Sắc áo lính trên công trình giao thông

Doanh nhân 22/12/2015 13:17

Trong những năm qua, các đơn vị xây dựng giao thông của Bộ Quốc phòng đã đóng vai trò không nhỏ trong xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông, những tên tuổi như Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, 319, 36, Lũng Lô, Hương Giang… đã làm phong phú bức tranh về ngành GTVT.

02 (5)
Tổng công ty 319 - một trong những đơn vị đi đầu trong việc tham gia vào Dự án cải tạo nâng cấp QL1

Nhiều BOT mang sắc áo lính

Tổng công ty 319 - một trong những đơn vị gần như đi đầu trong việc tham gia vào Dự án cải tạo nâng cấp QL1, đơn vị đã liên danh với Cienco4 thi công Dự án cải tạo nâng cấp QL1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát theo hình thức BOT từ năm 2013 và hoàn thành vào tháng 4/2015, vượt tiến độ gần 9 tháng. Dự án có chiều dài gần 34km, tổng mức đầu tư khoảng 3.627 tỷ đồng. Tiếp đến là công trình BOT của dự án cải tạo nền, mặt đường đoạn Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đến Trảng Bom (Đồng Nai) với chiều dài toàn tuyến là 125,4km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.085 tỷ đồng. Một dự án khác mà Tổng công ty đang tham gia theo hình thức BOT kết hợp với BT là Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo QL20 đoạn Km123+105,17 - Km268 tỉnh Lâm Đồng.

Theo lãnh đạo Tổng công ty, hiện nay, 319 đang thi công 2 công trình giao thông là Dự án xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức BOT. Dự án này, Tổng công ty 319 liên danh với Tập đoàn Đại Dương với tổng chiều dài đầu tư 45,8km. Dự án đường nối sân bay Thọ Xuân với Khu kinh tế Nghi Sơn do UBND tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Tuyến đường thuộc dự án dài 65,915km đi qua 5 huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh, Nông Cống và Tĩnh Gia với tổng mức đầu tư là 4.167 tỷ đồng, trong đó vốn vay từ Vietcombank là gần 3.558 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ tháng 9/2014, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2017. Tuyến đường có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc rút ngắn thời gian di chuyển từ sân bay Thọ Xuân đến Khu kinh tế Nghi Sơn - khu kinh tế động lực phát triển của Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung bộ, từ đó cải thiện khả năng thu hút các nhà đầu tư đến với Khu kinh tế Nghi Sơn và tỉnh Thanh Hóa, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ.

Là nhà thầu vào cứu nhà đầu tư xây dựng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Tổng Công ty 36, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp cho biết, chúng tôi vào cuộc với tổng lực thi công cải tạo QL6 và thi công tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình, theo đúng tinh thần của Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo “vào cuộc với tư cách là đơn vị anh hùng” và đến tháng 10 vừa qua chúng tôi đã hoàn thành và đưa dự án BOT này vào khai thác.

Được biết, ngoài tuyến QL6, Tổng công ty 36 còn thi công nhiều công trình như QL3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên), đường Đông Trường Sơn, đường Tuần tra biên giới, Nhiệt điện Duyên Hải, đường đôi Lưỡng Dụng Krông Á...

Để phá thế độc đạo QL1, khơi dậy tiềm năng, xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng - an ninh, chủ trương xây dựng trục đường từ Bắc vào Nam dọc theo phía Tây của đất nước qua dãy Trường Sơn đã được Đảng và Nhà nước ta đặt ra từ rất sớm. Nhưng do điều kiện kinh tế của đất nước sau chiến tranh còn nhiều khó khăn nên ý định xây dựng lại đường Trường Sơn, biến con đường phục vụ chiến tranh thành con đường động lực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh chưa được thực hiện. Mãi đến đầu thế kỷ này, chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) tới Đất Mũi (Cà Mau) mới thành hiện thực.

Theo quy hoạch tổng thể năm 1997 thì đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 3.167km, đi qua địa phận 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngày 5/4/2000, lễ khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh đã được tổ chức trọng thể cấp Nhà nước tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, một trong những trọng điểm của tuyến đường Trường Sơn năm xưa. Tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 có 37 đơn vị xây dựng chuyên nghiệp cấp Tổng công ty và tương đương đã được Chính phủ chỉ định không phải qua đấu thầu, trong đó có Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng. Trên đại công trình này, Binh đoàn 12 - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn được Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật liệu nổ trên tuyến dài 310km; khảo sát, thiết kế báo cáo nghiên cứu khả thi 1.192km, trong đó Dự án 3 (Vĩnh Khê - Thạch Mỹ) dài 272km, Dự án 10 (Quảng Bình - Quảng Nam) dài 514km, Dự án Cam Lộ - Nam Đông - Túy Loan dài 226km; thiết kế kỹ thuật 180km; thiết kế kiên cố hóa bê tông tường chắn 126 điểm và thiết kế 2 hầm A Roàng 1 và A Roàng 2; thi công 138km (nhánh Tây) từ Khe Gát đến Tăng Ký thuộc địa bàn tỉnh Quảng Bình.

BD2T1827

Từ sự quyết tâm đổi mới, dám nghĩ dám làm, vượt qua mọi khó khăn, không hổ thẹn với thế hệ đàn anh đi trước, tạo dấu ấn và niềm tin với bạn hàng trong và ngoài nước, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã thi công và bàn giao đưa vào sử dụng hàng nghìn công trình trên khắp mọi miền của Tổ quốc như: Đường Bắc Thăng Long - Nội Bài; Láng - Hòa Lạc; QL18 Nội Bài - Bắc Ninh; Cầu Giẽ - Ninh Bình; TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương; Hà Nội - Thái Nguyên; TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; QL18; QL5; QL6; QL1A (đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, Vinh - Đông Hà, Huế - Hải Vân; đường Hồ Chí Minh; đường Trường Sơn Đông, đường tuần tra biên giới; xây dựng cầu và đường dẫn cầu Bãi Cháy - Quảng Ninh, hầm đường bộ Hải Vân; sân bay Vinh, sân bay Buôn Ma Thuột...

Các công trình do những người thợ Trường Sơn thi công đều đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Nhiều công trình đã được tặng Huy chương Vàng chất lượng cao, Bằng Chứng nhận công trình chất lượng tiêu biểu. Đặc biệt, Tổng công ty là một trong những đơn vị đi đầu trong áp dụng công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình giao thông, tạo bước ngoặt trong thi công trên lĩnh vực này.

Ý kiến của bạn

Bình luận