Phí tắc đường - Một mũi tên trúng nhiều đích

Tác giả: Minh Phương

saosaosaosaosao
22/06/2015 04:20

Tắc đường vào giờ cao điểm là vấn nạn kinh điển của các thành phố lớn. Thế nhưng hiện nay, tại một số thành phố trên thế giới, tình trạng này đã không còn đáng lo ngại. Đó là nhờ một giải pháp “đa-zi-năng” mang tên “Phí tắc đường”.

ERPBugis
Hệ thống thu phí điện tử ở Singapore

Thu phí tắc đường là một phương pháp quản lý giao thông hiện đại, trong đó mỗi chủ phương tiện phải trả một mức phí nhất định để tham gia giao thông trong giờ cao điểm. Mức phí này tăng, giảm tùy theo mức độ cao điểm trong ngày, hoặc trong tuần.

Phí tắc đường cải thiện tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm bằng cách khuyến khích những người không bắt buộc tham gia giao thông vào khung giờ này mà chọn giờ khác có mức phí thấp hơn để di chuyển. Bên cạnh đó, số tiền thu được có thể tái đầu tư vào những lĩnh vực khác. Với những ưu điểm như vậy, phương pháp này đang được triển khai ở nhiều thành phố lớn như: Singapore, London, Stockholm…

SINGAPORE

Singapore là “cha đẻ” của hệ thống thu phí tắc đường. Ra đời vào năm 1975, hệ thống thu phí thuở sơ khai được thực hiện bằng hình thức đánh số. Những tấm giấy đánh số với màu sắc và hình dạng khác nhau sẽ được dán lên kính chắn gió của từng loại phương tiện để phân biệt mức phí.

Sau này, nền kinh tế phát triển chóng mặt, kéo theo số lượng người sở hữu ô tô ngày càng gia tăng nhanh chóng đã buộc chính quyền Singapore phải nghiên cứu một hệ thống thu phí điện tử để có thể kiểm soát hiệu quả hơn. Ngày 01/9/1998, hệ thống thu phí điện tử đã được áp dụng, cho phép người dân Singapore trả phí bằng cách quẹt thẻ ngay trong xe. Các chủ xe sẽ phải tự trang bị máy quẹt mang tên UI và mua thẻ tại các ngân hàng. Khi thẻ hết tiền, họ có thể nạp ở các cây ATM.

Mức phí áp dụng hiện tại ở Singapore dao động từ 1 - 2,2 USD. Xe quân sự và xe cấp cứu được miễn phí. Khách du lịch muốn tự lái xe sẽ phải thuê thiết bị UI và mua thẻ.

Hệ thống thu phí điện tử hoạt động dựa trên các camera tự động, có khả năng chụp biển số xe. Chủ xe nào không lắp UI hoặc không đủ tiền trong thẻ sẽ bị phạt rất nặng.

So với việc quản lý kiểu cũ, hệ thống quản lý tự động này tỏ ra rất hiệu quả khi tỷ lệ vi phạm luôn được duy trì ở mức dưới 1%. Nó nhanh chóng được người dân thành phố chấp nhận vì mức phí khá linh hoạt, chưa kể ngày chủ nhật còn được miễn phí.

Không chỉ làm giảm tình trạng tắc đường, hệ thống thu phí còn mang về cho Chính phủ 72 triệu USD trong năm 2008. Một phần số tiền này được hoàn lại cho các chủ xe để bù vào tiền thuế phương tiện, một phần được sử dụng để nâng cấp hạ tầng giao thông.

Trải qua 30 năm thực hiện, lưu lượng giao thông tại các khu vực thu phí đã giảm từ 18 - 21%, riêng tại khu vực trung tâm thành phố là 10 - 15%. Số lượng xe ra vào các khu vực thu phí trong giờ cao điểm giảm khoảng 25.000 xe/năm. Tốc độ lưu thông trên đường cao tốc tăng 20%. Tuy vậy, điều quan trọng nhất mà phí tắc đường làm được đó chính là thay đổi thói quen di chuyển của người dân, khi 63% người ra vào thành phố sử dụng phương tiện công cộng.

LONDON (ANH)

Ra đời vào ngày 17/02/2003, hệ thống thu phí tắc đường được áp dụng trên khoảng 5% tổng diện tích thành phố London, bao gồm một số khu vực trọng yếu như: Quận tài chính thành phố, xung quanh nhà hát West End, cung điện Buckingham và Tòa nhà Quốc hội. Các tài xế lái xe vào khu vực này trong giờ cao điểm ngày thường (7h - 18h) phải trả khoảng 10 bảng (15,5 USD). Riêng xe cấp cứu và các loại xe năng lượng sạch (lượng CO2 dưới 75g/km) được miễn phí.

Tương tự như Singapore, London cũng đặt hệ thống camera tự động ở các cửa ngõ ra vào để quét biển số. Người dân London có thể lựa chọn nhiều hình thức thanh toán linh hoạt, mà đơn giản nhất là bằng tin nhắn điện thoại.

Chỉ 2 năm sau khi ra mắt, hệ thống này đã giảm bớt 18% lượng xe lưu thông tại khu vực trung tâm, đồng thời làm giảm 30% thời gian tắc đường. Tốc độ lưu thông trung bình tăng từ 30 - 40 km/h. Số lượng TNGT giảm trung bình 70 vụ/năm.

Mặt khác, hệ thống này còn làm thay đổi thói quen đi lại của người dân. Tính đến nay, trong khi lượng ô tô giảm 34% thì lượng xe buýt, taxi và xe đạp lại tăng lần lượt là 21, 22 và 28%. Về mặt kinh tế, hệ thống này lại mang về cho Chính phủ hơn 300 triệu USD để tái đầu tư vào mạng lưới giao thông.

Quan trọng hơn cả, một nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London cho thấy, lượng CO2 toàn cầu đã giảm 20% kể từ khi hệ thống thu phí tắc đường ra đời.

STOCKHOLM (THỤY ĐIỂN)

Tháng 01/2006, hệ thống thu phí tắc đường chính thức được thử nghiệm tại trung tâm thành phố Stockholm (Thụy Điển) trong vòng 7 tháng. Sau khi chương trình thử nghiệm kết thúc, chính quyền thành phố đã mở cuộc trưng cầu dân ý để xem có nên tiếp tục thực hiện thu phí tắc đường hay không. Ngạc nhiên là kết quả bỏ phiếu ngày 17/9/2006 lại có đến 50% phiếu tán thành, trong khi trước đó, hệ thống này từng vấp phải sự phản đối quyết liệt của 70% người dân. Đến năm 2011, số lượng ủng hộ đã tăng lên đến 70%. Rõ ràng là người dân đã nhận ra sự khác biệt trước và sau khi áp thuế tắc đường.

Cuối cùng thì thuế tắc đường cũng được chính thức áp dụng tại Stockholm vào ngày 01/8/2007. Về cơ bản nó là một hàng rào camera xung quanh trung tâm thành phố với 18 điểm thu phí phương tiện vào các ngày trong tuần. Thời gian thu phí kéo dài từ 6h30 - 18h30 với mức phí dao động từ 1,5 - 2,25 USD. Một số phương tiện như xe cấp cứu, xe của người khuyết tật, xe buýt, taxi, xe năng lượng sạch và xe của người nước ngoài được miễn phí.

Cuối tháng, các chủ xe sẽ nhận được hóa đơn thanh toán cùng với một khoản tiền hoàn thuế của tháng trước. Chủ phương tiện có thể đăng ký nhận hóa đơn qua thư hoặc email, hay đăng ký thanh toán tự động bằng thẻ ngân hàng.

Tuy nhiều ưu thế nhưng hệ thống thu phí tắc đường cũng có không ít nhược điểm. Hệ thống này đòi hỏi số vốn đầu tư khá lớn cho các trang thiết bị công nghệ cao, chưa kể việc kiểm soát rất phức tạp. Mặt khác, lưu lượng xe ở các tuyến đường huyết mạch giảm đồng nghĩa với việc lưu lượng xe ở các tuyến đường phụ sẽ tăng. Lượng khách đến mua sắm tại các trung tâm thương mại cũng sẽ giảm đi.

Song song với đó, phí tắc đường khiến ước mơ mua xe của một số gia đình thu nhập thấp trở nên xa vời hơn. Nghiêm trọng hơn, hình thức này có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến độc quyền và là miếng mồi béo bở cho các hành vi gian lận tài chính. Chính vì thế, việc triển khai hình thức thu phí tắc đường cần sự nỗ lực quyết tâm và đồng lòng rất lớn từ chính quyền cũng như cư dân các thành phố, nhằm mục tiêu dẹp bỏ hiệu quả tình trạng kẹt xe trong giờ cao điểm.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận