Sedan phổ thông cạn dần sức hút khách Việt

Tác giả: An Nhi

saosaosaosaosao
Thị trường 24/07/2023 09:23

Người tiêu dùng ô tô Việt Nam đang có xu hướng dịch chuyển dần sang các loại xe gầm cao hoặc sedan cao cấp thay vì lựa chọn xe sedan phổ thông.

Người tiêu dùng ô tô Việt Nam đang có xu hướng dịch chuyển từ xe sedan sang các loại xe gầm cao và MPV.

Người tiêu dùng ô tô Việt Nam đang có xu hướng dịch chuyển từ xe sedan sang các loại xe gầm cao và MPV.

Từ khoảng 5 năm trở lại đây, các loại xe sedan phổ thông, đặc biệt là phân khúc cỡ C và cỡ D đang ngày càng được ít người tiêu dùng lựa chọn. Doanh số liên tiếp suy giảm, một số hãng xe cũng có xu hướng loại bỏ dần một số mẫu xe kém hiệu quả ra khỏi danh mục sản phẩm.

Sedan cỡ C là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ xu hướng tiêu dùng mới. Theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hyundai Thành Công, chỉ có 6.787 chiếc xe sedan cỡ C được bán ra thị trường trong nửa đầu năm 2023. So với cùng kỳ năm ngoái, phân khúc này đã bị sụt giảm đến 59,4%, cao gấp đôi so với tỷ lệ sụt giảm chung 30,1% của toàn thị trường.

Đáng chú ý là tổng lượng xe sedan cỡ C bán ra nửa đầu năm nay thậm chí thấp hơn doanh số của riêng mẫu xe Kia K3 trong giai đoạn cùng kỳ 2022. Đây là một con số rất đáng báo động đối với phân khúc xe đã từng sôi động bậc nhất thị trường ô tô Việt Nam hồi nửa đầu thập niên 2010.

sedan

Phân khúc cỡ B cũng không nằm ngoài xu hướng. Mặc dù phân khúc này đóng góp đến 3 mẫu xe vào Top 10 bán chạy nhất nửa đầu năm 2023 là Honda City, Hyundai Accent và Toyota Vios song cả phân khúc cũng chỉ đạt 7.452 chiếc bán ra thị trường, tốc độ sụt giảm vẫn ở tỷ lệ 41,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ sụt giảm chung của toàn thị trường.

Dấu hiệu thoái trào ở phân khúc anh cả là sedan cỡ D thậm chí còn đến sớm hơn. Đã gần một thập niên trở lại đây, các loại xe sedan cỡ D đã không còn được ưa chuộng, trái ngược hẳn giai đoạn thập niên 2000, quãng thời gian mà Toyota Camry, Nissan Teana, Honda Accord trở thành tiêu chuẩn của tiêu dùng cao cấp, được định vị là xe dành cho giới doanh nhân.

Thống kê cho thấy, chỉ có 2.499 chiếc sedan cỡ D được bán ra thị trường trong nửa đầu năm ngay, giảm 45,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Phân khúc sedan cỡ D hiện chỉ còn hiện diện 4 mẫu xe bao gồm Toyota Camry, Mazda6, Honda Accord và Kia K5.

Sedan phổ thông cạn dần sức hút khách Việt - Ảnh 3.

Sedan phổ thông cạn dần sức hút khách Việt - Ảnh 4.

Có thể thấy, cùng với xu hướng phát triển của thị trường, đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao thì xu hướng tiêu dùng và sử dụng ô tô cũng theo đó cũng thay đổi.

Bản thân các doanh nghiệp cũng đã nhận thấy dấu hiệu thoái trào của xe sedan từ rất sớm. Ford là một điển hình. Kể từ năm 2018, hãng ô tô Mỹ đã bắt đầu khai tử 2 mẫu xe sedan tại thị trường Việt Nam gồm Fiesta và Focus. Mẫu xe đàn anh ở phân khúc sedan cỡ D là Mondeo thậm chí bị khai tử từ năm 2011. Đến nay, danh mục sản phẩm của Ford chỉ còn lại 3 mẫu SUV, 1 mẫu bán tải và 1 mẫu minibus. Chính quyết tâm thay đổi chiến lược sản phẩm đã giúp Ford bắt đúng "trend" thị trường và trở thành hãng xe duy nhất tăng trưởng doanh số trong nửa đầu năm 2023.

Hyundai Thành Công cũng đã chính thức khai tử mẫu xe sedan cỡ D Sonata từ năm 2015. Khác với chiến lược toàn cầu của Ford, Hyundai khai tử Sonata tại thị trường Việt Nam chỉ đơn giản là do mẫu xe này kém hiệu quả, ít được người tiêu dùng đón nhận.

Giới kinh doanh ô tô nhận định, người tiêu dùng đang có xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ về nhu cầu sử dụng phương tiện. Thị trường ô tô Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển giao lên tiệm cận ô tô hoá (motorization) và những biến động theo đó cũng sẽ nhanh chóng.

Đối với phân khúc sụt giảm mạnh nhất là sedan cỡ C, người tiêu dùng thời điểm này có những lựa chọn phù hợp hơn với nhu cầu và túi tiền. Với tầm giá bán khoảng 600 – 800 triệu đồng, khách hàng dễ dàng lựa chọn các dòng xe MPV 5+2 chỗ ngồi hay SUV cỡ B. Đây đều là những kiểu xe có tính đa dụng, dễ dùng ở nhiều điều kiện giao thông và đặc biệt phù hợp với các gia đình.

Ở phân khúc sedan cỡ D, khoảng giá bán quanh 1 tỷ đồng cũng khiến các khách hàng dễ dàng lựa chọn lên các dòng sedan hạng sang với chi phí khoảng 1,3 – 1,8 tỷ đồng, lớn hơn không đáng kể như Mercedes C-Class, Audi A4 hay BMW 3 Series…

Phân khúc sedan cỡ B là nơi duy nhất các hãng xe còn có thể "bấu víu". Dẫu sao, thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn rất nhỏ, lượng người tiêu dùng mua xe lần đầu còn nhiều và nhóm khách hàng vận tải taxi, taxi công nghệ đông đảo nên doanh số sedan cỡ B vẫn còn khá tốt. Bằng chứng là trong Top 10 xe bán chạy có đến 3 đại diện sedan cỡ B. Tuy nhiên, nếu tính cả phân khúc, đà tụt dốc vẫn cao hơn đáng kể so với bình quân của toàn thị trường, giảm 41,8% so với 30,1%.

Trong khi đó, phân khúc MPV 5+2 chỗ ngồi lại tăng trưởng doanh số 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 16.228 chiếc bán ra trong nửa đầu năm 2023. Như đã phân tích ở trên, đây là phân khúc đang nắm nhiều lợi thế nhờ xu hướng dịch chuyển tiêu dùng ô tô tại Việt Nam.

Ý kiến của bạn

Bình luận