Quản trị chuỗi cung ứng trong xây dựng – thực tiễn áp dụng tại các Cty xây dựng ở VN

23/04/2015 07:13

Quản trị chuỗi cung ứng là một khái niệm được hình thành trong ngành sản xuất để quản lý và kiểm soát các dòng vật chất, tài chính, thông tin trong quá trình sản xuất và đưa sản phẩm tới khách hàng cuối cùng một cách hiệu quả. Ngành Xây dựng trên thế giới bắt đầu tiếp nhận những quan điểm và đưa vào áp dụng phương pháp quản trị chuỗi cung ứng từ cuối những năm 1990.


Tuy nhiên, do đặc thù khác biệt của ngành Xây dựng, việc ứng dụng quản trị chuỗi cung ứng chậm chạp và gặp nhiều khó khăn hơn. Bài báo đề cập tới quan điểm chuỗi cung ứng và quản trị chuỗi cung ứng trong ngành Xây dựng với những hoạt động, lợi ích và hạn chế để từ đó đánh giá hiệu quả của hoạt động quản trị chuỗi cung ứng tại các công ty xây dựng ở Việt Nam.

Từ khóa: Chuỗi cung ứng, quản trị chuỗi cung ứng, hợp tác, tích hợp, ngành Xây dựng.

Abstract: Supply chain management is a concept developed in manufacturing industry to administer and control the flows of goods, finance, and information in the process of manufacturing and delivering products to end customers effectively. Many different industries have rapidly applied the approach of supply chain management and achieved higher effectiveness and efficiency in making business. Construction industry in the world have accessed the viewpoint of supply chain management and applied to construction practices since 1990. However, due to the special features, the application of supply chain management have been slow and faced a lot of difficulties. Over the recent years, construction companies in Vietnam have tried their best to overcome the economic recession in general and in the construction industry in particular to get business effectiveness and efficiency to exist in the construction market. Many companies have moved forward, reengineer their structure, and collaborate with their partners to enhance their business results. This paper makes mention of supply chain and supply chain management in construction with collaboration, benefits, and barriers in order to evaluate the effectiveness of supply chain management activities in construction companies in Vietnam.

Keywords: Supply chain, supply chain management, collaboration, integration, construction industry.

1. Khái niệm, đặc điểm, lợi ich và rào cản của quản trị chuỗi cung ứng trong xây dựng

1.1. Khái niệm chuỗi cung ứng và quản trị chuỗi cung ứng

Theo Thomas Friedmann, tác giả cuốn “Thế giới phẳng” thì chuỗi cung ứng là nghệ thuật và khoa học của sự cộng tác nhằm đem lại những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng. “Chuỗi cung ứng là mạng lưới các tổ chức tham gia vào dòng vận động của nguồn tài nguyên đầu vào, các dòng vật chất được chuyển hóa, dòng tài chính và dòng thông tin từ nhà cung cấp đầu tiên đến tay người tiêu dùng cuối cùng”.

Một chuỗi cung ứng điển hình bao gồm nhiều lớp và tầng khác nhau như nhà cung cấp nguyên vật liệu thô và các bộ phận cấu thành, sản xuất, phân phối và khách hàng. Một hoặc nhiều hơn một công ty, phân bổ ở các vùng địa lý khác nhau, đều có thể tham gia vào các lớp của chuỗi cung ứng như một nhà sản xuất thông thường có thể trở thành một tổ chức trung tâm chính kết nối việc mua, nhận nguyên vật liệu từ các nhà cung cấp, sau đó sản xuất cung ứng sản phẩm cho các nhà phân phối ở lớp sau Hình 1.1 thể hiện mô hình chuỗi cung ứng điển hình trong ngành sản xuất (William J.O’Brien, T.Formoso, Vrijhoef, & A.London, 2009).

h11

Hình 1.1: Mô hình chuỗi cung ứng điển hình trong ngành sản xuất

Quản trị chuỗi cung ứng (QTCCU) được định nghĩa là quản trị một mạng lưới các mối quan hệtrong một tổ chức và giữa các tổ chức phụ thuộc lẫn nhau bao gồm các nhà cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị máy móc, cơ sở vật chất cho sản xuất, dịch vụ logistics, marketing và các hệ thống liên quan khác; để hỗ trợ cho các dòng ngược và xuôi của vật liệu, thiết bị, dịch vụ, tài chính và thông tin từ các nhà cung cấp đầu tiên đến người tiêu dùng cuối cùng với mục tiêu làm tăng giá trị, tối đa hóa lợi nhuận thông qua sự hiệu quả toàn chuỗi và thỏa mãn sự hài lòng của khách hàng (Stock and Boyer, 2009).

