Siết chặt công tác đăng kiểm góp phần hạn chế xe quá tải

Tác giả: Trần Kỳ Hình

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 24/09/2014 14:15

Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 12/04/2014 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nâng cao chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải (GTVT), triển khai nhiệm vụ năm ATGT 2014 với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động vật tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, thực hiện Thông báo số 70/TB-BGTVT ngày 24/01/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT kết luận cuộc họp về tăng cường siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, Thông báo số 239/TB-BGTVT ngày 17/03/2014 kết luận của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp về nâng cao chất lượng đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã triển khai siết chặt các hoạt động nhằm góp phần hạn chế xe quá tả


ThS. Trần Kỳ Hình
Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam

1. Thực trạng về chở hàng quá tải của các phương tiện hiện nay

Trong những năng gần đây, xuất hiện tình trạng ngày càng nhiều xe cơ giới có thùng hàng lớn khi tham gia giao thông nhằm mục đích chở hàng quá tải, đặc biệt là các ô tô tải tự đổ, ô tô xi téc, sơ mi rơ moóc xi téc, ô tô tải có mui (sau đây gọi chung là xe ô tô). Nguyên nhân có tồn tại trên là do:

Xe ô tô đã được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu trước ngày có hiệu lực (01/10/2012) của Thông tư số 32/2012/TT-BGTVT ban hành ngày 09/08/2012 của Bộ GTVT quy định về kích thước giới hạn thùng chở hàng ô tô tải tự đổ, rơ moóc và sơ mi rơ moóc tải tự đổ, ô tô xi téc, rơ moóc và sơ mi rơ moóc xi téc tham gia giao thông đường bộ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 32);

Xe ô tô tải cải tạo trước ngày có hiệu lực của Thông tư số 29/2012/TT-BGTVT ban hành ngày 31/07/2012 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 29);
Ô tô tải tự đổ, ô tô xi téc có khối lượng toàn bộ dưới 10.000 kg nhưng thùng hàng có kích thước lớn (không thuộc đối tượng của Thông tư số 32);

Xe ô tô có thùng hàng quá quy định được một số đơn vị đăng kiểm kiểm tra cấp giấy chứng nhận kiểm định (xe ô tô xi téc chở xi măng rời, xe để chi tiết, cột chờ để cơi nới thùng sau khi kiểm định nhằm mục đích chở hàng quá tải);

Xe ô tô sau khi kiểm định cấp giấy chứng nhận được chủ xe thay thùng hàng khác hoặc cơi nới thêm để tăng kích thước thùng hàng. Một số đơn vị đăng kiểm Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam… phản ánh đã có cơ sở sửa chữa, ga ra đóng thùng hàng để cho xe thuê đi kiểm định;

Xe cơ giới có thùng hàng lớn để chở hàng quá tải là tiềm ẩn gây tai nạn giao thông và là nguyên nhân chính gây hư hỏng nhanh chóng cầu, đường bộ.

2. Số lượng xe ô tô cần quản lý tránh chở hàng quá tải

Theo thống kê trên cả nước đến hết 31/12/2013 các loại xe ô tô có khối lượng toàn bộ từ 10.000 kg trở lên (đối tượng cần quản lý) như sau:
Ô tô tải tự đổ có 61.173 xe. Trong đó khoảng 75% xe có thể tích thùng hàng vượt quá quy định đã được nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, cải tạo đã lập Hồ sơ kiểm định trước ngày Thông tư số 32 có hiệu lực. Theo các báo cáo của các đơn vị đăng kiểm, có xe vượt trên 300%.

Ô tô xi téc có 5.380 xe. Trong đó khoảng 60% xe có thể tích xi téc vượt quá quy định đã được lập Hồ sơ kiểm định trước ngày Thông tư 32 có hiệu lực.

Ô tôxi téc chở xi măng rời có 142 xe và sơ mi rơ moóc chở xi măng rời có 1320 xe. Các xe này đều đã được lập Hồ sơ kiểm định trước ngày Thông tư 32 có hiệu lực và có thể tích xi téc vượt quá quy định, trong đó có xe vượt trên 400%.

3. Siết chặt công tác Đăng kiểm để hạn chế xe quá tải

Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) đã tăng cường công tác chỉ đạo điều hành trong toàn Cục nhằm siết chặt công tác đăng kiểm để góp phần hạn chế xe quá tải.

Nhằm kiểm soát việc chở hàng của xe ô tô, ngăn ngừa việc tạo điều kiện cho việc chở hàng vượt quá khối lượng, Cục ĐKVN đã chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm siết chặt công tác đăng kiểm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với xe cơ giới nhập khẩu, sản xuất lắp ráp, lưu hành. Cục ĐKVN cũng đã báo cáo và đề xuất với Bộ GTVT để thực hiện bổ sung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đăng kiểm. Cụ thể như sau:

Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 30/2011/TT-BGTVT ngày 15/04/2011 quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới được sản xuất, lắp ráp và Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT ngày 15/04/2011 quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu để siết chặt quy định kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đặc biệt hạn chế chở hàng quá tải đối với xe sản xuất lắp ráp và nhập khẩu.

Thực hiện Thông tư số 10/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2012/TT-BGTVT và Thông tư số 10/2009/TT-BGTVT. Đưa ảnh xe cơ giới khi kiểm định vào Giấy chứng nhận kiểm định để ngăn ngừa chủ xe tự cơi nới, cải tạo tăng kích thước thùng hàng sau khi đăng kiểm; mượn thùng xe, xi téc để đi kiểm định; và hỗ trợ lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường. Quy định Tem kiểm định cho phương tiện có thể tích thùng hàng, xi téc vượt quá quy định tại Thông tư số 32 có dấu hiệu nhận biết riêng (có vạch ngang màu đỏ) để dễ nhận biết trong kiểm tra, kiểm soát. Bổ sung hạng mục kiểm tra phù hiệu kẻ trên cánh cửa phương tiện khi kiểm định theo quy định tại Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06/08/2013 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (đã được bổ sung, sửa đổi tại Thông tư số 23/2014/TT-BGTVT) và các quy định liên quan khác.
Sửa đổi Thông tư số 32 để bổ sung quy định phạm vi điều chỉnh đối với ô tô tải tự đổ, ô tôxi téc có khối lượng toàn bộ dưới 10.000 kg để kiểm soát kích thước thùng chở hàng loại xe này.
Xây dựng Thông tư quy định về công tác bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới để duy trì chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giữa hai kỳ kiểm định.
Tăng cường quản lý nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát công tác đăng kiểm phương tiện đường thủy, đường bộ trong phạm vi cả nước để chấn chỉnh ý thức trách nhiệm của lãnh đạo, đăng kiểm viên, nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn nâng cao chất lượng hoạt động đăng kiểm, phục vụ khách hàng, tránh quá tải cho các đơn vị đăng kiểm, cho chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện.

Tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường” đã được Bộ trưởng Bộ GTVT ký ban hành tại Quyết định số 1873/QĐ-BGTVT ngày 8/08/2012.

Tổ chức các đoàn kiểm tra do Lãnh đạo Cục làm trưởng đoàn để tiến hành kiểm tra đột xuất các đơn vị đăng kiểm tại 03 khu vực Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam và làm việc với các Sở GTVT về công tác phối hợp quản lý công tác đăng kiểm phương tiện tại địa phương.

Yêu cầu các đơn vị đăng kiểm thực hiện nghiêm các quy định trong công tác kiểm định. Bổ sung đầy đủ kích thước thùng hàng, các thông số kỹ thuật của các xe ô tô còn thiếu trên cơ sở dữ liệu kiểm định. Tập trung kiểm tra kích thước thùng xe theo hồ sơ, tài liệu kỹ thuật, kiên quyết không cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho phương tiện sai kích thước thùng hàng.

Hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác đăng kiểm. Lựa chọn thêm một loại dây chuyền thiết bị kiểm định hiện đại để thuận lợi cho các đơn vị đăng kiểm khi trang bị.

Tổ chức theo dõi, giám sát thường xuyên hoạt động kiểm định của các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới qua hệ thống camera giám sát.

Xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định tại Thông tư số 42/2012/TT-BGTVT, nhất là xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để việc kiểm định, cấp Giấy chứng nhận kiểm định sai quy định và việc kiểm định cho xe cơ giới có kích thước thùng hàng, xi téc lớn hơn so với hồ sơ kỹ thuật.

