Phó ban ATGT TP HCM: 'Vỉa hè bị chiếm có thể do bảo kê'

Hoạt động Ban ATGT 31/05/2018 07:18

Ông Nguyễn Ngọc Tường khẳng định vỉa hè bị tái chiếm là do sự buông lỏng, thậm chí có thể do địa phương bao che, bảo kê.

 

chiem-via-he-1-1513655853-1200-6843-1970-152766146
Vỉa hè Sài Gòn nhiều nơi bị chiếm như chưa từng có các đợt ra quân ồn ào năm ngoái. Ảnh: Duy Trần.

Sáng 30/5, báo cáo tại cuộc họp tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng 5 tháng đầu năm, Phó ban chuyên trách An toàn giao thông TP HCM Nguyễn Ngọc Tường cho biết, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường vẫn tái diễn dù lãnh đạo thành phố rất quan tâm.

Bản thân ông đi thực tế cả ngày lẫn đêm, chứng kiến tình trạng buôn bán lấn chiếm hết vỉa hè không có lối cho người đi bộ, điển hình như phường 12, 13 quận Bình Thạnh; phường 1 quận Gò Vấp; đường Nguyễn Thị Thập, quận 7... và hàng loạt quận trung tâm khác. "Đáng lẽ khi báo chí phản ánh, chủ tịch quận huyện, phường xã phải có động thái khắc phục chứ không nên để cho lãnh đạo thành phố phải nhắc nhở", ông Tường nói.

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, Phó ban ATGT thẳng thắn: "Có thể có người bảo kê, bao che dung túng hoặc do người đứng đầu địa phương buông lỏng địa bàn, năng lực quản lý yếu kém...". Vì vậy các cơ quan chức năng cần tìm hướng giải quyết, lập lại trật tự vỉa hè, không thể để sự việc rơi vào im lìm.

Về tình hình giao thông, ông Tường cho biết, trong 5 tháng đầu năm tai nạn giao thông tăng rất cao. Hai tháng đầu tăng 40%, tháng 3 giảm còn 20% nhưng tháng 4 lại tăng khi có đến 240 người chết (tăng 16,5% so với cùng kỳ), qua tháng này giảm rất đáng kể - 7 người tử vong.

Tai nạn giao thông tập trung ở 8 cửa ngõ của thành phố, trong đó quận Bình Tân và huyện Bình Chánh chiếm tới 30% số vụ. Thành phố cần tập trung kéo giảm ở hai địa phương này.

Thu ngân sách chậm

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ lo lắng khi thu ngân sách của thành phố tăng trưởng chậm. "Vừa qua, góp ý nâng cao năng lực tăng trưởng và cạnh tranh, nhìn lại bấy lâu nay khi mình tiếp cận được EU là rất khó khăn, không đơn giản vì nhiều quy định ngặt nghèo", ông Phong nói.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng phê bình việc lãnh đạo không đi họp, chỉ cử cấp dưới đi thay và cho rằng việc này là thiếu trách nhiệm. "Không bao giờ thấy ông Trưởng Ban quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao xuất hiện, chỉ thấy cấp phó đi họp. Chuyện này xảy ra từ khi tôi làm chủ tịch đến giờ. Làm việc kiểu này lấy gì mà chỉ đạo, lấy gì nói về chính sách cho nông dân", ông Phong phê bình.

Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết trong tháng 7 thành phố sẽ có hai nội dung quan trọng là kỳ họp HĐND thành phố giữa năm và sơ kết giữa nhiệm kỳ ĐH Đảng bộ TP HCM lần X để đánh giá, phân tích những mặt được và chưa được trong nửa nhiệm kỳ qua.

Theo báo cáo của UBND TP HCM, tổng thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm ước đạt hơn 154.300 tỷ đồng, đạt gần 41% dự toán, tăng 4,83% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa hơn 105.110  tỷ, đạt hơn  41% dự toán, tăng 8,59% so cùng kỳ; thu từ dầu thô gần 9.700 tỷ đồng, đạt gần 77 % dự toán, tăng hơn 34,2% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 39.500 tỷ đồng, đạt gần 36,6% dự toán, bằng 91,4% so cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện là 19.582 tỷ đồng, đạt hơn 22,5% dự toán, tăng hơn 25,3% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 6.686 tỷ đồng, đạt gần 18,5% dự toán, tăng hơn 31% so cùng kỳ; chi thường xuyên 11.610 tỷ đồng, đạt gần 32,% dự toán, tăng 11,8% so cùng kỳ.

Ý kiến của bạn

Bình luận