Sớm có hệ thống dữ liệu dự báo nhu cầu thị trường lao động

25/06/2016 09:54

Ngày 24/6, Bộ LĐTBXH đã tổ chức hội thảo “Các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng Giám đốc AIC, kinh nghiệm của các nước cho thấy Việt Nam phải xây dựng hệ thống dữ liệu để dự báo được cung - cầu, đặc biệt là cầu thi trường lao động để từ đó xác định từng ngành nghề đào tạo. Một số tỉnh thành Việt nam đã xây dựng dữ liệu, sàn giao dịch việc làm và bước đầu thành công. Do đó, Bộ LĐTBXH có liên kết và dữ liệu chung để xác định cung cầu thị trường lao động, từ đó có đầu tư, hình thành nghề trọng tâm phù hợp với thị trường lao động.

1_95878
Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo này, chuyên gia đến từ 8 nước giới thiệu các mô hình đào tạo nghề và khá thành công mà Việt Nam có thể học tập. “Đơn cử như hệ thống đào tạo nghề của Đức với mô hình đào tạo kép đáp ứng nhu cầu xã hội gắn dạy nghề tại doanh nghiệp rất thành công, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động”, bà Nguyễn Thị Nhàn cho biết.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, trong các giải pháp về nâng cao chất lượng dạy nghề trong thời gian tới, giải pháp “Đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp” và “Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp” là 2 giải pháp đột phá. Theo đó, chương trình, nội dung đào tạo phù hợp, linh hoạt, sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; lấy thực hành là chính, thời gian học lý thuyết tối đa 30%, thời gian thực hành từ 70% trở lên...

Tổng cục dạy nghề đẩy nhanh việc rà soát sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô, mở rộng ngành nghề đào tạo, phân tầng chất lượng đào tạo; tái cấu trúc hệ thống GDNN gắn với nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân; Giao quyền tự chủ cho các nhà trường, khơi dậy tiềm năng, phát huy năng lực của các nhà trường…

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, cùng với những cơ hội trong quá trình hội nhập, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, sự không đồng đều về chất lượng nhân lực trong nước. Cơ cấu trình độ đào tạo của lực lượng lao động có bằng cấp không phù hợp với yêu cầu và đi ngược lại xu thế chung của thế giới, lao động có bằng đại học quá cao so với lao động chuyên môn kỹ thuật, lành nghề. Do đó, từ kinh nghiệm dạy nghề của thế giới, thực tiễn tại địa phương, Bộ LĐTBXH sẽ triển khai mạnh mẽ các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Ý kiến của bạn

Bình luận