Tiếp tục đào tạo, đào tạo lại kết hợp với đánh giá đăng kiểm viên để nâng cao chất lượng đội ngũ đăng kiểm viên. Tổ chức các lớp tập huấn tại hai khu vực để tuyên truyền, giáo dục đạo đức, trách nhiệm cho lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ các đơn vị đăng kiểm trong cả nước. Tổ chức đào tạo đăng kiểm viên bậc cao xe cơ giới, nâng cao chất lượng kiểm định.

Yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Cục ĐKVN về “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị và lĩnh vực phụ trách.

Sửa đổi phần mềm để đưa hình ảnh xe cơ giới khi kiểm định đạt yêu cầu vào Giấy chứng nhận kiểm định để các đơn vị không kiểm định xe có thùng chở hàng sai quy định và tạo điều kiện cho cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý.

Phối hợp với Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt và Tổng Cục đường bộ Việt Nam để hướng dẫn các đơn vị tại các địa phương phối hợp kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi tham gia giao thông. Chỉ đạo các Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương tham gia các đội kiểm tra liên ngành trong kiểm tra, kiểm soát tình trạng kỹ thuật và tải trọng phương tiện.

4. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Việc thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa việc chở hàng quá khối lượng cho phép của phương tiện đã phát sinh một số khó khăn và vướng mắc đối với các doanh nghiệp vận tải, chủ xe.

Cục ĐKVN đã bám sát tình hình thực tế, hướng dẫn kịp thời các Trung tâm đăng kiểm để ngoài việc tăng cường chất lượng, chống tiêu cực nhưng tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp, cho chủ xe. Báo cáo đề xuất để Bộ GTVT ban hành văn bản số 8359/BGTVT-VT ngày 10/07/2014 tháo gỡ khó khăn cho đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô.

Cục ĐKVN đã ban hành 06 văn bản hướng dẫn các Trung tâm đăng kiểm về nghiệp vụ kiểm định, quản lý phương tiện và giải quyết vướng mắc cho chủ xe, doanh nghiệp.

Công bố công khai số điện thoại đường dây nóng (04.37684706 và 04.37687509), số điện thoại của lãnh đạo Cục và các trưởng phòng nghiệp vụ, yêu cầu cán bộ, nhân viên có trách nhiệm tiếp nhận thông tin phản ánh và kịp thời trả lời các ý kiến của người dân, doanh nghiệp.

Khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của Bộ GTVT hoàn thành 100% các dự thảo để Bộ GTVT trả lời hoặc kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho chủ xe, các doanh nghiệp vận tải.

Ban hành 17 văn bản trả lời hoặc tham mưu cho Bộ GTVT trả lời kiến nghị của cử tri và của các Hiệp hội vận tải liên quan đến thắc mắc về xe cơ giới đang lưu hành và sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu.

Tổ chức các hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp, các Hiệp hội vận tải để tìm biện pháp tháo gỡ vướng mắc về phương tiện khi kiểm định.

Tham gia giải đáp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải hàng siêu trường siêu trọng tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Xe máy Việt Nam v.v…

5. Một số kết quả bước đầu

Các xe cơ giới khi kiểm định không đạt được các Trung tâm đăng kiểm nhập vào cảnh báo trên mạng. Tỷ lệ xe không đạt trong tháng 04/2014 (33,38%) tăng khoảng 8% so với tháng 03/2014 (26,89%).

Kiểm soát được việc cấp tải trọng cho xe cơ giới theo quy định của Thông tư số 06; ngừng cải tạo đối với xe khách giường nằm. Các xe có kích thước thùng hàng không đúng quy định, lắp thêm ghế, thêm giường nằm đã yêu cầu khôi phục lại nguyên trạng mới được cấp Giấy chứng nhận.

- Đã từ chối kiểm định đối với xe khách do tự ý lắp thêm ghế, thêm giường hoặc cơi nới hầm chở hàng của xe khách là 354 xe;

- Số lượng xe khách kiểm định không đạt do liên quan đến tự ý cải tạo là 385 xe;

- Số lượng xe chở khách đã sửa chữa, khôi phục nguyên trạng quay vào kiểm định lại là 723 xe;

- Số lượng xe tải không đạt do tự ý cơi nới thùng chở hàng là 5235 xe;

- Số lượng xe tải đã sửa chữa phục hồi nguyên trạng thùng chở hàng vào kiểm định lại là 5182 xe;

Đã đưa vào cảnh báo theo thông báo của Thanh tra Giao thông các tỉnh thành phố gửi về 468 xe do vi phạm quy định của Luật GTĐB, yêu cầu phải có kết quả xử lý của Thanh tra Giao thông mới được kiểm định.

