Tạp chí GTVT- Diễn đàn tiêu biểu của giới khoa học

Giao thông 24h 19/02/2015 01:17

Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố, đăng tải; hàng trăm kết quả đề tài về GTVT, cơ khí, kỹ thuật, kinh tế được giới thiệu; nhiều đề tài “nóng” của ngành GTVT được phân tích, mổ xẻ và đánh giá qua diễn đàn…, đó là những đóng góp không nhỏ của Tạp chí GTVT trong suốt 55 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển. Tạp chí luôn là người bạn đồng hành gắn bó, làm nên gương mặt và tiếng nói chung về khoa học công nghệ của ngành GTVT.


Số đầu tiên của tạp chí

Số đầu tiên của tạp chí

Tháng 01 năm 2015 ghi dấu mốc 55 năm ngày Tạp chí GTVT ra số đầu tiên (tháng 01/1960). 55 năm, Tạp chí GTVT luôn phấn đấu giữ đúng định hướng, hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ chuyên ngành GTVT, được lãnh đạo Bộ, các cơ quan quản lý, các nhà khoa học đánh giá là một trong những Tạp chí nghiêm túc và có uy tín. Hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, Tạp chí GTVT đã đóng góp một phần công sức vào sự nghiệp vẻ vang của ngành GTVT nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ GTVT nói riêng.

Trong số báo đầu tiên (tháng 01/1960), Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện Nguyễn Văn Trân đã có bài viết cho Tập san Kỹ thuật Giao thông – tiền thân của Tạp chí Giao thông vận tải ngày nay với tựa đề “Ra sức học tập kỹ thuật để kiến thiết đất nước”, trong đó có đoạn: “Tập san “Kỹ thuật Giao thông” là một tác phẩm đầu tiên của nền khoa học kỹ thuật non trẻ của ngành Giao thông nước ta. Nó sẽ nói lên trình độ sáng tác nghiên cứu của cán bộ công nhân kỹ thuật trong Ngành. Trình độ ta tuy còn thấp kém nhưng dưới sự soi sáng của đường lối Mác – Lê Nin, nó sẽ vươn lên dần để tiếp thu cái mới nhất của nền khoa học hiện đại trên thế giới. Chúng ta phải cố gắng để nuôi dưỡng tờ Tập san lớn mạnh. Bồi dưỡng cho Tập san tức là bồi dưỡng cho bản thân người cán bộ công nhân kỹ thuật bằng cách học tập cải tiến kỹ thuật không ngừng và trang bị thêm lý luận khoa học mới”.

Còn nhớ, ngay từ những ngày đầu, rất nhiều nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật giỏi trong Ngành đã nhiệt tình viết bài cho Tập san, như các đồng chí: GS. TS. Bùi Danh Lưu – nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT; Tổng công trình sư Nguyễn Đình Doãn – nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT; KS. Phan Trầm – nguyên Cục trưởng Cục Kiến thiết cơ bản; KS. Nguyễn Cảnh Chất – nguyên Cục trưởng Cục Giám định Chất lượng công trình Nhà nước; Đặng Văn Thông – nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật GTVT; Công trình sư Đỗ Hựu, GS. TS. Phạm Hữu Phức – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ – nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học công nghệ Bộ GTVT; PGS. TS. Phan Vỵ Thủy – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ GTVT – nguyên Cục trưởng Cục Giám định Chất lượng công trình GTVT; GS. TS. Nguyễn Xuân Đào, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT; các PGS. TS. Nguyễn Phúc Trí,  Đào Xuân Lâm – nguyên Viện trưởng Viện Thiết kế GTVT; Trương Quang Hy – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt Việt Nam; KS. Trịnh Xương, PGS. TS. Nguyễn Cảnh Thanh – nguyên Viện trưởng và Viện phó Viện Thiết kế Tàu thủy; KS. Nguyễn Ngọc Thi – nguyên Viện trưởng Viện Thiết kế Đường sắt; KS. Nguyễn Trọng Bách – nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; PGS. TS. Tống Trần Tùng – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ; TS. Nguyễn Ngọc Long – nguyên Cục trưởng Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông, Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam; PGS. TS. Hoàng Hà – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ…

Phần lớn các bài viết đã nêu lên các khuyết điểm, tồn tại trong các giải pháp thi công, cùng với những bất cập trong tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá chất lượng công trình cần phải được giải quyết, khắc phục; mặt khác cũng đã giới thiệu các giải pháp thiết kế thi công các công trình lớn. Rất nhiều kinh nghiệm thực tế quý báu đã được đúc rút, tổng kết thành lý luận phong phú và được phổ biến rộng rãi như: “Giếng chìm hơi ép cầu Làng Giàng”, “Lao cầu Làng Giàng”, “Thi công đầm đất tại công trường xây lắp nhà máy đóng tàu Hải Phòng”, “Bến phà đưa xe lửa qua sông Lô”… Qua những bài viết này không chỉ có tác dụng đối với các cán bộ khoa học kỹ thuật mà còn giúp cho các cán bộ lãnh đạo thấy được những vấn đề cần giải quyết và giải quyết như thế nào.

