Tăng cường công tác đào tạo thuyền viên

Tác giả: Gia Nghĩa

saosaosaosaosao
25/12/2016 06:36

Việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy là một nhân tố quan trọng trong việc đảm bảo TTATGT trong lĩnh vực ĐTNĐ.

ĐTND - Hình 2
Phương tiện thi thực hành cho hạng mục thuyển trưởng hạng nhì

Hiện nay, mạng lưới sông của khu vực Tây Nam bộ được hình thành bởi hai hệ thống sông chính là sông Tiền và sông Hậu. Tổng chiều dài tuyến đường thủy tại vùng này đạt 14.826,4km, trong đó ĐTNĐ quốc gia là 2.882km; ĐTNĐ địa phương là 11.944,4km. Đây cũng là khu vực có mật độ đường sông cao nhất cả nước, đạt 0,61km/km2.

Hệ thống cảng bến thủy nội địa vùng Tây Nam bộ bao gồm 57 cảng, trong đó: Cảng hàng hóa 52 cảng, cảng hành khách 5 cảng và có thêm  9 cảng ĐTNĐ trên tuyến quốc gia nhận phương tiện thủy nước ngoài. Lượng bến thủy nội địa: Có 3.988 bến, trong đó có 3.331 bến được cấp phép hoạt động, đạt 83,5%, số bến chưa được cấp phép hoạt động là 657 bến, chiếm tỷ lệ 16,5%.

Bến hàng hóa trên tuyến ĐTNĐ quốc gia có 2.368 bến, trong đó 1.872 bến có phép, 496 bến không phép (chiếm 20%). Trên tuyến ĐTNĐ địa phương có 1.490 bến, trong đó 1.329 bến có phép, 161 bến không phép chiếm tỷ lệ 10%. Bến hành khách có 130 bến với 46 bến trên tuyến ĐTNĐ quốc gia và 84 bến trên tuyến ĐTNĐ địa phương.

Thời gian qua, Bộ GTVT và Cục ĐTNĐ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu để đảm bảo TTATGT cho hệ thống đường thủy của khu vực. Tình hình TNGT, các vụ va chạm… bước đầu đã được kiềm chế, song vẫn còn xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn, trong đó có những lỗi thuộc về người điều khiển phương tiện như không có bằng, chứng chỉ chuyên môn (CCCM) hoặc có những trường hợp có bằng nhưng không phù hợp… nên khi xảy ra sự cố, người điều khiển đã không xử lý kịp hoặc am hiểu phương tiện để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Thực tế, đội ngũ thuyền viên, người lái phương tiện là nhân tố quan trọng góp phần quyết định đối với an toàn trong hoạt động vận tải thủy nội địa. Do đó, việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy là một nhân tố quan trọng trong việc đảm bảo TTATGT trong lĩnh vực ĐTNĐ.

ĐTND - Hình 3
Các học viên thi thực hành và trả lời các câu hỏi xử lý tình huống khi lưu thông trên các phương tiện thủy nội địa

Hiện tại, Chi cục ĐTNĐ phía Nam đã phối hợp chặt chẽ với sở GTVT các tỉnh, thành phố để kiểm tra công tác thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở dạy nghề đủ điều kiện đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa cho các cơ sở dạy nghề; yêu cầu các cơ sở dạy nghề công bố kế hoạch đào tạo và học phí, kiểm tra, thanh tra, giám sát các cơ sở dạy nghề đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật và kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo.

Chỉ tính riêng Trường Cao đẳng nghề GTVT Đường thủy II, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã phối hợp tổ chức các khóa học và tổ chức thi cấp giấy chứng nhận cho 8 khóa với hàng ngàn thuyền viên được cấp giấy chứng nhận. Ông Bùi Đình Thiện - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục nói chung và xã hội hóa giáo dục đối với lĩnh vực đào tạo nghề, mạng lưới các cơ sở dạy nghề thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa được hình thành, phát triển mạnh mẽ, đa dạng, phong phú và rộng khắp trên toàn quốc. Đối với Nhà trường, công tác đào tạo và tổ chức thi tuyển được thực hiện tại cơ sở đặt trên địa bàn TP. Cần Thơ. Đây là khu vực trung tâm và thuận lợi cho người dân các tỉnh lân cận như: Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang… Hiện nay, Nhà trường cũng đã tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hội nhập và nhu cầu của thị trường lao động; tăng cường đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên đảm bảo đạt chuẩn quốc gia, từng bước đạt chuẩn khu vực, quốc tế.

Nhà trường cũng thường xuyên cập nhật, bổ sung chương trình đào tạo, bảo đảm tính khoa học, hiện đại, linh hoạt đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động; phân bố hợp lý thời gian giữa các khối lượng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là công tác đào khi người học có nhu cầu chuyển từ trình độ đào tạo thấp lên trình độ đào tạo cao hơn cùng ngành, nghề… Việc chuẩn bị các phương tiện cho phù hợp với tiêu chí của các hạng mục trong giấy chứng nhận cũng được ưu tiên hàng đầu. Ngoài việc thi lý thuyết và thực hành máy, các thuyền viên còn phải hoàn thành việc vận hành các phương tiện (tùy theo hạng mục đăng ký như: Thuyền trưởng hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba…) và đối với công tác tổ chức bổ túc thuyền trưởng, máy trưởng và cấp chứng chỉ chuyên môn phương tiện ĐTNĐ nói trên, mỗi năm số học viên hoàn thành khoảng hơn 90% so với tổng số học viên đăng ký thi ban đầu.

Như vậy, ngoài việc tuyên truyền ý thức cho người dân khi tham gia giao thông và sử dụng các phương tiện thủy nội địa cần tuân thủ luật pháp thì công tác nâng cao chất lượng đào tạo luôn được ưu tiên hàng đầu. Sau khi hoàn thành các khóa học, người dân đã có những chứng chỉ phù hợp với quy định của pháp luật, từ đó đã giúp nâng cao trình độ của người dân, góp phần giảm thiểu các vụ TNGT đường thủy và tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra cho nhiều địa phương.

Ý kiến của bạn

Bình luận