Sông Đà mùa Lễ hội: Mỗi hành khách là tuyên truyền viên ATGT

Tác giả: Công Thành

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 03/04/2018 07:20

Mục tiêu này của lực lượng Cảng vụ ĐTNĐ Hòa Bình đã tạo được sức lan tỏa rộng, nâng cao hiệu quả thiết thực trong công tác đảm bảo TTATGT ĐTNĐ.

DSC_4636
Đền Thác Bờ trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình.

Giữ “bình yên sông nước” trong niềm vui xuân mới

Tại khu vực lòng hồ Thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), bắt đầu từ Tết Nguyên Đán đến hết mùa Lễ hội tháng 3 âm lịch là thời điểm người dân thập phương đi lễ Đền Bờ cũng như tham quan vãn cảnh lòng hồ với số lượng rất đông. Mùa Lễ hội Xuân hàng năm được xem là “mùa làm ăn” của người dân sinh sống trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình vốn có đời sống kinh tế rất khó khăn.

Cũng chính vì vậy, đây là thời điểm có hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa (ĐTNĐ) sôi động và phức tạp nhất trong năm, đòi hỏi những “người lính” canh giữ bình yên nơi cảng, bến phải “gồng mình” đảm bảo từng chuyến tàu được an toàn và trật tự. Trong tháng đầu tiên của mùa Lễ hội xuân Mậu Tuất 2018, khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình đã đón khoảng 5 vạn lượt khách đi Lễ và thăm quan.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hòa Bình (Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II) cho biết, hoạt động vận tải hành khách trên ĐTNĐ tại lòng hồ thủy điện Hòa Bình tăng đột biến trong mùa Lễ hội. Xác định sẽ có những diễn biến phức tạp, Đại diện Cảng vụ Hòa Bình đã huy động tối đa lực lượng và xin tăng cường cảng vụ viên từ các Đại diện khác để tập trung đảm bảo TTATGT tuyệt đối trên lòng hồ Hòa Bình.

DSC09066
Các phương tiện vận tải hành khách trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình đang dần được nâng cao chất lượng, an toàn. Trang thiết bị cứu sinh được trang bị đầy đủ, lực lượng chức năng thường xuyên túc trực đảm bảo TTATGT.

“Nhằm tạo bước đột phá trong công tác đảm bảo TTATGT, chúng tôi đặt mục tiêu lấy hành khách du lịch làm đối tượng tuyên truyền kiến thức về ATGT. Qua đó, mỗi hành khách sẽ trở thành một tuyên truyền viên về ATGT ĐTNĐ để tác động ngược lại với gia đình, bạn bè của họ”, Trưởng Đại diện Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, giải pháp này không chỉ nâng cao nhận thức đối với chủ phương tiện, người lái phương tiện mà còn nâng cao nhận thức trong cộng đồng về ATGT với bình yên sông nước.

Được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam, Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực II, các cơ quan liên quan, TNGT đường thủy trên địa bàn đã được kiềm chế rất hiệu quả. Đặc biệt là ý thức của thuyền viên và người lái phương tiện được nâng lên đáng kể, nhất là từ khâu ra - vào cảng, bến đón trả hành khách.

Đảm bảo từng chuyến tàu an toàn, trật tự

Ghi nhận thực tế của Tạp chí GTVT tại khu vực lòng hồ Hòa Bình, nhận thức của nhân dân sống ven lòng hồ Hòa Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực so với những năm trước đây. Các phương tiện đều được trang bị đầy đủ thiết bị an toàn, áo phao, dụng cụ nổi, thiết bị phòng cháy chữa cháy.

Trong quá trình quyết liệt thực hiện hàng loạt giải pháp đảm bảo TTATGT, trật tự xã hội tại khu vực lòng hồ Hòa Bình, lực lượng Cảng vụ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác, buộc tất cả các phương tiện không đủ điều kiện an toàn không được phép xuất bến. Lực lượng Cảng vụ luôn kiên quyết xử lý vi phạm hành chính đối với các phương tiện chưa có chứng nhận đăng kiểm nhưng cố tình chở khách du lịch rời cảng, bến.

DSC_4411
Mùa Lễ hội xuân là thời điểm có hoạt động vận tải hành khách nhộn nhịp, tăng cao đột biến trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình.

Bên cạnh những bước tiến trong công tác đảm bảo TTATGT tại lòng hồ Hòa Bình, Trưởng Đại diện Nguyễn Hồng Sơn cũng thẳng thắn cho biết, việc gìn giữ “bình yên sông nước” tại lòng hồ Hòa Bình còn chưa bền vững, chỉ một phút lơ là là có thể gây ra hậu quả xấu.

Nguyên nhân là do việc phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương còn tồn tại sự chồng chéo, chưa đề cao trách nhiệm theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vẫn còn một số quy định không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện trong thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đăng ký, đăng kiểm, quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện chở khách.

Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân mới đang từng bước được nâng cao, các phương tiện chở khách chủ yếu vẫn là phương tiện dân gian, phương tiện đóng mới chở khách vẫn còn mang tính tự phát, không có hồ sơ thiết kế được duyệt. Chính vì vậy, một số quy định pháp luật chưa đi ngay vào thực tiễn cuộc sống nên công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật theo những hình thức truyền thống chưa đạt hiệu quả cao như mong đợi.

Bên cạnh đó, lối sinh sống, làm ăn dựa trên kinh nghiệm dân gian, “cha truyền con nối” vẫn là thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là công tác quản lý phương tiện chở khách trên Lòng hồ Hòa Bình.

Giảm nhiệt “điểm nóng” về đăng ký, đăng kiểm phương tiện

Như Tạp chí GTVT từng phản ánh, khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình là một “điểm nóng” về khó khăn trong đăng ký, đăng kiểm phương tiện vận tải hành khách trên ĐTNĐ. Đây cũng là một thách thức trong công tác đảm bảo TTATGT của lực lượng Cảng vụ ĐTNĐ.

Tình trạng tàu du lịch trên hồ Hòa Bình không có chứng nhận an toàn kỹ thuật nhưng vẫn chở khách đã diễn ra từ vài năm nay, nhưng thời gian qua, lực lượng chức năng đã kiên quyết xử lý, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra TNGT đường thủy.

DSC09070
Với sự siết chặt của các cơ quan chức năng, đặc biệt là từ khâu ra - vào bến, vận tải hành khách trên ĐTNĐ tại Hòa Bình đang ngày càng được nâng cao về chất lượng và tính an toàn.

Bên cạnh việc xử lý vi phạm và không cho tàu rời bến, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, cũng như có biện pháp linh hoạt đối với người dân.

Trước đây, các phương tiện dân gian không được cấp chứng nhận kiểm định do tự ý hoán cải, đóng mới không có thiết kế, không đủ trang thiết bị an toàn, không có hồ sơ,…. Để giải quyết tình trạng trên, lãnh đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam đã trao đổi tìm hướng tháo gỡ cùng lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an).

Trong những nỗ lực đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho chủ tàu bằng cách tách phân loại từng phương tiện, xây dựng mẫu phương tiện để hướng dẫn chủ tàu gia cố tàu đảm bảo an toàn. Trong thời gian chờ mẫu, một số phương tiện có khiếm khuyết kỹ thuật nhỏ được cấp chứng nhận đăng kiểm tạm trong 6 tháng. Còn phương tiện có nguy cơ cao về mất an toàn buộc phải bổ sung theo thiết kế.

Các Đăng kiểm viên thường trực tại địa bàn, cùng đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương đến gặp chủ phương tiện để lập hồ sơ, biên bản, hướng dẫn các chi tiết kỹ thuật cụ thể cần thực hiện.

Theo thống kê của Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực II, hiện tại, các phương tiện hoạt động trên lòng hồ Hòa Bình có khoảng 223 phương tiện. Trong đó có 39 phương tiện đã được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.

DSC_4606
 Hiện có khoảng 223 phương tiện đang hoạt động trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, phục vụ nhu cầu đi Lễ, thăm quan trong mùa Lễ hội xuân.

Ông Ngô Văn Trình - Chủ nhiệm hợp tác xã chuyên chở hành khách dịch vụ du lịch Thái Thịnh chia sẻ với phóng viên, việc siết chặt điều kiện kinh doanh an toàn, điều kiện kinh doanh vận tải của các lực lượng chức năng, đặc biệt là từ khâu xuất cảng, bến đã dần dần tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh và an toàn hơn.

“Nếu như trước đây, chúng tôi vừa lo làm ăn, vừa lo nộp phạt, thì nay, với sự tận tình tuyên truyền, hướng dẫn của cơ quan chức năng, hầu như những người làm ăn tại khu vực đã nhận thức được sự cần thiết của phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn đăng ký, đăng kiểm. Nhiều người đã đầu tư những phương tiện mới đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Từ đó, việc làm ăn cũng dễ dàng và thuận lợi hơn, nỗi lo về những rủi ro thiếu an toàn đã giảm nhiệt”, ông Trình chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận