Phát triển ITS ở Việt Nam từ công nghệ Nhật Bản

Tác giả: cao hà

saosaosaosaosao
Ứng dụng 03/05/2016 06:11

ITS (Intelligent Transport Systerm) là khái niệm xuất phát từ Nhật Bản và tại đất nước này, ITS được xúc tiến như một dự án quốc gia. Theo đó, các trạm thu phí là một trong những nguyên nhân chính gây tắc nghẽn giao thông. Vì vậy, đây chính là lý do việc thu phí điện tử được chú trọng trong phát triển ITS ở Nhật Bản.


128b7_gnss_mitsubishiheavyindustries
Ảnh minh họa

Nhiều bài học quý báu cho Việt Nam

Khi các dịch vụ thu phí điện tử ETC (Electronic Toll Collection) bắt đầu được tiến hành ở Nhật, có 3 mục tiêu chính mà Chính phủ cần đạt được đó là: Giảm tắc nghẽn giao thông gần các trạm thu phí, hỗ trợ cho lái xe bằng việc loại bỏ sử dụng tiền mặt và giảm chi phí quản lý. Một hệ thống ETC phải xử lý được các hệ thống thu phí phức tạp với số lượng phí khác nhau tùy theo từng loại xe và tùy theo khoảng cách đi lại. Hơn nữa, thiết bị gắn trong xe cần sử dụng được với nhiều mức phí khác nhau do các cơ quan quản lý quy định.

Năm 2011, Nhật Bản sử dụng hệ thống ITS Spot thay thế cho các hệ thống cũ với nhiều ứng dụng mới như thông tin giao thông trên diện rộng, hỗ trợ lái xe an toàn, ETC. Đến năm 2015, hệ thống ITS Spot được chuyển đổi thành ETC 2.0. Hệ thống ETC 2.0 sử dụng các dịch vụ được nâng cấp thông minh từ các dịch vụ hiện hữu, cụ thể như ảnh tĩnh, có dự báo thời tiết, thông tin du lịch địa phương và các dịch vụ mới như thu phí cho từng chặng đường, quản lý phương tiện thương mại.

Ông Hideyuki Kanoshima, cán bộ nghiên cứu cao cấp Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Vận tải và Du lịch Nhật Bản (Bộ MLIT) cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động, tỷ lệ sử dụng ETC trên đường có thu phí là 90%, tương ứng với 45 triệu xe và ứng dụng thực tiễn của ETC 2.0 giải quyết gần như hoàn toàn vấn đề kẹt xe tại trạm thu phí trên đường cao tốc (chiếm 30% nguyên nhân gây kẹt xe trên đường cao tốc). Đồng thời, hệ thống ETC 2.0 ở Nhật Bản có đặc điểm hệ thống áp dụng được cho tất cả người dùng trên toàn quốc và tương thích với các giao dịch trên toàn bộ các con đường có thu phí tại Nhật Bản, việc giao dịch thông tin giữa thiết bị trên xe và thiết bị bên đường sử dụng thông tin tầm ngắn chuyên dụng tần số 5.8 GHz (DSRC 5.8 GHz).

Còn thẻ IC được sử dụng trên thiết bị, phù hợp với phát triển các chức năng trong tương lai và cho phép sử dụng đa mục đích. Ngoài việc trả phí trên đường cao tốc, thẻ IC còn có thể thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi, kiosk, vé các phương tiện giao thông công cộng hay trả phí đậu xe theo giờ. Các thẻ IC cho phép xác thực lẫn nhau với các thiết bị đầu cuối khác và mã hóa các dữ liệu ghi lại cho bảo mật cao.

ETC 2.0 không chỉ hữu ích trong việc thu phí cầu đường điện tử mà còn cung cấp thông tin giúp hỗ trợ lái xe an toàn, chỉ dẫn tuyến đường linh động và thu thập dữ liệu giúp thăm dò và theo dõi các phương tiện cỡ lớn một cách dễ dàng, thuận tiện. Trong đó, dữ liệu thăm dò được lưu trữ trong đơn vị gắn trên xe và được tải lên khi phương tiện đi ngang qua thiết bị được gắn ven đường, truyền trực tiếp đến trạm điều hành giao thông. Các dữ liệu được thu thập là lịch sử di chuyển bao gồm thời gian, vị trí, tốc độ; lịch sử hành vi gồm thời gian, gia tốc, góc chệch khi tăng tốc vượt giới hạn. Các dữ liệu này được lưu trữ và phân tích phục vụ quá trình nghiên cứu và giải quyết vấn đề về ATGT.

"Từ dữ liệu nhận về, chúng tôi phát hiện ra một địa điểm tất cả các xe qua đây đều phanh gấp. Chúng tôi đã đến thực tế địa điểm này và tìm ra được nguyên nhân là do cây ven đường quá rậm rạp và cao gây hạn chế tầm nhìn và chúng tôi đã gọt tỉa gọn gàng các bụi cây ở đây. Sau khi các bụi cây được cắt gọt, số vụ xe phanh gấp đã giảm đến 70% và số vụ tai nạn gây thương tích hoặc chết người đã giảm 20%", ông Hideyuki Kanoshima chia sẻ.

Ngoài ra, hệ thống ETC 2.0 còn rất hữu ích trong việc theo dõi và quản lý xe quá cỡ và quá tải. Trước khi có hệ thống ETC 2.0, thủ tục xin giấy phép thông hành cho xe quá khổ, quá tải rất phức tạp và bất cập. Từ khi hệ thống ETC 2.0 đi vào hoạt động, các giấy phép được đơn giản hóa giúp lựa chọn nhiều tuyến đường trong một đơn xin, thủ tục cập nhật được tự động hóa. Qua đó, các phương tiện đặc biệt có gắn thiết bị theo xe ETC 2.0 có thể tự do lựa chọn tuyến đường trong số nhóm các tuyến đường được chỉ định trước bởi chính phủ quốc gia.

Đồng hành cùng sự phát triển its ở Việt Nam

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ GTVT Việt Nam cho biết, hệ thống giao thông thông minh được áp dụng chủ yếu cho giao thông đường bộ cao tốc và giao thông tại một số đô thị lớn. Trong tương lai, Việt Nam sẽ áp dụng cho các tuyến quốc lộ với quy mô phù hợp. Về cơ bản, việc nghiên cứu phát triển ITS được thực hiện thông qua các dự án hỗ trợ của Nhật Bản về nghiên cứu thiết lập ITS.

Hiện nay, Bộ GTVT đã triển khai một số dự án ITS cho các tuyến đường bộ cao tốc như: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, hệ thống kiểm soát giao thông đường cao tốc tại Hà Nội (Pháp Vân - Cầu Giẽ, Vành đai 3 đoạn QL5…), cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Bộ đang tiếp tục đầu tư triển khai các dự án có hệ thống ITS như TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Nam, Bến Lức - Long Thành, Hà Nội - Hải Phòng…

Còn về Trung tâm ITS miền Bắc, Bộ GTVT đã giao cho Tổng cục ĐBVN làm chủ đầu tư. Đến nay, dự án đang hoàn thiện báo cáo cuối kỳ, chuẩn bị phê duyệt để triển khai thực hiện. Dự án này thuộc dự án vốn vay ODA Nhật Bản, sẽ kết nối và tích hợp hệ thống ITS trên 6 tuyến cao tốc với hơn 200km. Giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng kết nối cho các tuyến cao tốc khác.

Tại Hội thảo thường niên Việt Nam - Nhật Bản về đường bộ cao tốc lần thứ 9 tại Hà Nội diễn ra gần đây, ông Igarashi - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ, Bộ MLIT Nhật Bản khẳng định: Nhật Bản sẽ giới thiệu về những kỹ thuật, công nghệ liên quan đến vận hành, khai thác, duy trì, bảo dưỡng các tuyến đường cao tốc của Nhật Bản, trong đó có sử dụng các giải pháp về an toàn trong đó có ITS.

Cụ thể, riêng với dự án ITS cho đường cao tốc Bắc - Nam của Việt Nam, đoạn TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đại diện liên danh nhà thầu Toshiba - Hitachi - Itochu Nhật Bản, ông Atsushi Kawami, Kỹ sư trưởng Văn phòng Dự án ITS Việt Nam chia sẻ, đối với các thiết bị ITS, liên danh các nhà thầu đang làm cùng với các nhà thầu địa phương của Việt Nam và sẽ mua thiết bị phần cứng từ các công ty này. Hệ thống phần mềm quản lý chính sẽ được phát triển và cung cấp bởi Toshiba. Đồng thời, việc tích hợp hệ thống cũng được thực hiện bởi Toshiba Nhật Bản.

Còn về phương thức thanh toán, ông Yoshifumi Hayakawa, Kỹ sư trưởng Ban thiết kế ITS, Cục công nghệ điều khiển điện tử Nhật Bản cho rằng, để thực hiện các dịch vụ giao thông liền mạch tại Việt Nam và tiêu chuẩn mở thì phương thức thanh toán chung phải theo tiêu chuẩn ISO. Đồng thời, phương thức thanh toán chung sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu cho ETC. Với phương thức sử dụng chung này, hạ tầng giao thông có khả năng tương tác và tiện lợi cho người sử dụng bởi việc thanh toán đơn giản qua 1 hợp đồng tài khoản đối với 1 hóa đơn.

"Nếu hạ tầng giao thông không tương tác, người sử dụng cần có nhiều thẻ giao thông khiến chất lượng dịch vụ kém do người sử dụng thấy phức tạp khi quản lý số dư tài khoản trong các thẻ giao thông của mình và có khả năng sử dụng nhầm thẻ", ông Yoshifumi Hayakawa nhận định.

Với kinh nghiệm của 50 năm phát triển hệ thống đường bộ và hơn 10 năm phát triển hệ thống giao thông thông minh ITS, những chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ, trang thiết bị cũng như các dịch vụ là những bài học giá trị giúp hệ thống giao thông cũng như hạ tầng giao thông Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn

Bình luận