Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu

An toàn giao thông 19/03/2015 12:43

Biến đổi khí hậu và tình trạng trái đất ấm lên được cảnh báo sẽ làm cho thiên tai trở nên tồi tệ hơn trên phạm vi toàn cầu. Ở cấp độ quốc gia, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cùng với sự gia tăng dân số càng làm gia tăng các nguy cơ, hiểm họa trước thiên tai.


quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cùng với sự gia tăng dân số càng làm gia tăng các nguy cơ, hiểm họa trước thiên tai.

quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cùng với sự gia tăng dân số càng làm gia tăng các nguy cơ, hiểm họa trước thiên tai.

1. Sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống thiên tai

Việt Nam với khí hậu nhiệt đới gió mùa nằm ở một trong 5 ổ bão lớn của thế giới, hàng năm phải đối mặt với nhiều loại thiên tai xảy ra. Những năm gần đây, diễn biến thiên tai và thời tiết ở Việt Nam ngày càng có nhiều biểu hiện bất thường và phức tạp. Biến đổi khí hậu và tình trạng trái đất ấm lên được cảnh báo sẽ làm cho thiên tai trở nên tồi tệ hơn trên phạm vi toàn cầu. Ở cấp độ quốc gia, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cùng với sự gia tăng dân số càng làm gia tăng các nguy cơ, hiểm họa trước thiên tai.

Những năm qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một số luật, pháp lệnh liên quan đến phòng, chống thiên tai bao gồm: Luật Tài nguyên nước năm 1998, Luật Đê điều năm 2006; Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão năm 1993 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão năm 2000, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi năm 2001 và một số luật, pháp lệnh có liên quan khác. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định hướng dẫn thi hành, trong đó có: Nghị định số 08/2006/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng chống lụt bão sửa đổi, bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000; Nghị định số 50/NĐ-CP quy định về quy chế thành lập và hoạt động của Quỹ Phòng chống lụt bão của địa phương; Nghị định số 14/2000/NĐ-CP quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của các bộ, ngành và địa phương (thay thế cho Nghị định số 168/1990/NĐ-HĐBT); Nghị định số 04/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão; Nghị định số 113/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều… Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quyết định về quy chế, cơ chế, chính sách trong phòng, chống thiên tai.

Hệ thống văn bản pháp luật nêu trên đã đi vào cuộc sống, trở thành công cụ pháp lý quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, qua tổng kết tình hình thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai trong thời gian qua cho thấy các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam còn có những bất cập chính như sau:

- Thứ nhất, chưa có một đạo luật chung điều chỉnh công tác phòng, chống các loại thiên tai. Các văn bản pháp luật chủ yếu mới điều chỉnh về phòng, chống lũ, ngập lụt, nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sạt lở đất do mưa, lũ, bão và sóng biển gây ra, còn việc phòng, chống các loại thiên tai khác chưa được pháp luật quy định hoặc chỉ được quy định ở các văn bản có hiệu lực pháp lý chưa cao: Pháp lệnh Phòng chống lụt bão điều chỉnh trực tiếp công tác phòng chống đối với “lũ, ngập lụt, nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sạt lở đất do mưa, lũ, bão và sóng biển gây ra”. Luật Tài nguyên nước cũng quy định về phòng chống các tai nạn liên quan tới nước, bao gồm lụt, bão, ngoài ra còn điều chỉnh thêm về phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, tràn, mưa đá, mưa a-xít (không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh Phòng chống lụt bão). Công tác phòng, chống động đất, sóng thần được quy định tại Quy chế phòng chống động đất, sóng thần do Chính phủ ban hành (2006). Một số loại thiên tai thường xảy ra ở Việt Nam và tác động không nhỏ tới đời sống kinh tế, xã hội nhưng lại chưa có văn bản riêng điều chỉnh về công tác phòng, chống như: Nắng nóng, rét đậm, rét hại…

- Thứ hai, trong hệ thống pháp luật hiện nay còn thiếu các quy định và chế tài cụ thể về lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của bộ, ngành và địa phương, dẫn đến giải pháp phát triển thiếu đồng bộ và bền vững trước thiên tai, nhiều công trình hạ tầng dễ bị hư hỏng, xuống cấp, một số gây cản trở thoát lũ hoặc làm tăng nguy cơ sạt lở.

- Thứ ba, chưa có quy định về việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai, dẫn đến không chú trọng bố trí nguồn lực tương xứng. Khi thiên tai xảy ra mới tập trung ứng phó và khắc phục thiệt hại. Do đó, việc sử dụng nguồn lực cho phòng, chống thiên tai kém hiệu quả.

- Thứ tư, chưa có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai của cộng đồng dẫn đến nhiều người dân không biết hoặc không tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống thiên tai.

- Thứ năm, trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu chính quyền địa phương chỉ mới được quy định ở các văn bản hướng dẫn hiệu lực pháp lý thấp. Do đó, có tình trạng một số địa phương, nhất là cấp xã, chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm, thiếu chủ động trong phòng, chống thiên tai.

- Thứ sáu, quan điểm của Đảng chỉ đạo về phòng chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được thể hiện rõ trong các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bổ sung và phát triển năm 2011; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 nhưng chưa được thể hiện hóa kịp thời, đầy đủ trong các văn bản pháp luật.

- Thứ bảy, một số điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như Nghị định thư Kyoto và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Khung hành động Hyogo về giảm nhẹ thiên tai, Hiệp định ASEAN về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp (AADMER)… chưa được nội luật hóa trong các văn bản pháp luật của Việt Nam.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, cần thiết phải xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Luật phòng, chống thiên tai. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khoá XIII đã thông qua Luật phòng, chống thiên tai. Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố số 07/2013/L-CTN ngày 28 tháng 6 năm 2013 và Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2014.

2. Quan điểm chỉ đạo xây dựng luật 

Luật phòng, chống thiên tai năm 2013 được xây dựng dựa trên những quan điểm sau:

Một là, thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia; phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước và từng địa phương trong giai đoạn hiện nay và các năm tiếp theo.

Chủ trương của Đảng về công tác phòng, chống thiên tai đã được khẳng định tại Nghị quyết số 26 NQ/TƯ ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã nhấn mạnh mục tiêu “Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chủ động triển khai một bước các công trình giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu và nước biển dâng…”. Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16/11/2007 với mục tiêu chung là huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác PCTT từ nay đến năm 2020, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường và di sản văn hóa, góp phần quan trọng bảo đảm phát triển bền vững của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chiến lược cũng khẳng định, công tác giảm nhẹ thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, huy động mọi nguồn lực của cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện, xác định ưu tiên đầu tư cho công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai là yếu tố quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững, kết hợp giữa các giải pháp công trình và phi công trình, đảm bảo hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan môi trường, đồng thời thúc đẩy thực hiện việc lồng ghép hoạt động giảm nhẹ thiên tai vào trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng vùng, từng lĩnh vực, quốc gia; song song với đó, thúc đẩy thực thi nghiên cứu và đánh giá một cách toàn diện các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng và những hiện tượng bất thường khác của khí hậu để có giải pháp, cân đối nguồn lực để thực hiện.

Hai là, kế thừa và pháp điển hóa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đồng thời bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật nhằm tăng giá trị pháp lý của các quy định này.

Ba là, phù hợp với những thông lệ và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.

Bốn là, dựa trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn về phòng, chống thiên tai giai đoạn trước.

Vũ Bình

Ý kiến của bạn

Bình luận