Tại sao Jetstar lại khao khát thị trường Hongkong đến vậy?

Doanh nhân 19/04/2015 07:51

Trước những tổn thất lớn mà Jetstar phải chịu để tham gia vào thị trường Hongkong, David Dodwell giám đốc điều hành của Tổ chức Chính sách Thương mại Apec đã chia sẻ những suy nghĩ của mình.


Chị em của Jetstar ở Nhật Bản, Việt Nam, Singapore cũng đang gặp khó khăn

Chị em của Jetstar ở Nhật Bản, Việt Nam, Singapore cũng đang gặp khó khăn

Gian nan con đường chinh phục Hongkong của Jetstar

Trong suốt hơn hai năm nay, tôi đã rất đau đầu để tìm hiểu lý do tại sao Jetstar Airlines, công ty con của tập đoàn Quantas lại khao khát trở thành một hãng hàng không địa phương ở Hongkong đến vậy.

Cuối năm ngoái, tập đoàn Quantas đã đề nghị cơ quan chức năng Hongkong cấp giấy phép cho Jetstar Airlines hoạt động tại Hongkong. Cơ quan Cấp phép Không lưu của Hongkong (ATLA) đã mở một cuộc thẩm tra để xem liệu Jetstar có đủ điều kiện hoạt động ở quốc gia này hay không. Từ đó đến nay đã vài tháng trôi qua mà vẫn chưa thấy “tăm hơi” giấy phép đâu, trong khi hãng hàng không Jetstar đã “chảy máu” hàng triệu USD bởi máy bay không thể bay, phi hành đoàn ngày ngày chỉ biết bảo nhau trau dồi nghiệp vụ và uống cà phê, còn giám đốc điều hành thì “vò đầu bứt tai” tìm cách giảm thiểu “xuất huyết.”

Quá trình chờ xét duyệt của Jetstar không mấy suôn sẻ khi hãng vấp phải sự công kích của Hongkong Airlines và Cathay Pacific, cho rằng Jetstar không đáp ứng đủ nhiều yêu cầu quan trọng trong Luật cơ bản của Hongkong.

Con đường đến với thị trường Hongkong của Jetstar càng gian truân hơn khi Singapore Airlines, hãng hàng không trực thuộc Hainan Airlines cũng đang tham gia vào cuộc đua này. Chính phủ Hong Kong bây giờ phải cân nhắc giữa hai ứng cử viên và dự là quá trình này sẽ mất không dưới 6 tháng.

Động lực của Jetstar là gì?

Khó khăn chồng chất là thế nhưng Jetstar chưa bao giờ có ý định từ bỏ giấc mơ Hongkong. Rốt cuộc, động lực nào có thể lớn đến mức khiến Jetstar hay các nhà đầu tư của hãng là Quantas, China Eastern và Shun Tak chấp nhận “chảy máu” lâu đến như vậy?

Vốn dĩ một hãng hàng không nghèo như Jetstar thật khó mà có thể lọt vào mắt xanh của Hongkong. Hàng không Hongkong vốn được biết đến là một thị trường rất khắc nghiệt, đặc biệt là về thời gian. Việc hạ cánh và cất cánh luôn phải chính xác đến từng giây. Giữa vòng quay chóng mặt như vậy, một hãng hàng không giá rẻ và nổi tiếng là hay “trễ giờ” như Jetstar khó lòng thu được lợi nhuận từ hàng hóa, trong khi đây lại là nguồn thu chủ lực của các đối thủ lớn với lợi thế là dàn máy bay thân rộng.

Sự cạnh tranh dữ dội biến Hong Kong trở thành một trong những thị trường khó kiếm tiền nhất. Xét trên toàn bộ châu Á, hiện mới chỉ có Air Asia trong tổng số 20 hãng hàng không giá rẻ thu được lợi nhuận trong vài năm trở lại đây. Chị em của Jetstar ở Nhật Bản, Việt Nam và Singapore cũng đang phải vật lộn rất khổ sở để không bị “chết chìm.”

Vậy đâu là lý do cho tất cả sự hy sinh của Jetstar? Sau khi vấp phải những công kích từ Cathay Pacific, Hongkong Express và Hong Kong Airlines, Jetstar và đoàn luật sư Quantas đã vùng dậy đấu tranh chỉ vì một mục tiêu: Quyền ngồi bên cạnh chính phủ Hongkong trong nhiều cuộc đàm phán không lưu của họ, nhằm mục tiêu vươn tới những điểm đến quốc tế ở khu vực châu Á và xa hơn nữa.

Nếu được trở thành một người quan sát trong các cuộc đàm phán của chính phủ Hongkong, Jetstar có thể nắm được các thông tin cơ mật mang tính chiến lược. Điều này có nghĩa là Jetstar dù mang danh nghĩa hãng hàng không địa phương nhưng lại có quyền tự do như một hãng hàng không nước ngoài.

Và đây cũng chính là vấn đề đáng lo ngại nhất. Jetstar hay Quantas đang phải cố gắng hết sức để đáp ứng những yêu cầu khắt khe về địa điểm kinh doanh chính của Luật Cơ bản, bao gồm cả việc sẽ phải chia số cổ phần ít ỏi của mình cho China Eastern và Shun Tak Holdings. Tuy nhiên, dù cho cổ phần có hạ xuống mức tối thiểu thì một số thành viên hội đồng quản trị của Jetstar vẫn biết và có thể truyền những điều cơ mật trong đàm phán hàng không của chính phủ HongKong ra bên ngoài.

Điều đó có ảnh hưởng gì không? Có thể là không quá quan trọng đối với một hãng hàng không đang gặp rắc rối như Quantas. Có điều, hiện tại Singapore Airlines cũng đang chuẩn bị tham gia cuộc chơi và trong tương lai có thể là những hãng đối thủ Trung Đông như Etihad ở Abu Dhabi và Emirates ở Dubai nên không rõ chuyện gì sẽ xảy ra nếu như tất cả các hãng hàng không này đều biết những thông tin cơ mật này.

Hiện tại, nợ nần chồng chất khiến Jetstar phải “dứt ruột” mà bán đi 8 trên tổng số 9 chiếc A320s, trong đó có 2 chiếc cho một công ty Trung Quốc với giá 83 triệu USD. Có lẽ chỉ có giám đốc điều hành của Jetstar mới có câu trả lời rõ ràng cho sự chờ đợi đau thương này và việc hãng chỉ còn duy nhất 1 chiếc A320s có thể sẽ khiến câu trả lời sớm được tiết lộ.

Trần Thanh (Theo scmp)

Ý kiến của bạn

Bình luận