Tạo nguồn vốn ổn định cho công tác bảo trì đường bộ

Tác giả: Hoàng Lâm

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 17/01/2014 10:22

Với mục tiêu tạo nguồn lực cho bảo trì đường bộ, cơ bản giải quyết tình trạng thiếu vốn bảo trì đường bộ từ nhiều năm nay, tạo nguồn thu ổn định, lâu dài xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ ngày càng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của đất nước.


Hoàn thiên cơ sở pháp lý

   Ngay từ khi thành lập, xác định công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm và là công cụ quan trọng để thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Hội đồng quản lý Quỹ đã tích cực phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để ban hành các văn bản: Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện; Thông tư liên tịch số 230/2012/TTLT-BTC-BGTVT ngày 27/12/2012 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Giao thông vận tải về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán Quỹ bảo trì đường bộ.

Bên cạnh đó, Hội đồng quản lý Quỹ cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị có liên quan đến việc tổ chức thu, nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện vào tài khoản Quỹ Bảo trì đường bộ TW. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị có liên quan lập và trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án, kế hoạch sử dụng kinh phí từ Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương; đôn đốc các địa phương thành lập Hội đồng quản lý Quỹ địa phương để tiếp nhận nguồn kinh phí phân bổ, giải ngân từ Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương.

Do đây là năm đầu tiên Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, trong quá trình triển khai đã gặp một số vấn đề bất cập, vướng mắc ở thể chế. Để phù hợp với thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Bộ GTVT và Hội đồng quản lý Quỹ đã tiếp thu ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân, lắng nghe ý kiến phản biện của xã hội đối với các chính sách mới, từ đó chủ động phối hợp ngay với Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung một số quy định tạm thời cho phép miễn phí sử dụng đường bộ cho xe phục vụ tang lễ, xe sát hạch lái xe và chỉ thu xe rơmoóc đi kèm với đầu kéo và một số nội dung liên quan trong công tác thu phí.

Đến nay, việc tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ đã đi vào ổn định, hầu hết được các đơn vị, doanh nghiệp và đông đảo người dân ủng hộ chủ trương của Nhà nước trong việc thành lập Quỹ bảo trì đường bộ.

Định kỳ hàng Quý, Hội đồng quản lý Quỹ TW tổ chức họp để xem xét những vấn đề, nội dung đã thực hiện và phương hướng, nhiệm vụ triển khai công tác Quý tiếp theo. Nội dung và kết luận cuộc họp được thể hiện bằng Nghị quyết của Hội đồng để các ủy viên, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện, đảm bảo Quỹ TW hoạt động hiệu quả, đúng mục đích. Mọi quyết định của Qũy đều thông qua Hội đồng trên nguyên tắc tỷ lệ số phiếu đồng thuận đã quy định.

Công tác thu phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô được các cơ quan đăng kiểm trên toàn quốc triển khai đúng quy định và được kiểm soát chặt chẽ hàng ngày qua nhiều khâu. Tiền thu phí được chuyển vào tài khoản chuyên thu tại các chi nhánh của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Tối đa không quá 3 ngày kể từ ngày thu, số tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản của Quỹ BTĐB Trung ương mở tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước.

Để người dân và doanh nghiệp hiểu được mục đích và ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đóng nộp quỹ một cách tự nguyện là một việc làm hết sức khó khăn. Nhằm triển khai công tác này, Hội đồng quản lý Quỹ đã phối hợp với các cơ quan có liên quan biên soạn các tài liệu gửi đến các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền việc triển khai, thực hiện Nghị định của Chính phủ, đồng thời tổ chức 02 Hội nghị toàn quốc về Quỹ BTĐB tại TP. Hà Nội ngày 17/12/2012 và TP. Hồ Chí Minh ngày 19/12/2012. Hội đồng Quỹ liên tục chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn công tác tổ chức thu phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện cho các trạm đăng kiểm trên toàn quốc để giải quyết thủ tục nhanh gọn, tạo sự thuận lợi cho người dân nộp phí.

