Siết chặt hoạt động của xe khách giường nằm

Hoạt động Ban ATGT 14/03/2017 16:14

Cách đây hơn mười năm, xuất hiện loại xe giường nằm hai tầng với nhiều ưu điểm như tiện nghi, thoải mái, nhanh hơn và chi phí rẻ, được hành khách ưa chuộng,... đã mở ra cuộc "chạy đua" đầu tư xe giường nằm của các doanh nghiệp (DN) vận tải. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của loại xe này là chiều cao và trọng tâm xe "quá khổ", gây nguy cơ mất ổn định khi tham gia giao thông, nhất là khi chạy với tốc độ cao, vào cua, hoặc đường có độ dốc lớn,... Hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng liên quan xe khách giường nằm xảy ra gần đây là hồi chuông cảnh tỉnh để siết chặt quản lý, hoạt động của loại hình vận tải này.

Siết chặt hoạt động của xe khách giường nằm
Vụ tai nạn giao thông liên hoàn ngày 25-2-2017 tại địa phận xã Hưng Ðạo, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) giữa xe khách giường nằm với xe tải và xe khách 16 chỗ.

Liên tiếp xảy ra tai nạn

Mới đây nhất, khoảng 12 giờ trưa 7-3, trên quốc lộ 6A, đoạn qua địa phận xã Tân Sơn (huyện Mai Châu, Hòa Bình) đã xảy ra một vụ TNGT giữa ô-tô khách giường nằm và xe tải. Xe khách giường nằm loại 45 chỗ BKS 27B - 000.73 đang lưu thông theo hướng Hà Nội đi Sơn La, khi đến địa điểm nêu trên bất ngờ mất lái, đâm thẳng vào đầu xe tải đi theo chiều ngược lại. Vụ tai nạn khiến hai lái xe bị thương nặng, hai phương tiện bị hư hỏng, hàng chục hành khách bị một phen hoảng loạn, rất may không có thiệt hại về người.

Trước đó, khoảng 15 giờ 15 phút ngày 25-2, xe khách giường nằm tuyến Việt Trì (Phú Thọ) - Hà Tĩnh do lái xe tên Hoàn (30 tuổi, trú huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển chạy trên đường tránh TP Vinh hướng bắc - nam. Khi đi đến địa phận xã Hưng Ðạo (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), xe giường nằm bị va chạm với xe tải chạy chiều ngược lại. Do tình huống bất ngờ, lái xe 16 chỗ chạy phía sau xe tải không kịp xử lý, đâm ngang vào hông xe tải. Thời điểm gặp nạn, trên xe giường nằm có 20 hành khách, xe 16 chỗ có tám người. Hành khách trên xe giường nằm bị một phen hoảng loạn, phải phá cửa kính để thoát ra ngoài. Vụ tai nạn làm hai hành khách bị thương, xe giường nằm bị lật nghiêng xuống ruộng, xe tải và xe 16 chỗ bị hư hỏng nặng. Cũng trong ngày 25-2, trên địa bàn TP Ðông Hà (Quảng Trị), ngay trước cửa bến xe, hai xe khách giường nằm 45 chỗ BKS 73B-006.55 và 74B-004.52 đã đâm vào nhau, làm hai lái xe bị thương nặng, hai ô-tô hư hỏng. Rất may khi xảy ra tai nạn, trên cả hai xe chưa có hành khách. Khoảng 9 giờ ngày 21-2, xe khách giường nằm 45 chỗ BKS 49B-007.26 của nhà xe Tuấn Anh (TP Ðà Lạt) khi đang xuống đèo Phú Sơn (huyện Lâm Hà, Lâm Ðồng) thì bị bốc cháy dữ dội. Lái xe và phụ xe đã kịp đưa 15 khách cùng hành lý ra khỏi xe, cho nên không có thiệt hại về người.

Sau một thời kỳ các DN vận tải đầu tư theo phong trào, phát triển rầm rộ, xe khách giường nằm hai tầng đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý trong cả khai thác và vận hành, ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự an toàn giao thông (ATGT). Xe giường nằm chi phí đầu tư lớn, tuy nhiên do cạnh tranh gay gắt cho nên giá vé không chênh nhiều so với xe khách ghế ngồi thông thường. Ðể thu được lợi nhuận cao nhất, các chủ xe đã khai thác "hết công suất" và ít có điều kiện quan tâm bảo dưỡng, thậm chí còn "độ chế" các thiết bị tiện ích bên ngoài, khiến các chỉ tiêu kỹ thuật của xe không bảo đảm. Qua công tác kiểm định, một số đơn vị đăng kiểm đã phát hiện nhiều xe khách giường nằm tự ý thay đổi hệ thống điện, đấu nối thêm dàn đèn trang trí, bảng hiệu, ti-vi, đầu DVD,... dẫn đến quá tải về điện, gây chập, cháy. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định xử phạt về các lỗi tự ý lắp đặt thêm hệ thống điện trên xe. Lực lượng chức năng chỉ xử phạt xe lắp đặt thêm ghế ngồi hoặc giường nằm, xe thiếu bình chữa cháy, thiết bị giám sát hành trình, búa thoát hiểm,...

