Tăng cường chống va trôi tàu: Bài toán cần lời giải "gấp"

Tác giả: vũ thành vũ

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 04/05/2016 16:55

Chống va trôi là giải pháp hiệu quả nhất để khắc phục và ngăn ngừa triệt để nguy cơ TNGT thủy kéo theo những thiệt hại vô cùng lớn. Tuy nhiên, đây cũng là bài toán khó của ngành Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khi còn nhiều khó khăn về vốn.

tau2

Sự cần thiết tăng cường chống va trôi

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ tai nạn giữa phương tiện thủy và cầu vượt sông đã gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng cầu yếu tại Việt Nam. Theo thống kê của Cục ĐTNĐ Việt Nam, hiện cả nước có 251/532 cầu và công trình vượt sông nằm trên các tuyến ĐTNĐ quốc gia có tĩnh không thông thuyền thấp hơn thông số kỹ thuật. Trong đó, có 64 cầu ưu tiên nâng cấp; 5 cầu thuộc diện đặc biệt phải nâng cấp, thay thế ngay gồm: Cầu Long Biên, cầu Đuống (Hà Nội) cầu Chui (Hải Phòng), cầu Ghềnh (Đồng Nai) và cầu Bình Lợi (TP. Hồ Chí Minh).

Ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết nguyên nhân của tình trạng trên là do yếu tố lịch sử để lại (nhiều cầu được xây dựng từ thời Pháp đến thời kỳ khôi phục - giải phóng đất nước); sự thay đổi điều chỉnh quy hoạch ngành ĐTNĐ qua các thời kỳ; sự thiếu vốn đầu tư xây dựng; vướng độ cao khống chế nút giao thông và mỹ quan quy hoạch đô thị khi thiết kế, xây dựng cầu; điều kiện tự nhiên, đặc thù kênh, sông mỗi vùng miền đất nước.

Trong khi đó, phương tiện vận tải ngày một tăng lên cả về chủng loại và số lượng, đặc biệt là kích thước trọng tải chủ yếu hiện từ 400 đến 2.000 tấn. Do vậy, ngoài việc tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao, các cầu này gây cản trở, khó khăn cho vận tải thủy, giảm năng lực khai thác tiềm năng giao thông thủy.

Cũng theo ông Thọ, từ đầu năm đến nay đã xảy ra liên tiếp 3 vụ TNGT giữa phương tiện thủy và cầu do va trôi gồm các vụ: Tàu Thành Luân 3.000 tấn đâm vào dầm cầu An Thái (Hải Dương) ngày 6/3; tàu 60 tấn đâm sập cầu Cơn Độ (Hà Tĩnh) ngày 12/3 và mới đây nhất là vụ xà lan chở cát đâm sập 2 nhịp cầu Ghềnh (Đồng Nai) ngày 20/3, làm tê liệt tuyến đường thủy và đường sắt Bắc - Nam.

Trong các năm 2014, 2015 cũng xảy ra những vụ va trôi tương tự như: Vụ xà lan chở cát đâm sập cầu treo Cái Tâm tại sông Chợ Đệm (TP. Hồ Chí Minh); vụ 2 tài phụ tổ chức ăn nhậu rồi để xà lan trôi tự do đâm vào gầm cầu, khiến nhiều mảng cầu Hóa An (Đồng Nai) bị vỡ.

Nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn này đều do điều kiện lưu thông phương tiện thủy bị hạn chế, không đảm bảo điều kiện kỹ thuật, đặc biệt là tĩnh không thông thuyền của cầu thấp. Nhưng trên hết là ý thức chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện rất kém và sự quản lý còn tồn tại nhiều điểm yếu của các cơ quan chức năng.

Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng va trôi là xây dựng trụ chống va, hệ dầm phụ chống va; tổ chức điều tiết, cứu hộ, chống va trôi thường trực quanh năm tại 34 vị trí cầu nguy hiểm (trong đó có 28 vị trí cầu kết hợp chống va trôi), đồng thời, tăng cường rà soát, bổ sung báo hiệu; bố trí thiết bị kiểm tra, cảnh báo từ xa.

PGS. TS. Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ GTVT) khẳng định, cầu yếu ở bất kỳ quốc gia nào cũng có, kể cả những nước phát triển giao thông hàng đầu thế giới. Vì vậy, duy trì cầu yếu là vấn đề “đau đầu” không chỉ ở Việt Nam. Việc bảo vệ cầu yếu, tránh va trôi vốn là vấn đề rất phức tạp bởi luồng, lạch thay đổi theo thời gian trong khi nguy cơ tàu thuyền đâm vào trụ cầu hiện rất cao và đa dạng.

