Sơn La: Cứng hóa đường giao thông-điểm nhấn của xây dựng nông thôn mới

Tác giả: Theo Báo Sơn La

saosaosaosaosao
Thị trường 04/03/2016 08:02

Phát triển giao thông luôn là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của Sơn La. Những năm qua, với việc tập trung nguồn vốn, huy động mọi nguồn lực, nhất là huy động sự đóng góp của nhân dân để làm đường giao thông đã tạo ra mạng lưới giao thông rộng khắp, nối liền các vùng miền trong tỉnh, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

 

Sơn La- Cứng hóa đường giao thông-điểm n

 Nâng cấp tuyến đường Nà Nghịu - Mường Lầm (H. Sông Mã).

Huy động mọi nguồn lực để phát triển giao thông nông thôn, bảo đảm các nhu cầu cấp thiết phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh kinh tế của nhân dân; đặc biệt là việc ưu tiên cho các xã, bản khó khăn; chưa có đường giao thông, vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn, trong những năm qua, từ nguồn vốn của Trung ương, Sơn La đã thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn. Đồng thời ban hành các chính sách phát triển giao thông nông thôn, như: Nghị quyết 40, Nghị quyết 63 và Nghị quyết 41 của HĐND tỉnh thực hiện phương châm “Nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ” đã huy động vốn của các tổ chức, doanh nghiệp và đóng góp của nhân dân để làm đường giao thông nông thôn. Chỉ tính riêng Nghị quyết 40, Nghị quyết 63, toàn tỉnh đã xây dựng nâng cấp, bê tông được trên 700km đường, với tổng vốn đã thực hiện trên 860 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 600 tỷ đồng. Thực hiện làm đường giao thông theo Nghị quyết 41, toàn tỉnh đã nâng cấp, bê tông hóa được hơn 300km đường, với tổng vốn gần 290 tỷ đồng (nhân dân đóng góp trên 200 tỷ đồng). Việc mở đường giao thông đến trung tâm xã đi được 4 mùa tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh. Nếu hết năm 2014, toàn tỉnh có 147/204 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đi được 4 mùa thì đến cuối năm 2015 đã có 165 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đi được 4 mùa và số xã còn lại đang tiếp tục được triển khai, phấn đấu 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được 4 mùa. Cùng với đầu tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, công tác quản lý, bảo vệ đường được chú trọng, hiện cả 12 huyện, thành phố đều đã lựa chọn các đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã; tăng cường công tác tuyên truyền về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ... 

Với những nỗ lực cao nhất, mạng lưới đường giao thông nông thôn ở Sơn La ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 9.900km đường giao thông nông thôn, bao gồm: 651km quốc lộ, 912km tỉnh lộ, 1.996 km đường huyện; 5.916km đường xã, 143km đường đô thị, 282km đường chuyên dùng, ngoài ra còn khoảng 11.797km đường  trục thôn, ngõ xóm, bản tiểu khu, tổ dân phố và đường trục chính nội đồng. Phát triển giao thông nông thôn đã cơ bản giải quyết bài toán về giao thông đến vùng sâu, vùng xa, vùng cao đặc biệt khó khăn, đáp ứng được nguyện vọng cấp thiết của nhân dân. Hệ thống đường giao thông phát triển rộng khắp, đường giao thông nội bản, liên bản, liên xã từng bước được nối liền với các trục đường chính tuyến huyện, tỉnh và quốc lộ, tạo mạng lưới giao thông liên hoàn, tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại, giao thương giữa các vùng, phục vụ sản xuất, dân sinh kinh tế và nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh.

 Mục tiêu phát triển giao thông nông thôn của Sơn La đang đặt ra nhiệm vụ rất lớn, năm 2016, với mục tiêu tập trung đầu tư xây dựng đường đến trung tâm xã đi được 4 mùa; đẩy mạnh phong trào phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu thêm 2 xã đạt nông thôn mới và 25 xã đạt tiêu chí về đường giao thông... Các địa phương trong tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền phong trào thi đua làm đường giao thông nông thôn; vận động nhân dân tích cực tham gia, tự nguyện làm đường giao thông. Thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư; tranh thủ sự hỗ trợ để thu hút đầu tư cho giao thông nông thôn; đồng thời tăng cường công tác quản lý việc đầu tư phát triển giao thông nông thôn theo quy hoạch... Tổ chức phát động phong trào xây dựng và nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn bị hư hỏng sau mùa mưa bão; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình xây dựng cơ bản; xây dựng, sửa chữa cầu treo dân sinh... Tiếp tục huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường của 39 xã còn lại, với 26 dự án bảo đảm tiến độ, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 100% đường giao thông đến trung tâm xã đi được 4 mùa theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV đề ra. 

Phát triển hệ thống giao thông nông thôn đồng bộ kết nối các vùng kinh tế động lực, vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực sản xuất, các trung tâm hành chính và các cụm dân cư, đã và đang tạo bước đột phá trong đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Sơn La.

Ý kiến của bạn

Bình luận