Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Phải ứng xử nghiêm khắc hơn với các vi phạm giao thông

Xã hội 09/01/2024 16:06

Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Lưu Quang yêu cầu phải triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, trong đó phải "ứng xử nghiêm khắc hơn" với các vi phạm giao thông, thúc đẩy giải pháp phạt nguội vốn đang có hiệu quả tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đã làm.

Đánh giá đúng thực trạng vi phạm giao thông để có giải pháp căn cơ

Hôm nay (9/1) tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm TTATGT năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Phải ứng xử nghiêm khắc hơn với các vi phạm giao thông- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm TTATGT năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia - Ảnh: VGP/Hải Minh

Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2023, TNGT tại Việt Nam tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 về số vụ và số người chết. Cụ thể: Giảm 1.285 vụ (-5,5%), giảm 1.922 người chết (-14,18%).

Cả nước có 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 11 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Thừa Thiên - Huế, Lai Châu, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Hòa Bình, Đà Nẵng, Bến Tre, Điện Biên.

Đặc biệt, tại 2 thành phố lớn nhất cả nước là TP. Hà Nội và TP. HCM tai nạn giao thông đều giảm sâu. Trong đó, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 1.248 vụ TNGT, làm 710 người chết, 823 người bị thương; so với cùng kỳ 2022 giảm 144 vụ (10,3%), giảm 39 người chết (5,2%), giảm 43 người bị thương (5,0%).

Còn tại TP. HCM xảy ra 1.734 vụ TNGT, làm 663 người chết và 271 người bị thương; so với cùng kỳ 2022, giảm 411 vụ (-19,2%), giảm 116 người chết (-14,9%) và giảm 271 người bị thương (-20,5%).

Tuy nhiên, có 28 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 12 tỉnh tăng trên 30% là Hưng Yên, Lạng Sơn, Kon Tum, Trà Vinh, Sơn La, Nam Định, Long An, Phú Thọ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Tây Ninh. Ngoài ra, có 6 tỉnh có số người chết tăng trên 80% trở lên là: Long An, Phú Thọ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc và Tây Ninh.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Lưu Quang yêu cầu phải triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, trong đó phải ứng xử nghiêm khắc hơn với các vi phạm, thúc đẩy giải pháp phạt nguội vốn đang có hiệu quả tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đã làm.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác bảo đảm TTATGT, trong đó người đứng đầu phải làm gương. "Các lực lượng chức năng phải phối hợp với nhau tốt hơn nữa, kiên quyết từ chối bất kỳ sự "gửi gắm" nào, bởi nếu giữ được sự nghiêm túc của mình thì chắc chắn mọi việc sẽ tốt đẹp hơn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác ATGT để tăng tính minh bạch, giảm tải áp lực cho các lực lượng chức năng, qua đó cũng giúp các lực lượng chức năng phản ứng kịp thời hơn.

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị các địa phương thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá trung thực thực trạng vi phạm TTATGT ở địa phương mình để có giải pháp căn cơ, tránh hình thức, bệnh thành tích; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cách làm hay để có thể áp dụng ngay trong thực tế tại địa phương mình thay vì đến các cuộc họp, tổng kết mới chia sẻ; triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT ngay trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới.

Việt Nam nằm trong top 45 quốc gia có tỷ lệ nạn nhân tử vong do TNGT đường bộ giảm trên 30%

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Phải ứng xử nghiêm khắc hơn với các vi phạm giao thông- Ảnh 2.

Lực lượng chức năng ra quân Năm An toàn giao thông 2024, sáng 9/1

Trước đó, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, ngày 13/12/2023 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức công bố Báo cáo ATGT đường bộ toàn cầu 2023. Theo báo cáo này, cơ quan thường trực về ATGT của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Việt Nam là 1 trong số 45/193 quốc gia thành viên có tỷ lệ nạn nhân tử vong do TNGT đường bộ giảm trên 30% trong giai đoạn 2011-2020.

"Tỷ lệ số người tử vong trên của Việt Nam đã giảm từ 25,4 người/100.000 dân vào năm 2010 xuống còn 17,7 người/100.000 dân vào năm 2021 (giảm 43,5%)", theo tính toán của WHO.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, bên cạnh những kết quả đạt được, năm vừa qua, vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình là tại Quảng Nam xảy ra 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 19 người chết, 25 người bị thương.

Ngoài ra, số người bị thương do tai nạn giao thông còn tăng. Vi phạm về hành lang ATGT đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời. Tình trạng tụ tập, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố. Tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường, gây mất ATGT chưa được xử lý triệt để. Tình trạng ùn tắc giao thông có xu hướng gia tăng tại các đô thị lớn. Hành vi chống người thi hành công vụ gia tăng.

Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế nêu trên là do hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT ở một số địa phương còn hạn chế; ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, có nơi ỷ lại hoàn toàn vào lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, tại một số địa phương, sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, coi việc bảo đảm chỉ là trách nhiệm của ngành GTVT và công an.

Vi phạm nồng độ cồn chiếm 23,04%

Năm 2023, các lực lượng công an đã ra quân thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại các địa phương với tinh thần "không có ngoại lệ, không có vùng cấm". Kết quả, đã xử lý 770.374 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 23,04% tổng số vi phạm), trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ công chức, viên chức, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang.


Ý kiến của bạn

Bình luận