Taxi Uber: Mô hình “Tây” áp dụng “luật ta” và bài học quản lý

Tác giả: L.Q.N.M

saosaosaosaosao
Ứng dụng 28/08/2016 09:54

Những năm gần đây, khi taxi Uber xuất hiện tại VN đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa loại hình này với các hãng taxi truyền thống.

Anh 1
Taxi Uber được "thượng đế" đánh giá là dịch vụ thuận tiện, văn minh và sang trọng

Góc nhìn “pháp lý”

Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Việt Nam có 6 loại hình kinh doanh vận tải bằng ô tô, gồm xe buýt, taxi, tuyến cố định, hợp đồng, du lịch bằng ô tô, vận tải hàng hóa bằng ô tô. Tuy nhiên, hoạt động trong thời gian qua của taxi Uber không nằm trong Nghị định này. 

Theo đó, taxi Uber đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh từ tháng 7/2014, gần đây cũng đã xuất hiện ở Hà Nội và gây một “cơn bão” trong các doanh nghiệp taxi truyền thống. Chính vì taxi Uber không đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp điều hành và chủ xe không phải nộp các loại thuế, phí… Do vậy, loại hình này được đánh giá là có mức giá cước rẻ hơn taxi truyền thống 20%. Thậm chí, taxi Uber liên tục ghi điểm “cộng” khi đáp ứng được các tiêu chí là xe sạch, không bảng hiệu taxi, không cần trả tiền mặt, lâu lâu còn có thể trúng xe “xịn” như Mercedes, BMW...

Ở Việt Nam, hoạt động của taxi Uber hiện tại là điều động, sử dụng các loại xe cao cấp để phục vụ cho những người có thẻ Visa, Mastercard… 

Taxi Uber hoạt động giống như “xe dù”

Đó là nhận định của đại diện Tổng cục ĐBVN. Theo cơ quan này, đây thực chất là một loại xe hợp đồng trá hình bởi nếu đã kinh doanh vận tải, bắt buộc phải đăng ký hoạt động và nộp thuế với cơ quan nhà nước. Mỗi hãng taxi đều được áp dụng công nghệ nhưng không thể có loại phương tiện kinh doanh vận tải mà không đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước. 

Ngoài ra, các hãng taxi truyền thống, ngoài việc đầu tư phương tiện còn phải chịu rất nhiều loại thuế phí, trong đó riêng thuế VAT đã là 10%, rồi còn tham gia đóng bảo hiểm xe, bảo hiểm cho người lao động… Trong khi đó, taxi Uber gần như không phải tốn kém cho các khoản chi phí này. 

Dưới góc nhìn pháp lý, khi đã gọi là taxi thì phải có phù hiệu, đồng hồ tính cước và phải đăng ký kinh doanh. Nếu chiếu theo các điều kiện này thì rõ ràng taxi Uber hiện không đáp ứng được những điều kiện cần và đủ theo quy định của Nhà nước.

Với việc không có biển bảng, phù hiệu, hình thức bên ngoài giống như những chiếc xe ô tô thông thường nên việc hoạt động của dịch vụ taxi Uber sẽ được “thoải mái” hơn các hãng taxi khác. Cụ thể như tại địa bàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nhiều tuyến đường hiện đang cấm taxi đi vào thì những tài xế hoạt động trong mô hình của Uber tại Việt Nam vẫn có thể thoải mái di chuyển mà không sợ bị phạt.

Nếu như taxi truyền thống phải chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước thì taxi Uber được tự do đi từ nơi này đến nơi khác với những quy định “đặc thù”, thiếu tính ràng buộc bởi hệ thống luật pháp.

Nếu coi Uber là một loại hình taxi ở Việt Nam thì cũng cần phải tuân thủ những quy chế giao thông chung để đảm bảo tính công bằng cũng như kiểm soát được dòng phương tiện các tuyến phố cấm, tránh gây tình trạng ùn tắc.

Theo đánh giá của một số chuyên gia vận tải, hiện nay taxi Uber đang hoạt động giống như taxi “dù”, đồng thời gây quan ngại cho sự an toàn của hành khách. Câu hỏi đặt ra là: Nếu như tai nạn xảy ra thì đơn vị nào sẽ trả bảo hiểm cho hành khách. Xe không phù hiệu, không đăng ký kinh doanh khi có vấn đề liên quan giữa người cầm lái với hành khách thì cơ quan chức năng sẽ truy tìm và xử lý thế nào…?

