Tăng cường tuyên truyền xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Xã hội 20/04/2016 13:36

Các chuyên gia cho rằng để tăng cường xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cần phải tuyên truyền nhiều hơn nữa đến người dân cũng như doanh nghiệp.

DSC_9135
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu mở đầu diễn đàn.

Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng ngày Thương hiệu Quốc gia 20/4 và chuẩn bị cho Lễ công bố các doanh nghiệp Việt Nam đạt Thương hiệu Quốc gia lần thứ 5 năm 2016, Cục Xúc tiến thương mại – Ban Thư ký chương trình Thương hiệu quốc gia tổ chức Diễn đàn “Thương hiệu quốc gia với truyền thông và cộng đồng”.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cho biết trong điều kiện nguồn lực thực hiện chương trình Thương hiệu Quốc gia còn nhiều hạn chế, Bộ Công thương cùng các đơn vị liên quan đã nỗ lực xây dựng và đổi mới các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút sự đồng hành tích cực của doanh nghiệp trong nhiều hoạt động của chương trình, quy tụ nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm đưa hàng hoá, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam tương xứng với vị thế mới của đất nước. Đặc biệt là sự đồng hành, hợp tác chặt chẽ của các cơ quan thông tấn báo chí.

“Với tư duy thời sự nhạy bén, nhận định sắc sảo, báo chí đã nêu ra những tồn tại, hạn chế trọng thực trạng xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam, những thách thức mà quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp đang và sẽ phải đối mặt trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Đồng thời báo chí cũng kịp thời phản ánh ý kiến của người tiêu dùng đối với nhà sản xuất và thương hiệu sản phẩm của Việt Nam, giúp các doanh nghiệp có thông tin định hướng để xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh và thương hiệu bền vững hơn đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng”,  Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Chương trình Thương hiệu Quốc gia là chương trình được Chính phủ phê duyệt, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhằm xây dựng, quảng bá hình ảnh Việt Nam là một đất nước có sản phẩm (hàng hoá, dịch vụ) gắn với các giá trị “ Chất lượng- Đổi mới, Sáng tạo – Năng lực tiên phong”, tạo dựng uy tín và nâng cao sức mạnh cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Với ý nghĩa này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 20/4 hàng năm là ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm khích lệ, động viên và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu, hang hoá, dịch vụ Việt Nam góp phần tích cực thực hiện mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế.

Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu giới thiệu tới các cơ quan, tổ chức hữu quan, cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng và đặc biệt là các cơ quan thông tấn báo chí về ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình Thương hiệu Quốc gia trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay. Diễn đàn cũng là nơi các chuyên gia, đại diện cho các cơ quan thông tấn báo chí và doanh nghiệp cùng chia sẻ về vai trò của công tác tuyên truyền đối với phát triển hình ảnh và thương hiệu quốc gia Việt Nam. Đồng thời, tại diễn đàn, các chuyên gia còn chia sẻ những kinh nghiệm và tác động tích cực của việc đạt thương hiệu quốc gia trong phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu.

Theo tiến sĩ Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, công tác tuyên truyền thương hiệu quốc gia có vài trò quan trọng trong quá trình phát triển. Vì tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức của toàn xã hội về sự cần thiết phải phát triển hình ảnh và thương hiệu quốc gia trong bối cảnh hội nhập; giáo dục ý thức tự tôn, lòng tự hào, tự trọng của dân tộc; đấu tranh chống tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh, bảo vê hàng Việt Nam; xây dựng lối sống văn hoá mới trong tiêu dùng của người Việt Nam…

“Báo chí cần tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp hiểu biết về các chủ trương, quan điểm của Nhà nước về phát triển thương hiệu quốc gia và giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, phát triển và bảo vệ thương hiệu”, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

moit-thuong hieu quoc gia 2014(1)(1)
63 doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia 2014( Ảnh moit.gov)

Là một đơn vị 3 lần đạt Thương hiệu Quốc gia, đại diện cho Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chia sẻ để đạt 3 lần liên tiếp trong các năm 2010, 2012 và 2014, Hapro đã luôn bám sát tiêu chí mà chương trình đưa ra là “Chất lượng- Đổi mới, Sáng tạo – Năng lực tiên phong”. Đây là thành quả và cũng là động lực mà tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Tổng công ty đã nỗ lực cống hiến, phục vụ người tiêu dung trong suốt thời gian qua. Theo bà Hiền, mang trên mình hình ảnh thương hiệu quốc gia, Hapro càng thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa để tiếp tục cung cấp hàng hoá, dịch vụ tốt hơn cho người tiêu dùng.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết từ nay đến 2020, chương trình Thương hiệu Quốc gia xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động phát triển thương hiệu thông qua hoạt động phối hợp các chương trình và hoạt động có sự tương đồng về mục tiêu và nội dung do các bộ ngành thực hiện nhằm tạo lập cơ chế chính sách đồng bộ và sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Đồng thời, chương trình tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn và thông tin nhàm nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, phát triển xuất khẩu, mở mang thị trường nội địa làm nền tảng để xây dựng Thương hiệu Quốc gia.

Ý kiến của bạn

Bình luận