Sỹ quan Việt Nam kể chuyện tham gia gìn giữ hòa bình ở Trung Phi

Chính trị 16/07/2018 09:42

Chàng trai Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh tham gia quân đội và trở thành sĩ quan gìn giữ hoà bình ở Trung Phi.

 

Sỹ quan Việt Nam kể chuyện tham gia gìn gi
Sĩ quan Nguyễn Quốc Khánh trong một lần đi thăm và làm việc tại doanh trại của Tiểu đoàn bộ binh Tanzania. Ảnh: NVCC.

Đại uý Nguyễn Quốc Khánh của Quân đội nhân dân Việt Nam vừa kết thúc nhiệm kỳ một năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Trung Phi, trong vai trò sĩ quan tham mưu.

Anh chia sẻ, một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là những giờ phút xoay xở trong vòng vây của hàng nghìn người dân địa phương mất kiểm soát vào tháng 2/2018. Khi đó, anh tham gia chiến dịch cùng đồng đội và bắt được một số phiến quân. Nhóm lực lượng gìn giữ hoà bình di chuyển về doanh trại thì người dân địa phương vô tình phát hiện. Ngay lập tức, hàng nghìn người kéo đến nơi đóng quân của Liên Hợp Quốc đòi giao các phiến quân để xử lý.

Từ 16h đến 18h, hơn 5.000 người dân từ các nơi kéo đến vây kín sở chỉ huy. Càng về sau, họ càng hung hăng. Không được thỏa mãn yêu cầu giao nộp phiến quân, người dân dùng gạch đá ném và xô đẩy tường rào tìm cách tràn vào trong.

Trong doanh trại, số lính gìn giữ hòa bình chỉ 80 người. "Bảo vệ thường dân là sứ mệnh của chúng tôi, nên không thể dùng bạo lực. Tình hình ngày càng căng thẳng khi họ dựng chướng ngại vật ngăn tiếp viện bên ngoài. Nếu tràn vào, đám đông mất kiểm soát ấy dễ bị kích động đập phá, đốt doanh trại", anh kể.

Những người lính bảo vệ doanh trại vừa bắn chỉ thiên vừa kiên nhẫn giải thích. Rất may mắn khi số đạn gần hết thì lực lượng chức năng địa phương có mặt giải thích, trấn an người dân.

Nhớ lại thời gian ở Trung Phi, anh Khánh vẫn rưng rưng bởi tình cảm nồng ấm của bạn bè các nước với sĩ quan Việt Nam. Anh rất bất ngờ khi nhiều sĩ quan nước bạn biết rõ lịch sử Việt Nam.

“Sĩ quan các nước Bắc Phi hiểu biết tường tận cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, Mỹ của Việt Nam. Khi tôi hỏi, họ nói chương trình đào tạo sĩ quan ở các nước này có phần riêng về chiến tranh Việt Nam. Họ có bài giảng về chiến thuật du kích và tư tưởng quân sự của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi thực sự tự hào và xúc động. Những trang sử giữ nước được viết bằng xương máu của cha ông ta luôn được bạn bè thế giới nể phục”, anh Khánh nói.

Ước mơ làm sĩ quan gìn giữ hòa bình

Đầu những năm 2.000, sân chơi Đường lên đỉnh Olympia là ước mơ của nhiều lứa học sinh. Năm 2003, Nguyễn Quốc Khánh tham gia cuộc thi với mong muốn thử sức, tiếp thu kiến thức và có những người bạn mới. Anh lọt vào vòng thi tháng. “Đến nay khoảng cách giữa các thế hệ dự thi đã gần 20 năm, nhưng cộng đồng Olympia luôn là những người bạn tốt, nhiệt tình hỗ trợ tôi trong công việc và cuộc sống”, anh kể.

Cùng thời gian đó, phong trào thi Robocon ở Việt Nam rất phát triển với hai đội mạnh là Học viện Kỹ thuật quân sự và Bách khoa Hà Nội. Bố Khánh là sĩ quan phục vụ quân đội nhiều năm nên luôn mong con theo đường binh nghiệp. Đó cũng là động lực để Khánh thi đậu ngành Tự động hóa và Robot, Học viện Kỹ thuật quân sự rồi sang Nga du học.

si-quan-gin-giu-hoa-binh-1-JPG-6117-1531213423
Đại uý Khánh cùng Ban chỉ huy chiến thuật của Chiến dịch MBARANGA do Tư lệnh Phân khu Tây làm chỉ huy trưởng. Ảnh: NVCC.