Các đơn vị đăng kiểm đã đưa vào cảnh báo 12.464 xe không đạt tiêu chuẩn, trong đó có trên 5.000 xe do lỗi liên quan đến thùng hàng.

Kiểm tra cơ sở kinh doanh vận tải, cơ sở đóng thùng xe sai quy định theo phản ánh của thông tin đại chúng, thông báo với Thanh tra Bộ GTVT để xử lý những phương tiện vi phạm. Chủ động kiểm tra các cơ sở sản xuất, lắp ráp mới, xử lý các cơ sở vi phạm về việc đóng thùng hàng không đúng thiết kế như Công ty TNHH Một thành viên sản xuất và lắp ráp ô tô tải Chu Lai Trường Hải.

Đã từ chối kiểm tra và yêu cầu tái xuất 279 xe cơ giới do không thỏa mãn quy định của Thông tư số 32.

Phát hiện và chấn chỉnh 16 doanh nghiệp nhập khẩu nhập khẩu xe có cơ cấu chờ để lắp phần cơi nới thùng hàng khi đưa ra sử dụng.

Thực hiện việc đánh giá đột xuất điều kiện đảm bảo chất lượng (COP) đối với 39 cơ sở sản xuất, lắp ráp thì trong đó có 30 cơ sở không đạt.

Yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên sản xuất và lắp ráp ô tô tải Chu Lai Trường Hải triệu hồi hơn 700 xe THACO FD4100A do sản xuất không đúng với kiểu loại xe đã được Cục ĐKVN kiểm tra và cấp giấy chứng nhận.
6. Bài học kinh nghiệm

Công tác kiểm soát, hạn chế xe quá tải đạt được kết quả bước đầu là do sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, UBATGTQG, sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Bộ Công an, Bộ GTVT và giữa các Bộ, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương, của cấp Ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông và các Hiệp hội vận tải, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của mỗi đơn vị, địa phương.

Siết chặt công tác đăng kiểm góp phần hạn chế xe quá tải phải được thực hiện theo sát chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, của các Vụ chức năng của Bộ GTVT. Nhiệm vụ phải được triển khai đồng bộ ở tất cả các đơn vị đăng kiểm, thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục, lâu dài, triển khai quyết liệt, tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm.

Cục Đăng kiểm đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị từ khâu xây dựng kế hoạch đến khâu tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra giám sát. Các đơn vị đăng kiểm chủ động rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn nhằm siết chặt quy định kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và lưu hành.
Thực hiện đào tạo đăng kiểm viên tuân theo Chỉ thị số 12/CT-BGTVT ngày 30/05/2014 của Bộ GTVT.

Kết hợp với các Sở GTVT trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đăng kiểm để tăng cường kiểm tra, giám sát những trường hợp các xe cơi nới thùng hàng để chở hàng quá tải.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức các cuộc tọa đàm đối thoại với các doanh nghiệp vận tải, lái xe, chủ hàng, tạo dư luận xã hội đồng thuận; hạn chế các hành vi vi phạm vận chuyển hàng hóa quá tải trọng, phá hoại đường sá và công trình giao thông.

7. Kết luận

Sau một thời gian thực hiện, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, công tác đăng kiểm đã góp phần hạn chế xe quá tải. Ý thức của chủ xe, lái xe đã có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Chủ xe, lái xe đã chủ động cắt các phần cơi nới thùng hàng và bảo dưỡng, sửa chữa trước khi đưa xe đi kiểm định. Tình trạng phương tiện được đảm bảo an toàn hơn khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, các kết quả trên mới chỉ là bước đầu. Nhiệm vụ trong thời gian tới và các năm tiếp theo là tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 12/04/2014 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nâng cao chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện GTVT, thực hiện tốt nhiệm vụ được Bộ GTVT giao quản lý phương tiện. Trong đó, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đảm bảo không quá tải, an toàn và thân thiện với môi trường.

Ý kiến của bạn

Bình luận