1.2. Đặc điểm, lợi ích và rào cản quản trị chuỗi cung ứng trong xây dựng

Ngành Xây dựng đã áp dụng công nghệ và tính phức tạp của nó nhiều năm qua. Một hệ thống xây dựng và chuyển giao các dự án đơn nhất chính là bản chất cốt lõi của ngành Xây dựng. Ngành Xây dựng bị xé lẻ và phân tán bởi một tập hợp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những nhà cung ứng vật tư – thiết bị lớn và nhiều chuyên gia hỗ trợ khác. Chuỗi cung ứng ngành Xây dựng phức tạp bởi mối quan hệ trong ngắn hạn và có tính chất mâu thuẫn bởi định hướng của các quá trình cạnh tranh trong đấu thầu. Chủ dự án đầu tư xây dựng lựa chọn nhà thầu chính thường dựa trên mức giá thầu thấp. Những hành vi cạnh tranh nhau như thế này đã gây ra sự không hài lòng trong toàn bộ chuỗi và dẫn đến mối quan hệ không gắn kết và tối ưu của các thành viên chuỗi cung ứng xây dựng (Benton & Linda, 2010).

Từ giữa những năm 1990, các nhà nghiên cứu và người làm thực tế trong ngành Xây dựng trên thế giới đã dần dịch chuyển từ mô hình quản lý truyền thống sang việc áp dụng triết lý QTCCU trong hoạt động trong ngành Xây dựng trở nên hiệu quả hơn. Quản trị chuỗi cung ứng trong xây dựng tập trung vào những chiến lược quản trị tinh gọn, cung ứng đúng lúc, đánh giá nhà cung ứng, lựa chọn nhà thầu phụ, quản trị mối quan hệ với nhà thầu phụ và nhà cung cấp, chia sẻ thông tin và quản trị chất lượng dự án. Trong một dự án xây dựng, chuỗi cung ứng có thể đơn giản được nhìn nhận với chủ đầu tư/khách hàng ở vị trí đầu tiên theo sau bởi các nhà thiết kế, nhà thầu, các nhà thầu chuyên trách/thầu phụ, các nhà cung ứng… hình thành nên các lớp khác nhau của chuỗi cung ứng xây dựng. Nhu cầu có thể được nhìn nhận như một dòng chảy trong chuỗi dưới hình thức thông tin như các bản tóm tắt của dự án, bản vẽ, lịch trình tiến độ, thứ tự công việc… với những dòng hàng hóa và nguyên vật liệu lưu thông trong chuỗi cung ứng (McCaffer và Root 2000).

Quản trị chuỗi cung ứng mang nhiều lợi ích cho ngành Xây dựng ở nhiều nước trên thế giới như tiết kiệm chi phí, giảm lãng phí, nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ, gia tăng sự hài lòng của khách hàng… Tuy nhiên, những rào cản trong việc thực hiện cũng đã hạn chế việc khai thác và sử dụng phương pháp quản trị chuỗi cung ứng trong xây dựng ở nhiều nước đang phát triển như mô hình quản lý xây dựng truyền thống với tinh thần chủ nghĩa cá nhân và đối nghịch nhau trong Ngành (Mcdermott & Buhu, 1990); sự tham gia của nhiều thành viên trong quá trình xây dựng, giai đoạn thiết kế và thi công xây dựng thường tách rời nhau; thiếu tinh thần hợp tác hai bên cùng có lợi (win – win); thiếu sự cam kết và hỗ trợ của các nhà quản trị trong thực hiện liên kết chuỗi cung ứng, thiếu sự tin cậy và chia sẻ thông tin giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng xây dựng, thiếu sự hỗ trợ về công nghệ thông tin trong xây dựng (Akintoye, Mcintosh, & Fitzgerald, 2000).