Trong thời kỳ ác liệt của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nội dung trọng tâm của Tập san đã tập trung phục vụ nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành lúc đó là đảm bảo giao thông và chi viện cho tiền tuyến. Các bài trên Tạp chí đã giới thiệu kỹ thuật vượt sông, các phương pháp thiết kế và thi công cầu dã chiến như: Thiết kế và thi công cầu treo cáp mềm, cầu treo song mây; khôi phục cầu và đường sắt sau khi bị địch đánh phá, kể cả các giải pháp đảm bảo giao thông như: Đất gia cố vôi, thuyền xi măng lưới thép, nổ mìn buồng vi sai; sử dụng đèn gầm cho ô tô chạy đêm; cải tạo máy kéo thành xe lu, thiết kế chế tạo ô tô ray… Nhìn chung, ở giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh, vượt qua những khó khăn của Ngành và Đất nước với sự cố gắng, nỗ lực, Tập san đã góp phần làm nên diện mạo về công tác khoa học kỹ thuật của Ngành trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, tập hợp được một phần lực lượng cán bộ kỹ thuật ưu tú, phát huy khả năng sáng tạo, bước đầu gây được phong trào viết về khoa học kỹ thuật – một phong trào khi đó còn mới mẻ ở nước ta.

Bước sang thời kỳ xây dựng hòa bình và bảo vệ đất nước, GTVT luôn được coi là một ngành kinh tế kỹ thuật hết sức rộng lớn và đa dạng. Những thành tựu lớn của ngành GTVT trong những năm qua đều nhờ đã ứng dụng một cách có hiệu quả khoa học công nghệ mới được bắt đầu từ các đề tài nghiên cứu cũng như ứng dụng thành tựu khoa học tiên tiến trên thế giới và trong nước. Việc đổi mới và hiện đại hóa các công nghệ và giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo tính khả thi và chất lượng của các dự án đầu tư, đồng thời tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm giá thành công trình, rút ngắn thời gian xây dựng, tránh được những lãng phí, hư hỏng, sớm đưa công trình vào khai thác, đáp ứng nhanh nhất các đòi hỏi phát triển kinh tế – xã hội. Bám sát các nhiệm vụ đầu tư phát triển của Ngành, cũng như mục tiêu đặt ra đối với với nhiệm vụ khoa học công nghệ, các bài viết đăng trên Tạp chí GTVT đã giới thiệu, phổ biến hàng loạt những công nghệ mới như: Công nghệ đúc hẫng, đúc đẩy, cầu dây văng khẩu độ lớn, công nghệ sản xuất dầm superT, sản xuất kết cầu dầm thép, thi công cọc khoan nhồi đường kính lớn, móng sâu, thi công hầm, xử lý nền đất yếu bằng bấc thấm, cọc cát, giếng cát, vải địa kỹ thuật, giải pháp phòng chống và xử lý sụt trượt, công nghệ thi công kết cấu bến cảng trọng lực, công nghệ hàn ray và thử nghiệm đường sắt không mối nối, sản xuất lắp ráp đầu máy toa xe, nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công hàng loạt các phương tiện nổi, trong đó nhiều con tàu công suất và tải trọng lớn được xuất khẩu ra nước ngoài. Nhờ có nền tảng và năng lực công nghệ đó, ngày nay, chúng ta đã có thể chủ động đóng được các tàu phục vụ cho sự nghiệp an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Không dừng lại ở nội dung phản ánh, nhiều bài báo được đăng tải trên Tạp chí thực sự có hàm lượng khoa học cao, có giá trị tham khảo đối với đội ngũ nhà quản lý, kỹ sư, công nhân lao động trong Ngành. Nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Ngành sau khi được triển khai thành công, có ý nghĩa thực tiễn đều được giới thiệu trên Tạp chí.

Ngay nay, Trong thời kỳ kinh tế tri thức, khoa học công nghệ thay đổi rất nhanh, những vấn đề mới xuất hiện cần phải được phổ biến nhanh chóng. Nhiệm vụ của báo chí khoa học công nghệ là phải thông tin kịp thời những thành tựu mới về khoa học kỹ thuật, truyền đạt nhanh chóng những sáng kiến kinh nghiệm của những tập thể này cho những tập thể khác, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn nhằm sử dụng hiệu quả nguồn thông tin khoa học và công nghệ. Do vậy, công tác thông tin khoa học công nghệ được gắn kết từ hoạt động nghiên cứu khoa học ở các viện, trường với sản xuất, thực tiễn cuộc sống nhằm góp phần tích cực vào việc cung cấp thông tin phục vụ công tác hoạch định chính sách, đưa ra quyết định quan trọng của các cấp quản lý, lãnh đạo, thúc đẩy sự hình thành thị trường công nghệ. Qua đó có thể thấy rõ được vai trò của khoa học và công nghệ với sự phát triển của Ngành, của đất nước, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm về lợi ích của hoạt động truyền thông khoa học và công nghệ trong các tổ chức khoa học và công nghệ.