Hơn nữa, mô hình kinh doanh chính của Uber là “surge pricing” (tăng giá khi thiếu xe). Sau khi hoạt động một thời gian dài với giá rẻ, người tiêu dùng đã “nghiện” và các hãng taxi đã gặp rất nhiều khó khăn, đây chính là lúc Uber độc quyền hoàn toàn về giá. Vì không là taxi nên Uber có quyền tăng, giảm giá bất cứ lúc nào tùy thích, các cơ quan quản lý gặp khó khăn trong công tác quản lý và giám sát.

Liên quan tới những bất cập này, một số luồng ý kiến dư luận cho rằng, rõ ràng đây là cuộc cạnh tranh không công bằng vì taxi truyền thống chịu sự ràng buộc chặt chẽ của cơ quan nhà nước, trong khi taxi Uber thì không. Nhà nước nên đưa taxi Uber vào quản lý để tạo sân chơi công bằng.

Trao đổi với PV, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho biết: “Về mặt pháp lý, trong Luật Giao thông đường bộ không có quy định nào nói về hoạt động taxi kiểu Uber. Không những thế, chính đại diện Uber của khu vực Đông Nam Á còn tuyên bố, vì không có phương tiện, không có người lái xe nên họ không nhận mình đang hoạt động vận tải. Ở đây họ chỉ làm nhiệm vụ kết nối giữa hành khách với chủ xe. Chính vì vậy, họ không chịu trách nhiệm cho sự an toàn của hành khách”.

“Nếu nó thực sự tiện ích cho người dân thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Thế nhưng tiện ích đó phải theo quy định của pháp luật. Còn trong luật không quy định và chính bản thân họ cũng từ chối kinh doanh vận tải. Như vậy có thể nói rằng, Uber không phù hợp với luật pháp hiện hành của Việt Nam”, ông Liên phân tích thêm.

Anh 3

Mô hình “Tây” khó áp dụng được “luật ta”

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng cho rằng, taxi Uber thực chất là sử dụng công nghệ thông tin, kết nối hành khách với doanh nghiệp vận tải.

Đây là cách làm sáng tạo. Taxi Uber thực chất là cách thức sử dụng xe nhàn rỗi để tham gia vận chuyển. Lẽ ra, các xe đó (Uber - PV) phải đăng ký vào một doanh nghiệp vận tải, được phép chuyên chở, phải được kiểm tra bất cứ lúc nào và dễ dàng được quản lý trên hệ thống.

“Các hãng taxi truyền thống phải tự nâng cấp mình, nhu cầu cấp thiết thì phải ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển phù hợp với riêng từng hãng; không nên tự bó buộc mình theo khuôn khổ, thói quen, phải làm hài lòng khách hàng bằng những giải pháp công nghệ, giảm giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ...”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chia sẻ thêm.

Về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết thêm, sau khi có dịch vụ Uber chúng tôi đã nghiên cứu và khẳng định, đây là dịch vụ hỗ trợ vận tải. Dịch vụ này đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải ở Việt Nam sau khi đăng ký kinh doanh thì có thể sử dụng dịch vụ vận tải.

Các đơn vị kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh khả năng tiếp xúc giữa dịch vụ của mình với khách hàng, tạo thuận lợi trong việc đặt chỗ, giảm thời gian giao dịch, giảm chi phí thì đó là ứng dụng tốt cho người dân.

“Tuy nhiên, chúng tôi có trách nhiệm kiến nghị với các bộ, ngành cần có những hướng dẫn cần thiết, đầy đủ để đảm bảo dịch vụ, người cung cấp dịch vụ vận tải thông qua dịch vụ Uber đến cho người dân là đúng quy định pháp luật và an toàn về mặt giao thông, đảm bảo an ninh chung cho quyền lợi của người sử dụng dịch vụ và cho toàn xã hội - như vậy là để bảo vệ công dân, tổ chức của Việt Nam khi sử dụng dịch vụ của các đơn vị này”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận