỉnh cam kết sẽ quyết liệt trong thời gian tới. Việc chuyển đổi CQNNCTQ cũng được tỉnh quan tâm sát sao bằng việc thành lập tổ chuyên môn để thực hiện công tác quản lý dự án. Tổ chức các cuộc họp liên tục để triển khai các công việc, phân công cho từng thành viên lập các nhóm công tác.

Tỉnh cũng đã làm việc với doanh nghiệp dự án (DNDA), đi thực địa và cùng doanh nghiệp khảo sát các tuyến đường công vụ, hệ thống tập kết vật tư, vật liệu cũng như sớm hoàn thành đơn giá vật liệu hợp lý, hợp pháp. Đại diện tỉnh nhìn nhận: do thủ tục chuyển đổi CQNNCTQ chưa hoàn chỉnh nên việc tiếp cận nguồn vốn chưa thực hiện được. Tiền Giang xin cơ chế tiếp cận sớm nguồn kinh phí 500 tỉ đồng của kế hoạch 2019 (trong số 2.186 tỉ đồng) vì đợi trình tự thủ tục sẽ còn rất lâu, càng làm chậm tiến độ triển khai.

Thống nhất với đề xuất của Nhà đầu tư và chỉ đạo của của Bộ trưởng Bộ GTVT, tỉnh khẩn trương tham khảo ý kiến Bộ Kế hoạch Đầu tư để các bên ngồi lại với Doanh nghiệp dự án đi tới ký kết lại phụ lục hợp đồng. 

IMG_2215
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến cao tốc trọng điểm giải quyết ùn tắc trên quốc lộ 1A hiện nay

Được biết, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong những tuyến đường huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP. HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT, có tổng chiều dài 51,1km với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

Dự án được khởi công lần đầu từ tháng 11/2009.  Sau hơn 5 năm rơi vào bế tắc, đến ngày 07/02/2015, dự án được tái khởi động bởi Liên danh các Nhà đầu tư Tuấn Lộc - Yên Khánh - BMT - Thắng Lợi - Hoàng An - Công ty CPĐT cầu đường CII. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào quý II/2020.

Sau khi tái khởi động lần 2, dự án lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và được đánh giá là không có cơ sở đảm bảo đúng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ. Vướng mắc lớn nhất tại dự án này là phương án tài chính bị phá vỡ, lãi suất giữa vốn vay của hợp đồng dự án và lãi suất vay ngân hàng có sự chênh lệch lớn, dẫn đến không giải ngân được vốn vay tín dụng. Bên cạnh đó, do những thay đổi của Luật Quản lý tài sản công nên nguồn doanh thu thu phí tại trạm TP HCM - Trung Lương để hỗ trợ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu không thực hiện được. Một vướng mắc khác là 1 trong 6 thành viên liên danh nhà thầu (Công ty TNHH Yên Khánh) liên quan đến nhiều vụ án hình sự…

Nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đề xuất Bộ GTVT chấp thuận mời nhà đầu tư có đủ năng lực là Tập đoàn Đèo Cả vào tham gia quản trị, điều hành dự án trên cơ sở kinh nghiệm thực hiện các dự án hạ tầng giao thông và đặc biệt là giải cứu dự án Bắc Giang – Lạng Sơn (có những vướng mắc tương đồng với dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận).

Sau khi tham gia vào dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ. Đến nay, dự án đã được tái khởi động lại, với quyết tâm thông tuyến dự án vào cuối năm 2020 như chỉ đạo của Chính phủ.

DSC-5578
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả  chia sẻ thông tin về dự án

Để góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc tiến tới hoàn thành Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Thường trực Chính phủ đã họp và có Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ số 99/TB-VPCP ngày 18/3/2019 đã chấp thuận chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải sang UBND tỉnh Tiền Giang - việc này giúp xác định trách nhiệm UBND tỉnh Tiền Giang trước công luận, nhờ vậy địa phương sẽ chủ động hơn trong việc phối hợp với nhà đầu tư giải quyết các vấn đề pháp lý của dự án. Đồng thời, Kết luận 99 cũng chỉ ra nhiều vướng mắc và chỉ đạo các phương án tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Chính phủ đã xác định việc tái sắp xếp, khởi động lại dự án lần này bằng mọi nỗ lực để có thể thông tuyến dự án vào cuối năm 2020 như là một quyết tâm chính trị, thực hiện sự cam kết của Chính phủ với đồng bào khu vực ĐBSCL.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Sau khi sắp xếp, bổ sung nhà đầu tư đủ năng lực tham gia các bên liên danh, đơn vị đã tập trung triển khai một loạt các công việc cụ thể để triển khai trở lại dự án. Về liên danh Nhà đầu tư: Tổ chức Đại hội đồng cổ đông vào ngày 21/3/2019 và thống nhất việc tiếp tục triển khai dự án, các giải pháp cần phải khẩn trương thực hiện đồng bộ và toàn diện. Kiện toàn củng cố tổ chức bộ máy quản trị và điều hành công ty, quản lý điều hành dự án. Đồng thời huy động tất cả các nguồn lực sẵn có của các Nhà đầu tư, doanh nghiệp (vốn tự có, tín dụng ngắn hạn, huy động khác) nhằm hoàn thành cơ bản công tác xử lý đất yếu (bấc thấm đứng và ngang, vải địa kỹ thuật, gia tải) và chờ lún, đến tháng 3/2020 sẽ tiến hành dỡ tải và thi công các hạng mục tiếp theo.

Đơn vị cũng chủ động mời Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Thuế, Hội đồng nghiệm thu nhà nước…..Qua các kết quả kiểm tra tái cơ cấu dự án và có các giải pháp xử lý thúc đẩy tiến độ nhằm thông tuyến dự án vào năm 2020.

Ý kiến của bạn

Bình luận