2. Đánh giá hiệu quả hoạt động quản trị chuỗi cung ứng tại các công ty xây dựng Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại thời điểm 01/01/2013, tổng số doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các lĩnh vực của Ngành là 68.649 doanh nghiệp (46.500 DN xây dựng, 2.829 DN sản xuất VLXD, 12.681 DN tư vấn xây dựng và 6.639 DN kinh doanh BĐS). Những năm đầu thế kỷ 21, ngành Xây dựng đã có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế, là một trong những ngành chủ lực có đóng góp khá cao vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) với mức đóng góp khoảng 5% – 7%. Nhiều doanh nghiệp đã tự vận động, tái cấu trúc, đồng thời kết hợp tốt hơn với các đối tác trong quá trình kinh doanh nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

2.1. Thiết lập mô hình nghiên cứu để đánh giá hiệu quả hoạt động chuỗi cung ứng

Từ việc phân tích các lý thuyết liên quan đến chuỗi cung ứng, quản trị chuỗi cung ứng, đặc điểm của ngành Xây dựng cũng như các lợi ích, rào cản và hoạt động liên kết trong quản trị chuỗi cung ứng, nhóm nghiên cứu đề xuất các giả thuyết và xây dựng mô hình đánh giá hiệu quả hoạt động QTCCU trong ngành Xây dựng (Hình 2.1) thông qua các lý thuyết mới rút ra (biến tiềm ẩn) bao gồm: Mô hình quản lý dự án (MHQLDA), hiểu biết về QTCCU (HBQTCCU), các hoạt động liên kết trong chuỗi (HĐLK), cũng như rào cản tới hiệu quả hoạt động QTCCU (RC). Mô hình được xây dựng dựa trên 4 giả thuyết sau đây:

h21

Hình 2.1: Mô hình lý thuyết đánh giá hiệu quả hoạt động quản trị chuỗi cung ứng

Giả thuyết 1 (H1): Yếu tố mô hình quản lý dự án (MHQLDA) có ảnh hưởng tích cực tới hiệu quả hoạt động của quản trị chuỗi cung ứng (HQQTCCU).

Giả thuyết 2 (H2): Yếu tố nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng QTCCU (HBQTCCU) tác động tích cực tới hiệu quả hoạt động hoạt động quản trị chuỗi cung ứng.

Giải thuyết 3 (H3): Các hoạt động liên kết trong quản trị chuỗi cung ứng (HĐLK) có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động QTCCU.

Giả thuyết 4 (H4): Các rào cản hạn chế (RC) có ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động QTCCU.

2.2. Kiểm soát số liệu và đánh giá hiệu quả của hoạt động quản trị chuỗi cung ứng tại các công ty xây dựng Việt Nam

Tất cả khái niệm trong mô hình lý thuyết đều sử dụng thang đo 5 cấp bậc với các nội dung khác nhau liên quan đến các mô hình quản lý, hoạt động liên kết, rào cản và hiệu quả của quản trị chuỗi cung ứng trong xây dựng nghiệp (trừ thang đo thứ bậc của MHQLDA và HBQTCCU). Các thang đo khái niệm lý thuyết được tiến hành kiểm tra độ tin cậy thông qua phân tích nhân tố khám phá thông qua phần mềm thống kê phân tích xã hội (SPSS) và ước lượng mô hình bằng phương pháp phân tích cấu trúc tuyến tính (AMOS) đều đạt các ngưỡng yêu cầu.

Qua kết quả phân tích, có thể thấy hiện nay QTCCU cũng được các công ty xây dựng ở Việt Nam quan tâm hơn. Có tới 31,7% các công ty trả lời là đã có nhiều thông tin về QTCCU, đã thực hiện nhiều hoạt động và thấy rằng QTCCU có tác động rất quan trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng. Có 49% và các công ty xây dựng trả lời là họ tiếp cận một số thông tin về QTCCU, đã thực hiện một số hoạt động và cho rằng QTCCU có tác động một phần đến hoạt động của doanh nghiệp trong ngành Xây dựng. Tuy nhiên, khoảng  20% công ty cũng khá bàng quan và chưa quan tâm tới hoạt động QTCCU.

