Tân Chủ tịch Hà Nội đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân

Chính trị 28/12/2015 14:31

Trước toàn bộ thành viên Chính phủ và các địa phương, ông Nguyễn Đức Chung đề xuất cho phép Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân.

 

Tân Chủ tịch Hà Nội đề xuất hạn chế p

Sáng 28/12, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.

Hội nghị có sự tham gia của toàn bộ thành viên Chính phủ và 63 đầu cầu với các địa phương.

Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt vấn đề: "Thực tế năm nay bằng nỗ lực chung, GDP tăng 6,68%, cao hơn mức dự kiến 6,5%. Vậy năm 2016 chúng ta có phấn đấu cao hơn không?"

Lần đầu xuất hiện ở một phiên họp Chính phủ, tân Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng của thủ đô năm 2015 đạt và vượt mục tiêu. Trong đó, đáng chú ý là GRDP trên 9%, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 7 bậc, 19.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn tăng 31%...

Trên cơ sở đó, ông Chung đề xuất mục tiêu tăng trưởng GDP chung của cả nước ở mức 7%, cao hơn mức nghị quyết Quốc hội đề ra.

Cũng trong phần phát biểu ngắn tại hội nghị, ông Chung nêu thực trạng giao thông thủ đô đang có nhiều diễn biến bất lợi. Theo đó, đến năm 2020, thành phố có tới 1 triệu ôtô, 7 triệu xe máy. Trong khi đó, hạ tầng giao thông của thành phố còn nhiều hạn chế.

"Hà Nội đề xuất Chính phủ cho phép thành phố xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Nếu không có giải pháp thì Hà Nội tin rằng 4-5 năm nữa tình hình sẽ phức tạp", ông Chung nói.

Trước đó, tại kỳ họp đầu tháng 12 vừa qua, HĐND Hà Nội đã thông qua đề án giảm ùn tắc 2.200 tỷ. Trong đề án này, ngoài việc xây dựng mới các công trình, cải thiện năng lực giao thông... UBND thành phố dành 700 triệu đồng lập Đề án hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn TP vào năm 2016.

Tân Chủ tịch Hà Nội đề xuất hạn chế p

Kiến nghị ưu tiên ODA cho giao thông TP HCM

Góp ý cho việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 2016, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ tuyên truyền FTA, TPP đồng bộ, thường xuyên; kịp thời ban hành chính sách tạo điều kiện, sự chủ động cho doanh nghiệp...

"Cần nghiên cứu đẩy nhanh hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ cho các ngành công nghiệp còn non trẻ trước áp lực hàng ngoại nhập", ông Phong nói.

Đối với các vấn đề liên quan tới địa phương ông Phong nêu hàng loạt kiến nghị lớn, trong đó có việc ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án lớn trên địa bàn TP như tuyến xe bus nhanh, nạo vẹt luồng Xoài Rạp, một số đường hướng tâm quan trọng… Lãnh đạo TP HCM cũng kiến nghị được xem xét hỗ trợ cơ chế tạo vốn, bảo lãnh, tạo điều kiện phát hành trái phiếu đô thị.

Để tạo động lực phát triển, ông Phong kiến nghị quy định mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không bao gồm dư nợ vay của nước ngoài; nâng giới hạn vay nợ của Hà Nội và TP HCM cho phù hợp. Luật Ngân sách Nhà nước 2015 quy định không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, bao gồm thêm các khoản nguồn vay nước ngoài của Chính phủ.

"Dự kiến dư nợ vay nước ngoài của TP càng tăng cho hạ tầng càng tạo động lực thành phố phát triển. Nếu tính thâm dư nợ vay nước ngoài vào sẽ không có khả năng tiếp tục vay mới", ông Phong nói.

Bên cạnh đó, lãnh đạo TP HCM đề nghị xem xét điều chỉnh Nghị định 93 năm 2011 về phân cấp một số lĩnh vực cho TP. Trong đó, phân cấp mạnh hơn thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như phí, lệ phí, thẩm quyền xử phạt hành chính; quy định chặt chẽ trách nhiệm của Bộ, ngành Trung ương để phân cấp thực sự có hiệu quả.

Ý kiến của bạn

Bình luận