Phòng chống thiên tai trong lĩnh vực hàng hải:Khắc phục hậu quả thiên tai

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 04/10/2019 15:29

Phòng ngừa thiên tai trong lĩnh vực hàng hải là các hoạt động được tiến hành trước khi thiên tai xảy ra để cảnh báo, thông báo, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nhân lực, phương tiện, thiết bị, hậu cần, biện pháp sơ tán nhằm bảo vệ con người, tài sản và môi trường. Nhằm ứng phó thiên tai trong lĩnh vực hàng hải là các biện pháp cần thiết, kịp thời, thích hợp để cứu người, tài sản, bảo vệ môi trường trong khu vực xảy ra thiên tai nhằm giảm tới mức thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra, mới đây Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 10/2019/TT-BGTVT ngày 11/3/2019 về phòng chống thiên tai trong lĩnh vực hàng hải. Tạp chí GTVT tiếp tục trích lược đăng tải Thông tư này.

 

tim kim cuu nan hnag hai

Nhiệm vụ chung trong khắc phục hậu quả thiên tai

Cứu, tìm kiếm người mất tích, tàu thuyền và tài sản khác; khắc phục sự cố hư hỏng các kết cấu hạ tầng cảng biển, trang thiết bị, các phương tiện vận tải, các công trình bảo đảm an toàn hàng hải; sửa chữa máy móc thi công, thực hiện các biện pháp phục hồi sản xuất; sửa chữa, phục hồi hệ thống thông tin liên lạc; thực hiện vệ sinh môi trường, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ, ổn định đời sống CB, CNV, nhân dân vùng bị thiên tai; thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, báo cáo rút kinh nghiệm; lập dự toán kinh phí, thanh toán, quyết toán chi phí khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định.

Nhiệm vụ cụ thể trong khắc phục hậu quả thiên tai

Khắc phục ách tắc luồng hàng hải:

Cảng vụ hàng hải chủ trì tổ chức khắc phục sự cố ách tắc luồng hàng hải và điều tiết giao thông trên luồng. Các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp hàng hải trong khu vực có nhiệm vụ đáp ứng kịp thời yêu cầu về nhân lực, trang thiết bị và phương tiện để nhanh chóng khắc phục sự cố ách tắc luồng hàng hải.

Trục vớt tài sản chìm đắm:

Thực hiện các quy định của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

Tổ chức nạo vét đoạn luồng bị sạt lở, bồi lắng do ảnh hưởng của thiên tai:

Ngay sau khi luồng hàng hải bị cạn do thiên tai gây sạt lở, bồi lắng gây ách tắc luồng phải thực hiện các công việc sau:

- Cảng vụ hàng hải: Tổ chức bố trí lực lượng, phương tiện điều tiết bảo đảm ATGT khu vực; chủ trì, phối hợp với tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải để thống nhất điều chỉnh hướng tuyến, phao báo hiệu tạm thời để bảo đảm an toàn, không gây ách tắc luồng; kiểm tra, giám sát việc điều chỉnh hướng tuyến và phao báo hiệu hàng hải của tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải; phê duyệt phương án bảo đảm an toàn hàng hải theo quy định của pháp luật và kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công nạo vét khắc phục sạt lở, bồi lắng do thiên tai gây ra.

Các tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải: Thực hiện việc dịch chuyển luồng hàng hải và phao báo hiệu hàng hải trong trường hợp điều chỉnh hướng tuyến tạm thời sau khi có ý kiến thống nhất của Cục Hàng hải Việt Nam. Trong trường hợp phải thực hiện khắc phục ngay việc nạo vét tuyến luồng do sạt lở, bồi lắng do sự cố thiên tai gây ra, các tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải có trách nhiệm rà soát, đề xuất phương án nạo vét báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, quyết định.

Khôi phục hoạt động của hệ thống đài thông tin duyên hải:

Trong thời gian xảy ra thiên tai, nếu có sự cố đối với hệ thống phát sóng, Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam phải nhanh chóng đưa vào sử dụng hệ thống dự phòng để bảo đảm thông tin liên tục 24/24 giờ. Ngay sau khi có tổn thất do thiên tai gây ra, Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam phải nhanh chóng sửa chữa hư hỏng kết cấu hạ tầng, trang thiết bị để hệ thống đài thông tin duyên hải vận hành an toàn, liên tục.

Khôi phục hoạt động của hệ thống báo hiệu hàng hải:

Sau khi thiên tai xảy ra, các tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải phải tổ chức thực hiện: Kiểm tra, đưa phao báo hiệu bị trôi dạt về đúng vị trí, khôi phục báo hiệu hư hỏng để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên luồng; kịp thời khôi phục các đặc tính kỹ thuật của báo hiệu hàng hải, hệ thống chập tiêu, các công trình chỉnh trị luồng và các hệ thống báo hiệu hàng hải khác; kịp thời công bố thông báo hàng hải về sự thay đổi các đặc tính kỹ thuật của luồng, các báo hiệu hàng hải và tài sản chìm đắm trên luồng do ảnh hưởng của thiên tai; thực hiện chỉ đạo của Cục Hàng hải Việt Nam, cảng vụ hàng hải tại khu vực trong việc điều động phương tiện, trang thiết bị tham gia giải tỏa ách tắc và điều tiết giao thông; điều chỉnh báo hiệu hàng hải, lắp đặt phao cảnh báo nguy hiểm.

Khôi phục kết cấu hạ tầng hàng hải:

Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo sửa chữa khôi phục kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng; doanh nghiệp cảng biển tổ chức sửa chữa khôi phục kết cấu hạ tầng thuộc trách nhiệm quản lý của doanh nghiệp như: Vùng quay trở tàu, vùng nước trước cầu cảng, nhà xưởng, kho, bãi nhằm sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ứng phó sự cố tràn dầu:

Thực hiện theo các quy định của Chính phủ về ứng phó sự cố tràn dầu.

Thực hiện vệ sinh môi trường:

Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia vệ sinh môi trường để phòng chống ô nhiễm, dịch bệnh sau thiên tai; cảng vụ hàng hải phối hợp với cơ sở y tế thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai.

Tổ chức thống kê thiệt hại, thanh toán, quyết toán chi phí khắc phục hậu quả thiên tai:

Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam gửi báo cáo thống kê thiệt hại, báo cáo thanh toán, quyết toán chi phí khắc phục hậu quả thiên tai về Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, giải quyết hoặc báo cáo Bộ GTVT giải quyết theo thẩm quyền; cảng vụ hàng hải xác nhận thiệt hại, hậu quả thiên tai cho các đơn vị, doanh nghiệp hàng hải

Ý kiến của bạn

Bình luận