Thái Bình: Nhiều phương pháp hay đảm bảo TTATGT

Hoạt động Ban ATGT 22/07/2016 05:01

Trong thời gian qua, để kéo giảm TNGT và giải quyết các điểm đen, tỉnh Thái Bình có nhiều phương pháp nổi bật đảm bảo TTATGT.

20151118_151057-1639
Đường giao thông liên thôn

Không có điểm đen

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Phương Huy, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thái Bình khẳng định trên địa bàn tỉnh không có điểm đen. Để có kết quả đó, Ban ATGT tỉnh cũng như các đơn vị liên quan không ngừng nỗ lực đảm bảo TTATGT. Tỉnh đã thực hiện rất nhiều các giải pháp từ tuyên truyền đến xử lý, răn đe dưới nhiều hình thức.

Theo ông Huy, đối với tình hình thực tế tại đại bàn tỉnh, tuyên truyền trên truyền hình, báo chí thực sự không hiệu quả bằng phương thức truyền thanh. Bởi vì đa phần người dân nơi đây chủ yếu làm việc ngoài đồng, trên đầm thủy sản nên truyền thanh là phương thức hợp lý nhất, khi người dân làm việc họ vẫn có thể nghe và tiếp thu.

“Hàng tháng, Ban ATGT tỉnh gửi nội dung tuyên truyền về từng địa phương và các địa phương cử người đọc hàng ngày, phát trên các loa phóng thanh xã, huyện. Chúng tôi có hệ thống quản lý theo tần số nên địa phương nào không phát thiết bị sẽ báo ngay”, ông Huy cho biết.

Đồng thời, UBND thành phố Thái Bình đã đầu tư một trung tâm thực hành ATGT đặt tại Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề thành phố với đầy đủ mô hình ATGT để học sinh đến thực hành các bài học ATGT. Khi đến các tiết học về giao thông, các em sẽ được đưa đến đây học trực tiếp trên sa bàn, mô hình hiện đại và cụ thể. Về tình trạng dựng rạp đám cưới, đám ma lấn chiếm diện tích trên đường tỉnh lộ, quốc lộ, Ban ATGT tỉnh đã sử dụng giải pháp là phối hợp với cán bộ địa phương nhắc nhở và trực tiếp tuyên truyền, giảng giải sự nguy hiểm, mất ATGT với từng cặp đôi lên đăng ký kết hôn ở các xã, huyện. Từ khi áp dụng giải pháp này, tình trạng này cũng xảy ra ít hơn trên toàn tỉnh.

Theo ông Phạm Văn Nam - Chánh văn phòng Sở GTVT Thái Bình, năm ngoái, tỉnh thực hiện triển khai xây gờ giảm tốc tại các điểm đấu nối giữa đường tỉnh với quốc lộ, đường huyện với tỉnh lộ, quốc lộ và các trục đường chính. Đây là biện pháp hữu hiệu giảm TNGT. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng có nhiều phát sinh, có những địa phương tuân thủ nhưng vẫn đề nghị tháo rỡ, có những địa phương, người dân tháo trộm.

“Có những nơi dân họ mang xà beng ra phá luôn, còn có những địa phương kiến nghị lên là nên gỡ bỏ gờ giảm tốc này vì người dân cho rằng khi xe to, chở nặng đi đến gờ, giảm tốc sẽ rung và gây nứt hỏng nhà xung quanh khu vực gờ giảm tốc, người dân bị tiếng ồn của phương tiện làm phiền... Những lý do này không hề hợp lý, chỉ có nhà kém mới nứt hỏng chứ không phải vì xe tải rung mà nứt được”, Chánh văn phòng Sở chia sẻ.

Trước thực trạng đó, Sở GTVT tỉnh đã giao lại cho địa phương quản lý sau khi tổ chức lắp đặt và có hiệu quả rõ rệt. Địa phương nào để tháo dỡ phải chịu trách nhiệm, huyện nào, xã nào để hỏng thì phải tự khắc phục.

Ngoài ra, về công tác đảm bảo ATGT đường thủy nội địa, tỉnh tổ chức tổng điều tra các phương tiện thủy nội địa, các tàu và người lái phương tiện. Trên cơ sở kết quả thu được, tỉnh quản lý chặt chẽ phương tiện làm ăn của ngư dân và yêu cầu chủ đầm, chủ hộ nuôi trồng thủy sản cam kết đảm bảo ATGT và an toàn cho người lao động, xử lý các phương tiện neo đậu trái phép tại khu vực cầu, cống và từng địa phương gắn trách nhiệm chính quyền phối hợp với các ngành chức năng đảm bảo an toàn các đê, kè, cầu, cống.

