Quan chức Indonesia tiết lộ gây sốc sau thảm họa sóng thần

Xã hội 25/12/2018 06:52

Hệ thống phao cảnh báo sóng thần của Indonesia đã không hoạt động từ năm 2012, một quan chức nước này ngày 24/12 cho biết, hai ngày sau khi thảm họa sóng thần tấn công khu vực Eo biển Sunda giữa hai quần đảo Sumatra và Java khiến hàng trăm người thiệt mạng.

 

photo-1-15456353672471235137455
Trận sóng thần không đi kèm động đất khiến nó không có dấu hiệu cảnh báo trước nào. (Ảnh: Twitter)

“Sự phá hoại, thiếu ngân sách, các lỗi kỹ thuật đã khiến hệ thống phao cảnh báo sóng thần gần đây không được sử dụng” – người phát ngôn cơ quan thảm họa quốc gia Indonesia, Sutopo Purwo Nugroho nói trong một loạt bài đăng trên mạng xã hộiTwitter.

Vì vậy không có hệ thống cảnh báo nào hoạt động vào đêm sóng thần đổ bộ, ông Nugroho cho biết.

Người phát ngôn nói hệ thống phải được phát triển trở lại để đảm bảo Indonesia có một hệ thống cảnh báo sớm sóng thần có thể “được kích hoạt với hoạt động sạt lở dưới biển và núi lửa phun trào.” Không có hệ thống này có thể khiến cơ quan chức năng không phát hiện được sóng thần kịp thời, ông nói thêm.

Ông Nugroho cho biết Indonesia chưa có một hệ thống cảnh báo có thể phát hiện các hoạt động sạt lở và núi lửa phun dưới đáy biển, mà mới chỉ có hệ thống phát hiện động đất. “127 núi lửa, hay 13% núi lửa trên toàn thế giới nằm ở Indonesia. Một số nằm ở dưới biển và là các đảo nhỏ mà khi phun trào có thể gây ra sóng thần.”

Sẽ là một thách thức lớn đối với các cơ quan chính phủ Indonesia cũng như các viện nghiên cứu để phát triển được một hệ thống cảnh báo phù hợp, ông nói.

Những thảm họa tự nhiên khác, bao gồm sạt lở đất, núi lửa phun trào, cháy rừng hạn hán và lốc xoáy cũng cần có hệ thống cảnh báo, theo người phát ngôn. Ông nói người dân Indonesia sẽ có thông tin trước thảm họa nhờ những hệ thống này.

Hơn 200 người thiệt mạng và hơn 800 người khác bị thương sau khi trận sóng thần đổ bộ quần đảo Sumatra và Java đêm 22/12, cơ quan chức năng Indonesia cho biết. Các chuyên gia cảnh báo một trận sóng thần khác có thể tấn công Indonesia khi hoạt động núi lửa của núi Anak Krakatoa vẫn chưa dừng lại.

Ý kiến của bạn

Bình luận