   Đến hết năm 2013, tổng thu của Quỹ BTĐB, ước đạt 6.831 tỷ đồng, trong đó thu từ phí ô tô đạt 5.331 tỷ đồng, ngân sách nhà nước cấp 1.500 tỷ đồng. Tổng chi là 4.667 tỷ đồng, trong đó: Chi cho quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ là 4.313 tỷ đồng (chi bảo dưỡng thường xuyên, các nhiệm vụ liên quan khác là 1.196 tỷ đồng/102 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 17.868km; sửa chữa định kỳ là 2.664 tỷ đồng bao gồm 904 dự án); mua lại Trạm thu phí Phù Đổng đợt 1 là 135 tỷ đồng; trả nợ Dự án sửa chữa mặt đường QL5 (trả lãi vay năm 2013) là 24,266 tỷ đồng; mua trạm cân lưu động kiểm tra tải trọng xe 27,302 tỷ đồng.

Về thành lập QBĐB địa phương, đến nay 62/63 tỉnh thành đã thành lập quỹ bảo trì đường bộ địa phương, 61 địa phương thành lập Hội đồng quỹ quản lý quỹ. Đến hết 15/12/2013, đã có 47/62 địa phương có Hội đồng quản lý Quỹ địa phương ban hành mức thu phí xe máy, 35/62 địa phương đang triển khai thực hiện thu để hòa vào nguồn quỹ địa phương theo quy định tại Thông tư liên tịch số 230/2012/TTLT-BTC-BGTVT ngày 27/12/2012 của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải. Các địa phương còn lại đang xây dựng phương án thu và mức thu trình HĐND xem xét, triển khai. Dự kiến phí mô tô – xe máy thu về các quỹ BTĐB địa phương khoảng 2.600 tỷ đồng và được hòa vào nguồn Quỹ địa phương. Một số địa phương hoãn thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện mô tô – xe máy năm 2013 (bắt đầu thu từ năm 2014)

          Thu và sử dụng hiệu quả  

Để nâng cao chất lượng công tác bảo trì, hoạt động thu, chi của Quỹ, với mục tiêu thu năm 2014 là 6.500 tỷ đồng, Quỹ BTĐB sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

QBTĐB tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các cơ quan khác có liên quan để tham mưu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ, đồng thời tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung các văn bản để hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ hoạt động của Qũy được công khai, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

 Thời gian tới, tiếp tục xây dựng kế hoạch làm việc, kiểm tra, giám sát việc thu – chi của Quỹ BTĐB Trung ương nhằm bảo đảm nguồn thu về ngân sách nhà nước. Xem xét, rà soát đánh giá hệ thống định mức bảo trì đường bộ cho phù hợp thực tế.

Chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo trì thông qua đấu thầu, đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích. Áp dụng hợp đồng dựa trên chất lượng thực hiện, đồng thời nâng cao chất lượng công tác quản lý, giám sát thực hiện hợp đồng bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ để nâng cao chất lượng và duy trì tuổi thọ công trình đường bộ.

   Phối hợp với các cơ quan rà soát lại định mức công tác bảo dưỡng thường xuyên, hạn chế tối đa những chi phí không cần thiết, tập trung vào bảo dưỡng mặt đường, rãnh thoát nước, cọc tiêu, biển báo hiệu và các công trình khác trên tuyến, bảo đảm êm thuận và an toàn; giám sát chặt chẽ công tác giải ngân, thanh toán của các cơ quan (được giao sử dụng nguồn vốn từ Quỹ BTĐB Trung ương) cho các đơn vị thi công để đảm bảo nguồn vốn được thanh toán kịp thời, đúng đối tượng, không làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các nguyên tắc phân bổ nguồn vốn (35%) từ Quỹ BTĐB Trung ương về Quỹ BTĐB địa phương. Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ nguồn Quỹ BTĐB Trung ương hỗ trợ về cho các Quỹ BTĐB địa phương, tạo điều kiện cho các Quỹ BTĐB địa phương tổ chức tốt công tác thu – chi theo quy định.

         

Ý kiến của bạn

Bình luận