Quảng Trị đề nghị dời trạm BOT "ép" dân đóng phí 2 triệu/tháng

Ý kiến 17/01/2017 06:18

UBND tỉnh Quảng Trị cũng như người dân địa phương đều bày tỏ bức xúc trước mức thu phí và vị trí đặt trạm BOT tại km763-800 quốc lộ 1.

 

Quảng Trị đề nghị dời trạm BOT ép dân đóng phí 2 t
UBND tỉnh Quảng Trị cũng như người dân địa phương đều bày tỏ bức xúc trước mức thu phí và vị trí đặt trạm BOT tại km763-800 quốc lộ 1. Ảnh: VNE

Thỏa thuận trước khi xây BOT khác

Ngày 13/1, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đã có văn bản chính thức gửi Bộ GTVT và Bộ Tài chính đề nghị giảm giá thu phí cho các phương tiện trên địa bàn tỉnh sử dụng đường bộ qua trạm thu phí BOT Quảng Trị (đóng tại km763-800 quốc lộ 1, đi qua xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Đồng thời di chuyển trạm này về phía nam khoảng 50 km, vị trí giáp ranh giữa huyện Hải Lăng (Quảng Trị) và huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế).

Văn bản do ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ký.

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, việc di dời này vẫn đảm bảo khoảng cách giữa các trạm thu phí tối thiểu 70 km theo quy định của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, vị trí đặt trạm thu phí BOT Quảng Trị hiện nay nằm giữa 3 trung tâm huyện lỵ Triệu Phong, TX Quảng Trị, Hải Lăng (dân số khoảng 230.000 người) và TP.Đông Hà là trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Trị. Vì thế, người dân ở 3 huyện thị phía nam không lưu thông trên tuyến nâng cấp ở phía bắc, nhưng vẫn phải đóng phí cho cả hai nên gây bức xúc lớn.

Văn bản của UBND tỉnh Quảng Trị nêu rõ, việc tăng mức phí qua trạm BOT sẽ gây khó khăn trong đời sống và sản xuất của người dân; phí tăng làm tăng chi phí vận chuyện đường bộ, tăng giá thành sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa gây khó khăn trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Trước đó, ngày 13/12/2016, giá vé qua trạm thu phí BOT Quảng Trị đã tăng thêm từ 15.000 đến 40.000 đồng tuỳ phương tiện. Lý do tăng phí được phía Công ty TNHH BOT Quảng Trị đưa ra là để hoàn vốn cho cùng lúc 2 dự án BOT, gồm dự án phía bắc TP Đông Hà vừa đưa vào sử dụng, và dự án từ TP Đông Hà đi thị xã Quảng Trị sử dụng từ 2013.

Chiều 13/1, trao đổi thêm với Đất Việt, một lãnh đạo của UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, theo quy định thì trước khi đặt trạm BOT, chủ đầu tư dự án và Bộ GTVT đều phải thỏa thuận với địa phương. Với Trạm thu phí BOT Quảng Trị, thỏa thuận ban đầu với giá cả khác, có thể dễ chấp nhận được. Tuy nhiên hiện nay sau khi làm thêm 1 đoạn mới đã tăng thêm phí khiến người dân địa phương bức xúc.

“Nếu thu phí như bình thường thì người dân không ý kiến. Nhưng nhiều người không sử dụng đoạn đường phía ngoài cầu, họ đi từ Đông Hà vào mà phải nộp luôn phí cả hai nên có ý kiến.

Đương nhiên Bộ và chủ đầu tư có thỏa thuận với tỉnh trước khi xây trạm BOT. Nhưng dự án BOT này làm trước khi nâng cấp đường 1. Bây giờ tôi có đề nghị không thu phí đâu mà chỉ là lấy phí ngang bằng bấy lâu này vì có những người  không sử dụng đoạn đường mới xây dựng”, vị lãnh đạo nói.

Vị lãnh đạo cũng chia sẻ, đến thời điểm này Bộ GTVT và Bộ Tài chính chưa có phản hồi chính thức nào về kiến nghị trên của tỉnh.

“Có thể nhiều tỉnh, thành họ cũng có ý kiến như vậy. Nhưng cái đó giải quyết tổng thể hoặc giải quyết cho từng tỉnh. Đó là việc của Trung ương”, ông nói thêm.

Phí cao dân bức xúc

Cùng ngày, trao đổi với phóng viên, anh Lê Hoàng Quân (doanh nghiệp vận tải T.K, huyện Hải Lăng) cho rằng việc phía chủ đầu tư dự án BOT tăng phí thêm đối với các phương tiện khi lưu thông qua đây là hết sức bất hợp lý.

Theo anh Quân, công ty anh hoạt động chủ yếu là xe từ 31 ghế ngồi trở lên và xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn. Chiếu theo quy định mới được đưa ra thì giá vé mỗi chặng đã tăng thêm từ 31.000 đồng đến 40.000 đồng.

“Chúng tôi không sử dụng hết đoạn đường nhưng vẫn phải trả thêm phí cho tuyến nâng cấp ở phía bắc. Điều này là hết sức vô lý. Hàng ngày di chuyển qua lại nhiều lần, nếu cứ thu theo mức này thì doanh nghiệp không thể trụ được. Tôi hoàn toàn đồng tình với kiến nghị của UBND tỉnh Quảng Trị. Đó là phải di dời trạm về phía vị trí giáp ranh giữa huyện Hải Lăng (Quảng Trị) và huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế)”, anh Quân chia sẻ.

Trong khi đó ông Trần Đình Hiếu (TX Quảng Trị) cũng tỏ ra vô cùng bức xúc: “Tôi hiện nay đang sống ở TX Quảng trị. Hàng ngày đi làm tại TP Đông Hà với khoảng cách chỉ 13 km. Nhưng vì quy định của Trạm BOT nên tôi phải mua vế hết 70.000 đồng. Ngày nào ít thì 2 lượt, có hôm nhiều công việc thì phải hơn. Tính đơn giản 1 tháng cũng hết gần 2 triệu đồng. Trong khi đó lương công chức của tôi chỉ ở mức 5 triệu. Tính thêm tiền xăng xe, chi phí bảo dưỡng xe coi như gần hết số lượng. Tôi đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT xem xét lại”.

Ý kiến của bạn

Bình luận