Các lợi ích (hiệu quả) mà các công ty xây dựng đạt được khi thực hiện hoạt động quản trị chuỗi cung ứng bao gồm cắt giảm chi phí trong quá trình xây dựng (85,7% công ty trả lời đồng ý); giảm lãng phí trong quá trình xây dựng (68,5%); đảm bảo thực hiện đúng tiến độ (85,7%); chất lượng và dự toán công trình (81%); đảm bảo cung ứng vật tư kịp thời (91,5%); kiểm soát và giảm tồn kho (77,1%); nâng cao sự hài lòng khách hàng (85%); giảm thiểu rủi ro (81%); giảm các tranh chấp và mâu thuẫn phát sinh giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng (91,5%).

Có tới 53,6% các công ty lựa chọn mô hình quản lý dự án xây dựng truyền thống là cách tiếp cận của mình trong quản lý hoạt động xây dựng, còn lại 8% theo cách tiếp cận chủ đầu tư tự quản lý dự án, 11% theo cách tiếp cận hợp đồng chìa khóa trao tay, 7% theo cách tiếp cận quản lý xây dựng chuyên nghiệp.

Phần lớn các công ty xây dựng được khảo sát, đặc biệt là các nhà thầu đều thống nhất đồng ý cao ở một số rào cản ảnh hưởng và hạn chế thực hiện QTCCU như: Tính chất của Ngành như tính phân tán (giá trị trung bình về sự đồng ý = 2,89), quá trình xây dựng đòi hỏi những yêu cầu khác nhau về con người, công nghệ và dịch vụ (3,74), sự tham gia của quá nhiều các thành viên trong quá trình xây dựng (3,94), giai đoạn thiết kế và thi công xây dựng thường tác rời nhau (3,89), mỗi công ty tham gia chuỗi cung ứng xây dựng hoạt động theo cách thức riêng (4,03); mối quan hệ win – win giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng còn kém (4,17); thiếu sự cam kết và hỗ trợ của các nhà quản trị trong thực hiện liên kết chuỗi cung ứng (4,06); thiếu sự tin cậy và chia sẻ thông tin giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng xây dựng (3,83).

Phần lớn các doanh nghiệp tham gia liên kết đều có mức độ hợp tác bình thường với các đối tác khác trong các giai đoạn của quá trình xây dựng (Giá trị trung bình về mức độ chặt chẽ = 3,52). Việc hợp tác để chia sẻ và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thi công, cũng như hợp tác để đảm bảo tiến độ, chất lượng và trong dự toán ngân sách công trình được đánh giá ở mức độ khá cao. Giá trị trung bình của sự liên kết chuỗi này giao động từ 3,91 – 4,06.

Phân tích các mô hình đo lường đã được điều chỉnh cho thấy các chỉ số có chất lượng tốt và có được các giá trị của độ tin cậy và hợp lý lớn hơn giá trị ngưỡng đề nghị, điều này khẳng định đây là một mô hình phù hợp và nên được chấp nhận để tiếp tục phân tích mô hình cấu trúc nhằm kiểm định các giả thuyết.

Trong bốn giả thuyết giải thích sự tác động đến hiệu quả quản trị chuỗi cung ứng chỉ có hai giả thuyết được xác nhận là đúng và có ý nghĩa. Mức độ liên kết giữa các đối tác trong QTCCU (H3 : β = 0,976, t = 3,971, p <0.001) và HBQTCCU (H2:  β = 0,625, t = 2,586, p <0.001) được chứng minh có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tích cực ở mức độ mạnh đến hiệu quả của QTCCU trong các doanh nghiệp xây dựng. Đây là một kết luận được xác nhận là có ý nghĩa lớn đối với các doanh nghiệp xây dựng, bởi từ trước đến nay việc phát triển các mối quan hệ trong các giai đoạn của dự án xây dựng giữa các đối tác chưa được đo lường cụ thể. Phần lớn các mối quan hệ vẫn dựa nhiều trên quan điểm nhóm lợi ích được hình thành trong mạng lưới liên kết lâu năm. Một mạng lưới liên kết chính thống cần phải được xem xét, thiết lập để khai thác được sự hiệu quả của liên kết đối tác trong thực hiện hoạt động xây dựng.

