Tây Ninh đầu tư hạ tầng giao thông thúc đẩy nền kinh tế

Giao thông 24h 20/08/2017 14:31

Việc triển khai đầu tư hạ tầng giao thông sẽ giúp tỉnh Tây Ninh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội.

IMG_2539
Tây Ninh có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế phía Nam kết nối với Campuchia.

Tiềm lực phát triển kinh tế vùng

Ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cho biết: Mạng lưới đường bộ trên địa bàn hiện có 8.186,6km, trong đó có 3 tuyến quốc lộ dài 132,21km (QL22, QL22B và QL22B kéo dài) có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh và khu vực, tạo điều kiện thuận về vận tải và thương mại qua biên giới giữa hai nước Việt Nam - Campuchia nói riêng và giữa hai nước với khu vực ASEAN, GMS... nói chung.

Đường thủy nội địa Tây Ninh có 617km sông, kênh, rạch chảy trên địa bàn tỉnh và hồ Dầu Tiếng rộng 27.000 ha diện tích nước mặt, chứa hơn 1,5 tỷ m3 nước. Theo quy hoạch chi tiết phát triển GTVT đường thủy nội địa tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 17 cảng thủy nội địa, hiện có 4 cảng đang khai thác và 1 cảng đang đầu tư xây dựng.

Theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Tây Ninh có tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Bộ GTVT đã đồng ý chủ trương bổ sung tuyến cao tốc Gò Dầu - Thành phố Tây Ninh - Xa Mát. Bộ GTVT đang kêu gọi đầu tư đoạn từ TP.HCM đến Mộc Bài.

Dự án đường Hồ Chí Minh từ Chơn Thành đến Đức Hòa (qua huyện Trảng Bàng và Gò Dầu tỉnh Tây Ninh, dài 21,7km) Bộ GTVT đang triển khai thi công phần nút giao với đường Xuyên Á, phần đường đang kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn trước năm 2020.

Đường Xuyên Á (QL.22) Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền kêu gọi đầu tư nâng cấp, mở rộng; hiện các nhà đầu tư đang lập đề xuất dự án; dự kiến đầu tư hoàn thành trước năm 2020. QL.22B Bộ GTVT đang giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư dự án sửa chữa, cải tạo đảm bảo năng lực khai thác và ATGT thực hiện trong năm 2017.

Sớm triển khai các dự án giao thông huyết mạch

Để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa từ tỉnh Tây Ninh và Campuchia về các cảng Sài Gòn, Hiệp Phước, Thị Vải Tây Ninh kiến nghị Bộ GTVT quy hoạch kéo dài tuyến đường thủy nội địa Sài Gòn - Bến Kéo đến Vàm Trảng Trâu (ranh giới Việt Nam - Campuchia) thành tuyến đường thủy nội địa quốc gia, nghiên cứu đầu tư và công bố trong giai đoạn trước năm 2020. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp nâng tĩnh không cầu Bến Lức để đáp ứng cho phương tiện xà lan cỡ lớn lưu thông, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường thủy nội địa Sài Gòn - Bến Kéo trên sông Vàm Cỏ Đông.

Cục hàng hải Việt Nam đưa vào Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 3 cảng cạn gồm: ICD Thanh Phước, ICD Mộc Bài và ICD Thành Thành Công. Bộ GTVT sớm đưa vào quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tuyến cao tốc TP.HCM - thành phố Tây Ninh - Xa Mát và nhánh kết nối Mộc Bài đầu tuyến kết nối với đường Vành đai 2 hoặc khu vực lân cận đường Vành đai 2 để tăng hiệu quả khai thác tuyến cao tốc.

