Sẽ bổ sung các quy định về lao động còn thiếu so với hiệp định-TPP

20/04/2016 07:14

Hệ thống các quy định về lao động, công đoàn còn thiếu so với Hiệp định TPP đang được các cơ quan chức năng gấp rút rà soát lại từ nay cho đến tháng 7.2016. Đó là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn quan hệ lao động Việt Nam lần thứ I do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổng LĐLĐ , VCCI, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức sáng 19/4 tại Hà Nội.

Trong số 16 FTA Việt Nam tham gia, TPP là thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên bao gồm các điều khoản về lao động. TPP không không tạo ra bất kỳ tiêu chuẩn lao động quốc tế mới nào, nhưng cũng như FTA Việt Nam-EU, đòi hỏi Việt Nam thông qua và duy trì trong luật pháp, quy định và thực hành những quyền được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO, bao gồm tự do liên kết, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Trọng tâm yêu cầu của TPP là Việt Nam cần tôn trọng nguyên tắc tự do liên kết và đây được coi là phần khó nhất trong chương lao động của TPP. Hiện nay, mọi tổ chức công đoàn tại Việt Nam đều phải thuộc Tổng LĐLĐVN. Khi gia nhập TPP, người lao động sẽ có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức mà họ lựa chọn ở cấp doanh nghiệp. Các tổ chức này có thể có hoặc không thuộc Tổng LĐLĐVN.

Chính vì thế mà các cơ quan chức năng có liên quan của VN đang gấp rút rà soát lại các quy đinh pháp luật có liên quan để cho phù hợp với pháp luật VN cũng như tương thích với công ước quốc tế.

2319_TPP
Gia nhập Hiệp định TPP, lao động ngành diệt may VN sẽ được hưởng lợi nhiều (ảnh minh họa)

Theo ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB&XH), đa phần các quy định về lao động chủ yếu nằm trong Chương 19 của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và một số văn bản ký kết giữa VN và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Bộ LĐTB&XH vẫn đang cho rà soát để xem hệ thống các quy định về pháp luật lao động, công đoàn của ta so với Hiệp định TPP có cái gì còn thiếu hay chưa được quy định để có sự bổ sung, sửa đổi hoặc điều chỉnh cho phù hợp. Thậm chí chiếu theo Hiệp định TPP thì có nhiều quy định mới nên phải xây dựng lại từ đầu.

Đơn cử như một trong những vấn đề được quan tâm là việc thành lập tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp với việc: Ai cho cấp phép thành lập? Điều kiện thành lập ở đâu? Mối quan hệ của tổ chức này với Tổng LĐLĐ VN và cơ quan chức năng khác?...Nếu họ khiếu nại thì quy trình và xử lý như thế nào? Đặc biệt, mối quan hệ của tổ chức này với tổ chức công đoàn hiện nay như thế nào? Vai trò của tổ chức này trong việc hỗ trợ công tác đối thoại trong quan hệ lao động cấp cơ sở ra sao?

Hiện Bộ LĐTB&XH đã thành lập tổ rà soát hệ thống pháp luật lao động liên quan.

Ý kiến của bạn

Bình luận