Hai giả thuyết còn lại về mối quan hệ giữa mô hình quản lý dự án (H1 : β = 0,578, t = 1,529, p >0,1) và rào cản hạn chế (H4: β = 0,342, t = 1,431, p >0,152) không được xác định là có ý nghĩa về mặt thống kê mặc dù giá trị ảnh hưởng là tích cực. Những vấn đề này cần được nghiên cứu tiếp với số mẫu lớn hơn để đưa ra những kết luận chính xác về ảnh hưởng của chúng đối vơi hoạt động QTCCU trong ngành Xây dựng ở Việt Nam.

3. Đề xuất một số giải pháp

Kết quả với các số liệu định lượng giúp cho nhóm nghiên cứu khẳng định được vai trò của nhận thức về QTCCU và thực tiễn hoạt động QTCCU đối với sản xuất kinh doanh trong ngành Xây dựng. Từ đó, nhóm nghiên cứu mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau đây:

Thay đổi tư duy và cải tổ tư duy hiện tại của các đối tác trong chuỗi cung ứng xây dựng. Trong liên kết đối tác, các bên nên hoạt động dựa trên tinh thần hai bên cùng có lợi, cam kết để cải tiến liên tục và chia sẻ lợi ích bằng việc trao đổi thông tin liên quan một cách cởi mở và bằng việc giải quyết vấn đề với nhau hơn là tìm kiếm một đối tác thương mại mới.

Đề xuất mô hình quản trị chuỗi cung ứng tích hợp trong ngành Xây dựng: Với mô hình này chuỗi cung ứng xây dựng được thể hiện thông qua một mô hình mạng lưới giúp cho những thành viên tham gia hiểu được sự phức tạp, hỗ trợ việc tái cấu trúc và điều chỉnh, xác định những nút cổ chai còn tắc nghẽn, sử dụng và phân bổ các nguồn lực hợp lý trong chuỗi.

Đề xuất mô hình trao đổi thông tin chung và cộng tác để hình thành các ngân hàng hoặc sàn giao dịch (đánh giá, xếp hạng, trao đổi) giữa các chủ đầu tư, các nhà thầu và nhà cung ứng trong ngành Xây dựng.

Cần thực hiện các chương trình đào tạo với những nội dung phù hợp và cho tất cả các cấp khác nhau trong ngành Xây dựng từ đối tượng là chủ đầu tư, công ty tư vấn thiết kế, nhà thầu chính, nhà thầu phụ, các nhà cung cấp và các đối tác khác. Các chương trình đào tạo cần bổ sung các kiến thức về hệ thống MRP, MRPII, JIT… tầm quan trọng của mối quan hệ giữa các bộ phận trong chuỗi, phương pháp điều phối hoạt động, quản lý sự thay đổi, quản lý rủi ro, phát triển bền vững…

4. Kết luận

Ngành Xây dựng là một trong các ngành kinh tế chủ chốt, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, nhất là trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngành Xây dựng tạo ra các điều kiện cơ sở vật chất cơ bản cho sự phát triển và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Qua nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn, bài báo đã chỉ ra được nhận thức về quản trị chuỗi cung ứng và thực tiễn áp dụng hoạt động quản trị chuỗi cung ứng tại các công ty xây dựng. Những kết quả từ nghiên cứu đã chỉ mức độ nhận thức còn hạn chế và các hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng chưa hoàn toàn dựa trên tinh thần hợp tác hai bên cùng có lợi (win – win) và tích hợp có tính chiều sâu. Từ đó, bài báo đã đề xuất một số giải pháp phần nào giúp doanh nghiệp nhận thức đầy đủ, thống nhất và quan tâm đúng mực đến việc thực hiện hoạt động QTCCU trong hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Xây dựng.

 

Tài liệu tham khảo

[1]. Akintoye, A., Mcintosh, G. & Fitzgerald, E. (2000), A survey of supply chain collaboration and management in the UK construction industry

Ý kiến của bạn

Bình luận