QL.22 là trục cửa ngõ duy nhất của tỉnh Tây Ninh vào thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, vào các giờ cao điểm đoạn từ Suối Sâu đến ngã ba giáp ĐT.782 (qua KCN Trảng Bàng và đô thị Trảng Bàng) luôn bị ùn tắc giao thông. Để đáp ứng nhu cầu vận tải để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh, của khu vực, đồng thời giải quyết ùn tắc giao thông trên QL.22 đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh quy hoạch QL.22 đoạn từ Suối Sâu đến ngã ba giáp ĐT.782, dài khoảng 7km đạt tiêu chuẩn đường cấp I, 8 làn xe, bề rộng nền đường 40m, đầu tư hoàn chỉnh trước năm 2020. Đoạn còn lại (từ ngã ba giáp ĐT.782 đến cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài), dài khoảng 21km duy trì tiêu chuẩn đường cấp II đến cấp I, quy mô tối thiểu 4 -6 làn xe (như quy hoạch đã phê duyệt).

Tuyến đường Quốc lộ 22B là tuyến đường đối ngoại của Việt Nam, của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam với Campuchia, đồng thời là tuyến huyết mạch chạy dọc từ Bắc xuống Nam của tỉnh Tây Ninh. Để đáp ứng được nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, đề nghị Bộ GTVT Điều chỉnh quy mô quy hoạch QL.22B đạt tiêu chuẩn đường cấp II toàn tuyến, bề rộng nền đường tối thiểu 22,5m; đoạn từ Gò Dầu đến Mít Một mặt đường bê tông nhựa rộng 16m, lề mỗi bên 3m (trong đó lề gia cố cùng kết cấu mặt đường mỗi bên 2,5m); đoạn còn lại mặt đường bê tông nhựa rộng 16m, lề mỗi bên 3m; đầu tư hoàn chỉnh trước năm 2020.

h
Việc triển khai đầu tư hạ tầng giao thông sẽ giúp tỉnh Tây Ninh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội.

Ngày 11/8/2016 làm việc với đoàn công tác của Bộ trưởng GTVT, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cũng kiến nghị với Bộ GTVT sớm triển khai cải tạo, nâng cấp 84km mặt đường QL22B hiện đang xuống cấp nghiêm trọng và sớm triển khai đầu tư dự án nâng cấp QL22B theo hình thức BOT. Sớm đầu tư đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, vì đây là tuyến đường huyết mạch nối TP.HCM với Phnom-Pênh (Campuchia) và các nước hành lang xuyên Á, phía bạn đã cắm mốc đến khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Tỉnh cũng mong muốn Bộ đưa vào quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030 tuyến đường cao tốc từ Gò Dầu - TP Tây Ninh - cửa khẩu Xa Mát (tuyến này song song với tuyến QL22B, kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM- Mộc Bài tại Gò Dầu).

Trước kiến nghị của Tây Ninh, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa đã giao cho các cơ quan chuyên môn của Bộ như Vụ PPP, Vụ KHĐT, Tổng cục Đường bộ, Cục QLXD&CLCTGT, UBATGTQG xem xét đối chiếu các quy định để hỗ trợ địa phương phát triển hạ tầng giao thông. Về đầu tư cải tạo QL22B, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định giai đoạn này sẽ chưa đầu tư QL22B theo hình thức BOT vì đây là đường độc đạo và như vậy người dân không có lựa chọn, phải đi đường trả phí.

Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét tính toán suất đầu tư cải tạo lại mặt đường êm thuận, nâng cấp cầu cho đồng bộ với đường. Khái toán sơ bộ do ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ đưa ra cho toàn bộ 84km là khoảng trên 200 tỷ đồng. Bí thư tỉnh ủy Tây Ninh Lưu Trần Quang đồng thuận với ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa là trước mắt tỉnh ứng vốn để thi công ngay trong vòng 2 năm, Bộ sẽ tìm nguồn vốn hoàn trả sau.

Bộ trưởng thống nhất với Tây Ninh và sẽ chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ xem xét trình kiến nghị Chính phủ bổ sung quy hoạch và xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - TP Tây Ninh - Xa Mát, và thay vì làm BOT QL22B thì dồn lực vào làm cao tốc này sẽ hiệu quả hơn cho địa phương, người dân có sự lựa chọn đi đường cao tốc có thu phí và đường QL không thu phí.

Ý kiến của bạn

Bình luận