Quy chuẩn quốc gia về phân cấp và đóng du thuyền

28/04/2015 17:22

Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành theo Thông tư số 82/2014/TT-BGTVT ngày 30/12/2014.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (sau đây viết tắt là “Quy chuẩn”) áp dụng cho việc phân cấp và đóng du thuyền cũng như các tàu sử dụng vào mục đích vui chơi, giải trí không tham gia hoạt động thương mại và hoạt động trong vùng biển Việt Nam (sau đây viết tắt là “tàu”).

Theo đó, Quy chuẩn này áp dụng cho: Các tàu có chiều dài thân tàu từ 2,5 đến 24 mét với số lượng hành khách không quá 12 người cùng với hành lý đi kèm; các tàu tự hành với thân tàu di chuyển theo chế độ bơi, chế độ chuyển tiếp và/hoặc chế độ lướt với tốc độ nhỏ hơn 14 m/s bất kể công suất của động cơ chính; các tàu không tự hành và tàu bến nổi bao gồm các tàu có lắp đặt động cơ và các thiết bị mà tổng công suất bộ lai sơ cấp từ 100kW trở lên; vật liệu và các sản phẩm dự định lắp đặt cho các tàu ở trên.

Quy chuẩn này có thể áp dụng cho các tàu không thuộc phạm vi ở mục 1.1.1-2(1) và (2) trên với điều kiện tàu thỏa mãn các yêu cầu của Phần 13 Mục II của Quy chuẩn này và/hoặc Phần 2 Mục II QCVN 54: 2013/BGTVT.

Do đó, Quy chuẩn này không áp dụng cho các tàu: Tàu thể thao, tàu chiến, tàu đua, bao gồm cả tàu huấn luyện; ca nô hở, thuyền sử dụng bơi chèo hoặc đạp chân; tàu trượt nước; ván lướt sóng; phao bè tự thổi có bọc vải; mô tô nước cá nhân; thủy phi cơ sử dụng hiệu ứng bề mặt; tàu ngầm; tàu cổ; các tàu thí nghiệm cũng như các tàu nhỏ sử dụng như một thiết bị trên tàu (xuồng, bè cứu sinh).

Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến các tàu thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại 1.1.1 là Cục Đăng kiểm Việt Nam (sau đây trong Quy chuẩn này viết tắt là “Đăng kiểm”); các chủ tàu; cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và khai thác tàu.

Quy chuẩn này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015.

Ý kiến của bạn

Bình luận