Siết chặt quản lý

Trước tình trạng xảy ra tai nạn liên tiếp đối với loại hình vận tải xe khách giường nằm, một chuyên gia giao thông cho rằng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cần nghiên cứu đưa ra những quy định cụ thể về điều kiện kết cấu hạ tầng, nhất là về độ dốc, bán kính quay vòng, quy định về điều kiện phù hợp cho phương tiện hoạt động,… tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch để chủ xe đầu tư, xã hội yên tâm khi tham gia giao thông bằng phương tiện này. Nguyên tắc vận tải xe khách đường bộ là không cho chạy cự ly quá dài, vì chi phí lớn và nguy cơ mất an toàn cao hơn loại hình vận tải khác. Ở các nước phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ, cũng có xe giường nằm hai tầng, nhưng hạ tầng giao thông tốt, giám sát hoạt động xe hiệu quả.

Nhằm siết chặt quản lý, bảo đảm an toàn cho loại hình phương tiện xe khách, nhất là xe khách giường nằm, Bộ GTVT mới đây đã ban hành công điện yêu cầu Tổng cục Ðường bộ Việt Nam tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa đối với xe khách giường nằm. Thứ trưởng GTVT Lê Ðình Thọ cho hay: Các cơ sở đào tạo lái xe cần bổ sung giảng dạy các nội dung về phòng chống cháy, nổ đối với xe khách giường nằm; Tổng cục Ðường bộ Việt Nam cần đưa nội dung phòng, chống cháy nổ vào các chương trình tập huấn thường xuyên về hoạt động vận tải; kiểm tra, rà soát lại các điều kiện về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô-tô và các điều kiện về cơ sở hạ tầng giao thông đối với xe khách giường nằm.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Ðăng kiểm Việt Nam kiểm tra, rà soát toàn bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định về kiểm tra an toàn kỹ thuật của phương tiện vận tải hành khách bằng ô-tô. Chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm kiên quyết không kiểm định đối với các xe khách giường nằm lắp đặt thêm các thiết bị điện tử không theo quy định, gây quá tải cho hệ thống điện của xe. Xử lý nghiêm đối với các tổ chức và cá nhân không tuân thủ các quy định của pháp luật về kiểm định phương tiện vận tải đường bộ. Ðồng thời, các Sở GTVT địa phương chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở và bến xe trên địa bàn, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với việc xếp, dỡ hàng hóa, hành khách và các điều kiện về kỹ thuật của phương tiện trước khi cho xe xuất bến, nhất là những xe khách giường nằm chở theo hàng hóa dễ cháy, nổ, hàng hóa bị cấm,... Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và không cho phép phương tiện xuất bến khi chưa bảo đảm các điều kiện về an toàn kỹ thuật của phương tiện cũng như các điều kiện khác về kinh doanh hoạt động vận tải hành khách.

Bộ GTVT cũng đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên, tăng cường tuyên truyền việc chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự ATGT khi tham gia vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng phương tiện xe khách giường nằm. Bộ GTVT giao Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan, tổ chức kiểm tra đột xuất việc kiểm định kỹ thuật và kinh doanh vận tải đối với phương tiện xe khách giường nằm tại một số đơn vị đăng kiểm phương tiện và một số bến xe trên toàn quốc, triển khai ngay trong tháng 3. "Các cơ quan, đơn vị tổng hợp những đề xuất, kiến nghị để tăng cường công tác quản lý an toàn đối với loại hình phương tiện vận tải xe khách giường nằm, báo cáo Bộ GTVT trong tháng 3 này. Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện và báo cáo về Bộ để tổng hợp và xử lý kịp thời" – Thứ trưởng Lê Ðình Thọ yêu cầu.

Nhiều người dân ưa chuộng xe khách giường nằm do tiện lợi, chất lượng dịch vụ tốt, xe đi ban đêm, giá vé hợp lý. Còn xét về góc độ kinh tế và an toàn, việc cho phép xe giường nằm hai tầng chạy tuyến dài 500 - 700 km hoặc trên đường đèo dốc là không phù hợp. Với hạ tầng đường sá không ổn định và chưa kiểm soát chặt chẽ sự tuân thủ quy định của chủ xe, lái xe (như tốc độ, chở quá tải, thời gian lái xe liên tục,…), phương tiện này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về TNGT.

Ý kiến của bạn

Bình luận