Có thể nói, ngành GTVT tự hào đã tạo dựng được một tạp chí khoa học công nghệ chuyên ngành có uy tín, được đông đảo bạn đọc trong và ngoài Ngành tin cậy, gắn bó. Chính đội ngũ cộng tác viên và bạn đọc gần xa là những người tích cực nhất góp phần làm giàu thêm những kiến thức khoa học được phổ biến trên Tạp chí cũng như để phổ biến trong thực tiễn. Nhờ vậy, Tạp chí đã đi vào cuộc sống phong phú và rộng khắp của toàn ngành GTVT. Đó là kết quả và thành tích xứng đáng nhất của Tạp chí GTVT trong suốt 55 năm qua. Đối với Ngành, Tạp chí GTVT không chỉ là cầu nối giữa lý luận với thực tiễn, thực tiễn với lý luận, nơi lưu giữ và truyền tải lượng thông tin khoa học công nghệ GTVT cấp thiết và thời sự nhất, nơi trải nghiệm và khẳng định năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ quản lý GTVT mà Tạp chí còn là địa chỉ để cho những người viết có thể gửi gắm những công trình sáng tạo, những điều tâm huyết và trách nhiệm đối với sự nghiệp phát triển của Ngành. Tạp chí đã phần nào đóng góp vào công cuộc phổ biến, tuyên truyền thông tin về khoa học công nghệ, thỏa mãn nhu cầu của người đọc, người viết, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của Ngành.

Tạo dựng một thương hiệu đã là khó, nhưng để giữ gìn và phát triển thương hiệu lại càng khó hơn. Có thể nói, Tạp chí GTVT đã, đang và sẽ là một địa chỉ tin cậy, được xem như là tài sản quý về năng lực, trí tuệ của ngành GTVT. Tạp chí đã tạo ra một diễn đàn, một sân chơi khoa học bổ ích, lành mạnh và vô cùng thiết thực. Số lượng công trình khoa học gửi về Tòa soạn ngày càng nhiều với nội dung phong phú, đa dạng. Nhiều tác giả đã chọn Tạp chí GTVT là nơi đăng tải những đứa con tinh thần của mình, trong đó nhiều công trình khoa học công bố trên Tạp chí GTVT được xem là nội dung chủ yếu để xây dựng các luận án Tiến sỹ và bảo vệ thành công tại Hội đồng khoa học của các trường đại học và các Viện khoa học. Đó là giá trị, là sức nặng của Tạp chí được hun đúc và tạo dựng qua hơn nửa thế kỷ miệt mài cống hiến vì sự nghiệp khoa học của ngành GTVT.

Với nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, được đứng tên tác phẩm trên Tạp chí GTVT là một trách nhiệm lớn lao, bởi trước mỗi đề tài, ý kiến của họ có tính định hướng, có thể là sự đúc kết nhưng cũng có khi là quan điểm mới về những lĩnh vực cần nghiên cứu và làm rõ. Tạp chí GTVT thực sự đã tạo nên một kho tư liệu quý báu về khoa học công nghệ của ngành GTVT. Mỗi ấn phẩm của Tạp chí GTVT là một tư liệu giá trị, được các nhà khoa học, nhà chuyên môn đón nhận một cách trân trọng.

Trải qua 55 năm âm thầm, lặng lẽ cống hiến, Tạp chí GTVT đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc, là địa chỉ tin cậy của các nhà khoa học, nhà quản lý, nơi giới thiệu và phổ biến kiến thức khoa học công nghệ chuyên sâu của ngành GTVT. Giới khoa học và bạn đọc sẽ luôn đồng hành cùng Tạp chí GTVT, góp phần xây dựng ngành GTVT ngày càng phát triển .

Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố, đăng tải; hàng trăm kết quả đề tài về GTVT, cơ khí, kỹ thuật, kinh tế được giới thiệu; nhiều đề tài “nóng” của ngành GTVT được phân tích, mổ xẻ và đánh giá qua diễn đàn…, đó là những đóng góp không nhỏ của Tạp chí GTVT trong suốt 55 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển. Tạp chí luôn là người bạn đồng hành gắn bó, làm nên gương mặt và tiếng nói chung về khoa học công nghệ của ngành GTVT.

GS.TSKH LÃ NGỌC KHUÊ

 

Ý kiến của bạn

Bình luận