Quyết liệt kéo giảm tai nạn hàng hải

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 24/09/2017 07:13

8 tháng đầu năm 2017, tai nạn hàng hải có diễn biến phức tạp, số vụ giảm theo các tháng nhưng lại tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trước tình hình đó, trong những tháng cuối năm, Cục Hàng hải Việt Nam cùng các đơn vị liên quan quyết tâm thực hiện tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn hàng hải.

 

an toan hang hai)1
Hoạt động cứu nạn hàng hải

Diễn biến phức tạp

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 14 vụ tai nạn hàng hải, làm 12 người chết và 01 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2016 tăng 01 vụ (7,69%) và tăng 9 người chết (300%), tăng 01 người bị thương.

Trong 14 vụ tai nạn hàng hải thì đặc biệt nghiêm trọng là vụ tai nạn làm chìm tàu Hải Thành 26 khiến 9 thủy thủ thiệt mạng. Các vụ tai nạn còn lại chỉ thiệt hại về tài sản, không thiệt hại về người. Chỉ tính riêng trong tháng 8, toàn quốc xảy ra 02 vụ tai nạn khiến 02 tàu hàng chìm. Cụ thể, ngày 02/8, tàu Hợp Tiến 36-BLC quốc tịch Việt Nam trên hành trình từ cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai) đi Hải Phòng thì bị sự cố bục vách buồng máy làm nước tràn vào buồng máy trên vùng biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Toàn bộ thuyền viên đã bỏ tàu và được cứu, đưa vào bờ an toàn. Vào ngày 11/8, tàu Minh Phú 26 quốc tịch Việt Nam đã đâm va với tàu cá BĐ-95948-TS tại vị trí cách cảng Quy Nhơn 5 hải lý khiến tàu cá bị chìm, không có thiệt hại về người.

Qua thống kê tai nạn các năm gần đây của Cục Hàng hải Việt Nam, tai nạn đâm va chiếm tới 80% số vụ tai nạn hàng hải. Nguyên nhân là do việc bố trí cảnh giới của tàu không phù hợp với quy định của quy tắc phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển.

Bên cạnh đó, sĩ quan, thủy thủ trực ca nhận định sai về sự di chuyển của tàu thuyền khác, vì vậy không xác định được đang tồn tại nguy cơ đâm va để có biện pháp điều động thích hợp.

Mặt khác, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn hàng hải còn do sỹ quan, thuyền viên của tàu chưa làm tốt công tác duy tu bảo dưỡng máy móc, trang thiết bị, chưa chú trọng công tác huấn luyện thực tập thường xuyên, thiếu sự tuân thủ đầy đủ các quy định về hành hải; trước khi điều động tàu sỹ quan, thuyền viên chưa kiểm tra hoạt động của máy tàu ở các chế độ khác nhau để bảo đảm rằng máy tàu hoạt động bình thường, dẫn đến tàu bị sự cố, mất chủ động trong quá trình điều động.

Ngoài ra, các phương tiện tàu cá khi hoạt động trên biển, nếu thuyền viên thiếu kinh nghiệm trong điều động tàu và ý thức chấp hành quy định ATGT kém, không tổ chức cảnh giới, không trưng đèn tín hiệu theo quy định, trong mật độ giao thông hàng hải ngày càng tăng cao sẽ dẫn đến nguy cơ va chạm, xảy ra tai nạn ngày càng lớn. Bên cạnh đó, tai nạn hàng hải còn do một số nguyên nhân khách quan khác như điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, hải lưu, dòng chảy...

Tăng cường đảm bảo an toàn

Trong 8 tháng đầu năm 2017, tình hình trật tự an toàn hàng hải có diễn biến phức tạp, tai nạn tăng so với cùng kỳ năm 2016. Chính vì vậy, trong những tháng cuối năm 2017, Cục Hàng hải Việt Nam cùng các đơn vị liên quan quyết liệt chỉ đạo, tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hàng hải.

Theo đó, Cục tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ GTVT đã ban hành về công tác ATGT, đảm bảo hoàn thành Năm ATGT 2017 và tổ chức tốt công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến kết hợp với kiểm tra giám sát các quy định pháp luật về an toàn, an ninh hàng hải đến các đối tượng liên quan trong hoạt động hàng hải, đặc biệt là phương tiện thủy nội địa và tàu cá; kiểm tra các đơn vị, các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp cảng trong việc thực hiện công tác an toàn an ninh hàng hải, kiểm soát tải trọng phương tiện, bảo đảm TTATGT, đặc biệt là tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo.

Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm duy trì kết quả đội tàu biển Việt Nam nằm trong danh sách trắng của Tokyo MOU đã đạt được; đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, bộ phận triển khai nghiêm túc công tác trực ban 24/7 để thu nhận và xử lý kịp thời tất cả các thông tin báo nạn, sự cố nhận được.

Năm 2017 dự báo tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều tình huống thời tiết cực đoan, tai nạn, sự cố có xu hướng gia tăng, đòi hỏi Cục Hàng hải Việt Nam cũng như các đơn vị liên quan phải nghiên cứu để có cơ chế vận hành, triển khai kịp thời, có hiệu quả.

Để chủ động ứng phó kịp thời có hiệu quả mùa mưa bão, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc Cục trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thời gian qua để xây dựng kế hoạch nhiệm vụ cho những tháng còn lại của năm 2017, triển khai ngay công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát với tình hình thực tế và điều kiện cụ thể của đơn vị; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Bên cạnh đó, Cục yêu cầu các đơn vị kiểm tra phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ” để đối phó và khắc phục hậu quả của lụt, bão bảo đảm sẵn sàng triển khai kịp thời; kiểm tra, rà soát đánh giá chất lượng trụ sở của đơn vị, các công trình, phương tiện... để sửa chữa, gia cố, bảo đảm an toàn khi có thiên tai, lụt, bão. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức trực ban nghiêm túc và thực hiện chế độ báo cáo theo đúng quy định; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt.

Cục Hàng hải Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị chủ động thống kê số lượng tàu thuyền có khả năng tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu, đưa ra phương án cho tàu thuyền neo đậu tránh, trú bão kịp thời, hiệu quả, tránh tình trạng điều động tàu thuyền đi tránh quá sớm gây thiệt hại cho doanh nghiệp hoặc điều động quá muộn dẫn đến tình huống nguy hiểm; phối hợp trong công tác điều động tàu tránh, trú bão; yêu cầu các doanh nghiệp cảng biển, sửa chữa tàu biển trong vùng nước cảng biển quản lý xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, kiểm tra cụ thể trước khi đến mùa mưa bão; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát quy chế phối hợp đã ký kết cho phù hợp với tình hình thực tế tại khu vực trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo lực lượng luôn sẵn sàng, nhanh chóng, thông suốt, kịp thời

Ý kiến của bạn

Bình luận