TCT Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam: Giữ vững chủ quyền biển đảo

Tác giả: Minh Nghĩa

saosaosaosaosao
24/10/2016 05:59

Với vai trò là doanh nghiệp công ích nhà nước, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (VMS-South) được giao nhiệm vụ thiết lập và duy trì môi trường an toàn về hàng hải phía Nam (từ tỉnh Quảng Ngãi đến tỉnh Kiên Giang và khu vực quần đảo Trường Sa), cung cấp các dịch vụ hỗ trợ bảo đảm an toàn hàng hải, hoa tiêu dẫn tàu, trục vớt cứu hộ, kỹ thuật ngầm... làm tiền đề cho các ngành kinh tế biển phát triển, góp phần xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc...

1.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa làm việc với Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam

Hiện nay, VMS-South quản lý, vận hành 53 hải đăng, trong đó có 13 hải đăng trên khu vực quần đảo Trường Sa và 23 tuyến luồng hàng hải (tổng chiều dài 675km); thực hiện khảo sát ra thông báo hàng hải 23 tuyến luồng hàng hải, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, tuân thủ các quy định quản lý hiện hành; không có sự cố nào xảy ra do lỗi của báo hiệu hàng hải, khảo sát thông báo hàng hải.

Công tác bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực quần đảo Trường Sa

Khu vực biển Đông, quần đảo Trường Sa có vị trí quan trọng, án ngữ tuyến đường hàng hải quốc tế nối liền Đại Tây Dương - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo thống kê, hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó đi qua vùng biển Đông.

Hệ thống đèn biển khu vực quần đảo Trường Sa giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an toàn hàng hải cho các phương tiện thủy, ngành kinh tế biển như đánh bắt hải sản, khai thác dầu khí, nghiên cứu khoa học. Đây còn là các công trình dân sự nhằm khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và thực hiện nghĩa vụ của quốc gia có biển được quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Công ước về An toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS).

Xác định vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế, an ninh - quốc phòng, ngay từ những năm 1990, ngành Bảo đảm hàng hải đã xây dựng 5 trạm đèn biển trên quần đảo Trường Sa gồm: Đá Tây, Đá Lát, Tiên Nữ, An Bang, Song Tử Tây và lắp thiết bị hải đăng trên 4 nhà giàn DK1: Ba Kè, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường. Đến năm 2005, tiếp tục xây dựng thêm 4 trạm đèn biển trên các đảo: Trường Sa Lớn, Sơn Ca, Sinh Tồn và Nam Yết. Nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống báo hiệu theo quy hoạch tại Đề án phát triển bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần thiết bổ sung các đèn biển có vị trí trọng yếu, cụ thể gồm: Đèn Trường Sa Đông, Phan Vinh, Sinh Tồn Đông.

Công tác quản lý, vận hành

Từ năm 1994 đến nay, đội ngũ công nhân tại các trạm đèn biển khu vực quần đảo Trường Sa luôn là lực lượng đi đầu trong công tác bảo đảm an toàn hàng hải và có số lượng đứng thứ hai sau lực lượng hải quân đóng quân trên các đảo, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nghĩa vụ của quốc gia có biển và khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

2. Hai dang Truong Sa Lon - Quan dao Truong Sa thi
Hải đăng Trường Sa lớn

Công tác tiếp tế, kiểm tra

Phương tiện thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực Trường Sa là tàu Hải đăng 05. Mỗi năm, thực hiện 7 chuyến tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm ra các đảo kết hợp với vận chuyển nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ quản lý vận hành và sửa chữa, bảo dưỡng trạm nhưng do chỉ được trang bị duy nhất một tàu tiếp tế kiểm tra (tàu Hải đăng 05) có công suất nhỏ, khả năng an toàn hoạt động ở điều kiện sóng gió cấp 4 đến cấp 5 Beaufort nên có những chuyến tàu đi tiếp tế phải mất gần 2 tháng.

Với vị trí địa lý xa đất liền, để duy trì hoạt động của các đèn biển, đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của người lao động tại các trạm đèn biển trong điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt cũng như đảm bảo công tác vận chuyển trang, thiết bị, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ bảo trì, bảo dưỡng các trạm, ngày 01/01/2013, Bộ GTVT đã cho phép lập dự án đầu tư tàu tiếp tế, kiểm tra khu vực quần đảo Trường Sa tại Quyết định số 04/QĐ-BGTVT. Hiện nay, việc bố trí vốn cho Dự án đóng tàu tiếp tế vẫn là điều mong mỏi của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam.

Trước những diễn biến căng thẳng và phức tạp trên khu vực quần đảo Trường Sa, nhất là trước những động thái của một số nước có lực lượng quân sự mạnh, tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam đã làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân về việc thành lập Hải đội tự vệ biển và đã được phê duyệt, ra quyết định thành lập tháng 01/2011, trong đó lực lượng nòng cốt là các công nhân đèn biển khu vực Trường Sa. Trong trường hợp có chiến sự xảy ra, họ là những chiến sỹ sẵn sàng cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

Ghi nhận nỗ lực của những công nhân đèn biển Trường Sa, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng bằng khen cho 6 trạm hải đăng. Năm 2014, Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 5 trạm hải đăng và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 9 cá nhân. Năm 2015, ông Vũ Sỹ Lưu - công nhân đèn biển Trường Sa được chọn là gương điển hình tiên tiến tham dự Đại hội Thi đua yêu nước và Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành GTVT.

Để công tác bảo đảm an toàn hàng hải được thực hiện hiệu quả hơn, Tổng công ty cũng đề nghị Bộ GTVT tăng cường sự hiện diện dân sự tại quần đảo Trường Sa với các giải pháp cụ thể như từng bước hoàn thiện hệ thống báo hiệu hàng hải trên quần đảo Trường Sa theo Đề án phát triển bảo đảm an toàn hàng hải đã được Thủ tướng phê duyệt, trước mắt đề xuất xây dựng các đèn biển có vị trí trọng yếu tại: Trường Sa Đông, Phan Vinh và Sinh Tồn Đông (văn bản số 1494 ngày 6/7/2015).

Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai Dự án đầu tư tàu tiếp tế, kiểm tra khu vực quần đảo Trường Sa để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, vận hành hệ thống đèn biển; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người lao động, kéo biển đảo về gần hơn với đất liền; xây dựng hải đồ vùng nước cảng biển Trường Sa vì hiện nay khu vực này chỉ có hải đồ giấy tiếng Việt do Hải quân Việt Nam xuất bản.

Ý kiến của bạn

Bình luận