Siết chặt quản lý vận tải

Theo Chánh văn phòng Sở GTVT Thái Bình Phạm Văn Nam, trong thời gian vừa qua, thực hiện chủ trương của Bộ, tỉnh thực hiện nhiều biện pháp siết chặt quản lý vận tải. Tuy nhiên, khi siết chặt quản lý vận tải có nhiều phát sinh đặc biệt là cạnh tranh của các đơn vị. Chính vì vậy, Sở tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp vận tải do Giám đốc Sở chủ trì. Qua hội nghị đã bật ra được nhiều vấn đề và Sở đã từng bước giải quyết, sắp xếp để các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Trước đây, một số doanh nghiệp có xích mích, tranh giành khách trên đường nhưng khi có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đã nhận lỗi và bắt tay nhau cùng kinh doanh.

Trên địa bàn tỉnh, khi có những xe chạy vòng vo đón trả khách không đúng nơi quy định, xe chạy sai luồng tuyến thì Sở bố trí lực lượng thanh tra phục ở vị trí nóng và khi có xe vi phạm, lực lượng thanh tra sẽ chụp ảnh, quay phim lại gửi về sở và sở sẽ thu hồi phù hiệu, xử lý nghiêm, yêu cầu đơn vị chấp hành đúng quy định. Khi phát hiện những bến cóc Sở cũng điều lực lượng thanh tra ra đứng để xử lý, có bóng lực lượng chức năng họ cũng sẽ không dám vi phạm tuy nhiên những hành động này mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Để có thể giải quyết được vấn đề, để các doanh nghiệp chấp hành đón trả khách đúng nơi quy định thì chủ yếu là chụp ảnh, ghi hình lại đưa về sở để thu hồi giấy phép mới hiệu quả. Ngoài ra, Sở GTVT Thái Bình còn phối hợp với các địa phương khác, thu hồi phù hiệu và đưa lên bảng tin thông báo tên doanh nghiệp, biển số xe và cả các cá nhân vi phạm TTATGT.

35231_42
Từ khi siết chặt quản lý vận tải, các doanh nghiệp vận tải đã đi vào nề nếp (Ảnh internet).

“Từ khi siết chặt quản lý vận tải, các doanh nghiệp vận tải mới đi vào nề nếp. Đặc biệt, riêng cá nhân nào là cán bộ trong ngành giao thông vi phạm ngoài xử lý theo quy định pháp luật thì về ngành tiếp tục xử lý. Đây là hình thức giáo dục răn đe hiệu quả. Đồng thời, một tháng tổ chức 2 cuộc họp giao ban trong đó các đơn vị quản lý vận tải, đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng thông tin về những vấn đề mất an toàn để tìm hướng giải quyết”, ông Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh công tác siết chặt quản lý vận tải, trao đổi với phóng viên, ông Lê Phương Huy, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thái Bình chia sẻ khác với các địa phương khác, Thái Bình luôn chú trọng quan tâm đến công tác bảo đảm TTATGT. Ban ATGT tỉnh họp kiểm điểm và xây dựng kế hoạch, định hướng theo từng tháng cụ thể chứ không xây dựng kế hoạch chung chung cho 3 tháng hay 6 tháng. Theo ông Huy, Ban ATGT thực hiện xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ theo từng tháng như vậy mới có thể bám sát thực tế và giải quyết cụ thể, chặt chẽ những vấn đề nóng, những vấn đề liên quan đến TTATGT đang tồn tại trên địa bàn tỉnh.

“Bên cạnh đưa ra phương hướng giải quyết, lãnh đạo Ban ATGT còn có quyết định xử lý rõ ràng các cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Cụ thể, trong cuộc họp giao ban tháng 6 và triển khai nhiệm vụ tháng 7 vừa qua, trong công tác xử lý vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, Trưởng ban ATGT tỉnh cương quyết nếu sau 1 tháng địa phương nào chưa làm tốt, Thường trực Ban ATGT tỉnh có văn bản phê bình người đứng đầu, nếu sau 2 lần bị phê bình mà không có chuyển biến thì sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu”, ông Huy cho biết thêm. 

Ý kiến của bạn

Bình luận