Từ khi còn là sinh viên, chàng trai Hà Nội luôn ước mơ được tham gia các hoạt động duy trì an ninh, ổn định trên thế giới. “Không chỉ tôi mà nhiều bạn trẻ đều khát khao được làm việc trong cơ quan lớn như Liên Hợp Quốc. Những nơi nghèo khó, còn xung đột sẽ rất cần những người trẻ. Nếu được tham gia hành trình này thì tuổi trẻ và thời binh nghiệp của tôi sẽ có thêm những trải nghiệm thú vị”, Khánh nhớ lại động cơ thôi thúc đăng ký dự tuyển.

Ước mơ của Nguyễn Quốc Khánh thành sự thật khi Liên Hợp Quốc chấp thuận anh làm sĩ quan tham mưu tình báo tại phái bộ Cộng hòa Trung Phi.

“Đến làm nhiệm vụ tại nơi đang xung đột, khó tránh khỏi cảm giác lo lắng về những nguy hiểm sẽ phải đối mặt. Những kỹ năng huấn luyện trước khi lên đường giúp tôi hình dung tương đối đầy đủ về tình hình phái bộ và những nguy cơ có thể xảy đến. Chúng tôi được học các tình huống dự kiến như phái bộ bị tấn công hoặc bị lạc và kỹ năng sinh tồn”, anh Khánh chia sẻ.

Khó khăn nhất là "nhớ nhà"

Dù đã chuẩn bị tâm lý, khi đến Trung Phi vào tháng 5/2017, chàng sĩ quan trẻ khá bất ngờ. Bởi trước đó anh nghĩ rằng các nước châu Phi còn nghèo đói, xung đột thì sẽ chỉ có bệnh tật, bạo loạn. Nhưng đến nơi mới cảm nhận rõ người dân nơi đây rất hiền hòa, hiếu khách.

“Tuy còn nghèo nàn, lạc hậu nhưng người dân Trung Phi dạy tôi nhiều bài học. Từng cây xanh bên đó đều rất được yêu quý và nâng niu. Khi làm nhà, làm đường người dân luôn tìm cách giữ lại cây xanh. Dù đường vẫn là sỏi đá, chưa trải nhựa, nhưng hai bên lề rất rộng. Sau lề đường là những thảm cỏ rồi mới đến nhà cửa. Đó là những điều trước khi sang tôi không hề biết”, anh kể.

Vì phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Trung Phi mới thành lập được 4 năm nên còn thiếu thốn. Nhiều cán bộ phải thuê nhà dân hoặc ở lều bạt, sinh hoạt chung. Trời nắng thì nóng bức, trời mưa lầy lội, nhiều muỗi…

Nhưng với sĩ quan Nguyễn Quốc Khánh, vượt qua nỗi nhớ nhà mới là điều khó khăn hơn bất kỳ điều kiện ngoại cảnh nào. Anh lên đường làm nhiệm vụ khi con trai đầu mới 18 tháng tuổi và vợ đang mang bầu. Những lúc tạm ngưng công việc, anh lại tranh thủ gọi về nhà để được thấy các con.

“Có những điều khi còn ở bên gia đình sẽ rất bình thường, nhưng xa mới nhớ thương và trân trọng nhiều hơn. Đó là những lúc cả nhà đi chơi hay hai bố con tôi đi dạo phố. Đôi khi vợ gửi tấm ảnh con đang làm gì đó thôi cũng khiến mình xúc động. Ngày Tết, tôi đi chiến dịch bên đó mà thương hai con nhỏ không có bố quây quần bên cạnh”, chàng sĩ quan chia sẻ.

Nhìn lại một năm gắn bó với nhiệm vụ gìn giữ hòa bình dưới lá cờ Liên Hợp Quốc, anh Khánh chiêm nghiệm: “Làm việc ở đất nước nghèo nhất thế giới khiến tôi càng trân trọng và thấy hạnh phúc hơn khi được sống ở Việt Nam. Tôi cảm nhận rõ hơn giá trị của hòa bình mà bao thế hệ đổ công sức, máu xương mới có được. Tôi mong các bạn trẻ Việt Nam hôm nay thực sự trân trọng bằng tình cảm từ con tim mỗi người rằng hòa bình là vô giá”.

Ý kiến của bạn

Bình luận