Sớm tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu làm Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đường bộ 07/03/2023 19:59

Các địa phương kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thúc đẩy các tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn vật liệu thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.

Nút giao Tân Vạn trên tuyến đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh

Phối cảnh nút giao Tân Vạn trên tuyến đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh

Thông tin về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Bộ GTVT mới đây cho biết, các địa phương đã kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh cần sớm chủ trì, thống nhất với các tỉnh về mức độ, phạm vi và quy mô áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) và chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh sớm chủ trì, rà soát, đánh giá kỹ trữ lượng mỏ vật liệu xây dựng thông thường.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai cần thống nhất bằng văn bản về việc áp dụng danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời thống nhất tên dự án thành phần 3 đồng bộ theo tên các dự án thành phần để phù hợp Nghị quyết 57/2022 của Quốc hội.

Ngoài ra, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, theo kết quả khảo sát và làm việc với các địa phương trong vùng, nguồn vật liệu không đủ cung cấp theo tiến độ thực hiện dự án. Do đó, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm chủ trì phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long sớm xem xét, giải quyết các vướng mắc về nguồn vật liệu; chủ trì hướng dẫn các địa phương thủ tục khai thác mỏ vật liệu cung cấp cho dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hướng tuyến đường Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh

Hướng tuyến đường Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh

Tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, đồng thời xem xét, hướng dẫn về nội dung xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản để UBND tỉnh Đồng Nai chủ động nguồn vật liệu đất đắp cho dự án đường Vành đai 3 cũng như các dự án trọng điểm khác (đường tỉnh, đường huyện) đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thành đánh giá tác động môi trường để có cơ sở phê duyệt dự án thành phần 5; kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng (cho phép khai thác đất san lấp khi cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương).

Tỉnh Long An kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ địa phương trong quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu tại Nghị Quyết số 105 của Chính phủ.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh có tổng chiều dài tuyến khoảng 76,34km (trong đó đoạn tuyến qua địa phận TP. Hồ Chí Minh là 47,51km; tỉnh Đồng Nai là 11,26km; tỉnh Bình Dương là 10,76km; tỉnh Long An là 6,81km).

Dự án thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác từ năm 2026 với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 61.056 tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách Trung ương là 31.380 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 29.676 tỷ đồng (TP. Hồ Chí Minh 19.449 tỷ; tỉnh Đồng Nai 1.567 tỷ; tỉnh Bình Dương 7.808 tỷ; tỉnh Long An 852 tỷ đồng).

Nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 là 6.961 tỷ đồng, gồm TP. Hồ Chí Minh 4.562 tỷ đồng; tỉnh Đồng Nai 367 tỷ đồng; tỉnh Bình Dương 1.832 tỷ đồng; tỉnh Long An 200 tỷ đồng.

Quy mô giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1) là 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), đầu tư không liên tục.

Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh có 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60km/h.
Ý kiến của bạn

Bình luận