“Ngay cả những cường quốc mạnh về tài chính nhất thế giới hiện nay cũng không đủ tiền để xây mới lại những cây cầu cũ” - PGS. TS. Hoàng Hà khẳng định.

Trước thực trạng hiện nay, hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đều cho rằng, giải pháp tăng cường điều tiết thường trực tại các “điểm đen”, đặc biệt là xây dựng trụ chống va “bọc lót” cho các cây cầu được cho là những giải pháp có hiệu quả gắn liền với thực tiễn nhất.

Giải bài toán khó về nguồn vốn

“Trước đây, nguồn vốn chống bão lũ được bố trí cho Cục ĐTNĐ Việt Nam khoảng 20 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 15 tỷ đồng phục vụ công tác điều tiết trên toàn bộ tuyến đường thủy quốc gia (khoảng 7.000km) và 5 tỷ đồng phục vụ các công tác liên quan đến khắc phục bão lũ”, ông Thọ cho biết.

Theo Phó Cục trưởng, mặc dù Cục ĐTNĐ Việt Nam đã bố trí nguồn vốn sự nghiệp để phục vụ công tác này nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được mục tiêu nhiệm vụ đảm bảo ATGT đường thủy theo thực tiễn hiện nay.

Bên cạnh 2 nguồn vốn đang được sử dụng thì nguồn vốn đảm bảo ATGT cũng được đưa vào kế hoạch vốn nhưng chỉ phục vụ công tác điều tiết trong mùa lũ vì không đủ tiền để điều tiết quanh năm. Chỉ những vị trí có mức độ nguy hiểm cao mới được sử dụng nguồn vốn này để điều tiết quanh năm, tuy nhiên, nguy cơ va trôi tiềm ẩn ở tất cả các mùa. Trên thực tế, những vụ va trôi nghiêm trọng gần đây đều vào mùa khan cạn.

Trước sự eo hẹp về nguồn vốn phục vụ công tác trọng yếu này, Phó Cục trưởng Trần Văn Thọ cho rằng, việc cần làm hiện nay là cân đối các nguồn vốn ATGT để phân bổ thêm cho công tác điều tiết, khống chế, chống va trôi tại các điểm đen TNGT đường thủy nói riêng và các công trình vượt sông nói chung.

“Việc cân đối, bố trí nguồn vốn đáp ứng nhu cầu thực tiễn được coi là yếu tố then chốt để triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT đường thủy và bảo vệ cơ sở hạ tầng công trình giao thông. Những nguồn vốn này hiện chỉ có thể trông chờ từ nguồn cấp phát hàng năm”, Phó Cục trưởng nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Quang Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, nguồn vốn xã hội hóa hiện không thể thực hiện do phần lớn cầu yếu ở các vùng khó khăn, lưu lượng phương tiện rất ít nên không thu hút được nhà đầu tư.

Trước những giải pháp cấp bách hiện nay, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đồng ý với kiến nghị của Cục ĐTNĐ Việt Nam về việc tổ chức trạm điều tiết tại các vị trí cầu có nguy cơ va trôi cao. Thứ trưởng yêu cầu Cục ĐTNĐ Việt Nam tiến hành ngay và kiểm soát phương tiện lưu thông qua các vị trí này 24/24 giờ; đồng thời đẩy mạnh phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông để nghiên cứu, khảo sát đầu tư hệ thống trụ chống va trôi ở các vị trị cầu yếu.

Về vấn đề nguồn vốn được sử dụng trước mắt để khắc phục tình trạng cầu yếu, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh: “Các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát và phân loại toàn bộ cầu thiếu hệ thống chống va trôi, hệ thống điều tiết phương tiện trước ngày 30/4. Việc phân loại này để tạo sự thuận lợi trong việc bố trí 2 nguồn vốn, gồm vốn sửa chữa thường xuyên, sửa chữa định kỳ và vốn xây dựng cơ bản”.

Cùng với đó, Thứ trưởng yêu cầu Cục ĐTNĐ Việt Nam khẩn trương củng cố lại phao tiêu, biển báo lớn và rõ ràng hơn. Đặc biệt, phải tiến hành cảnh báo từ xa ít nhất 1km đối với những cầu có tĩnh không thông thuyền thấp.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng đưa ra tối hậu thư: “Nếu xảy ra thêm bất kỳ một vụ đâm gãy trụ cầu, các vị cục trưởng liên quan sẽ bị truy cứu trách nhiệm và phải từ chức”.

Ý kiến của bạn

Bình luận