Quốc hội thảo luận Luật Hàng không dân dụng Việt Nam

Chính trị 05/06/2014 14:01

Trong phiên thảo luận sáng nay (4/6) về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, vấn đề an ninh hàng không được nhiều đại biểu quan tâm, nhất là trong bối cảnh hoạt động khủng bố hàng không ngày càng tinh vi.


 
Qua thảo luận, đa số đại biểu tán thành với việc sửa đổi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam nhằm nâng cao chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ngành hàng không cho phù hợp với các công ước và cam kết quốc tế, cũng như phù hợp với Hiến pháp. Tuy nhiên, để Dự án Luật dễ thực hiện và đi vào cuộc sống, các đại biểu cho rằng, dự thảo cần làm rõ một số khai niệm, từ ngữ; quy địch chặt chẽ các điều khoản liên quan tới an ninh hàng không, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không; thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng và thanh tra hàng không…
 
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo một số đại biểu, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các hoạt động khủng bố, nhất là khủng bố hàng không ngày càng tinh vi. Vì vậy, an ninh hàng không cần phải được siết chặt. Dự thảo Luật quy định “Bộ Giao thông Vận tải quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng’’. Tuy nhiên, đa số đại biểu không tán thành với điều này vì các sân bay chuyên dùng hiện nay chủ yếu phục vụ các hoạt động bay quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn… Do đó, các đại biểu đề nghị nên giao thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng cho Bộ Quốc phòng.

 
Đại biểu Đỗ Bá Tỵ (đoàn Điện Biên) nêu ý kiến: “Từ trước tới nay, Bộ Quốc phòng đã phải tổ chức, giao cho Quân chủng Phòng không Không quân chủ trì, phối hợp với các quân khu, đơn vị toàn quân để quản lý hoạt động bay. Vì vậy, về việc quản lý sây bay chuyên dụng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôi đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi điều 49 như sau: Bộ Quốc phòng quyết định việc lập, mở, đóng hủy bỏ sân bay chuyên dụng, khi các đơn vị có nhu cầu phải trao đổi với Bộ Quốc phòng và có ý kiến thống nhất bằng văn bản với Bộ Quốc phòng”.
Cũng liên quan tới an ninh hàng không, nhiều đại biểu đề nghị quy định rõ tính chất của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không là lực lượng của cơ quan nhà nước hay của doanh nghiệp. Có ý kiến đề nghị giao cho một doanh nghiệp độc lập thực hiện nhiệm vụ này để tăng cường xã hội hóa trong ngành hàng không. Tuy nhiên, các đại biểu Nguyễn Hoài Phương (đoàn Tây Ninh), Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên Huế) và nhiều ý kiến góp ý đề nghị lực lượng kiểm soát an ninh hàng không thuộc quản lý của Bộ Giao thông Vận tải, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để xử lý các tình huống, đồng thời lực lượng này cũng là bộ mặt quốc gia nên cần được tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện chặt chẽ.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên Huế) góp ý: “An ninh hàng không là hết sức quan trọng. Trong Luật cũng đã đề cập nhiều nội dung cụ thể nhưng tôi đề nghị lực lượng này cần được lựa chọn, huấn luyện, tinh thông nghiệp vụ vì đây là bộ mặt quốc gia. Có vấn đề gì xảy ra thì lực lượng này là lực lượng nòng cốt bảo vệ sây bay. Vì vậy tôi đề nghị giao lực lượng này cho Bộ Giao thông Vận tải chứ không phải doanh nghiệp hay cơ quan nào.”

Một số đại biểu đề nghị làm rõ quy định Nhà chức trách hàng không. Theo quy định của luật hiện hành thì Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật này “Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải”. Đa số đại biểu đề nghị, quy định Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là “Nhà chức trách hàng không” để tạo sự thống nhất trong quản lý và điều hành hàng không.

 
Ý kiến của bạn

Bình luận