Phát triển đào tạo nguồn nhân lực GTVT trong quá trình hội nhập

Tác giả: Cao Hà

saosaosaosaosao
19/11/2016 13:40

Thời gian vừa qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành GTVT, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong Ngành cũng nhanh chóng được củng cố và phát triển. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực GTVT hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển Ngành. Do đó, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của ngành GTVT đang là bài toán cần được giải quyết triệt để, để Ngành hội nhập sâu rộng hơn nữa.

DSC_5985
Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

Chú trọng đào tạo

Với bề dày truyền thống, cùng với sự góp sức của các cơ sở đào tạo thuộc các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, các cơ sở đào tạo GTVT đã đào tạo được một lực lượng lớn nguồn nhân lực cho Ngành, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chất lượng nhân lực, đóng góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ngành. Cơ cấu các ngành, nghề đào tạo đã từng bước được cải thiện, đáp ứng sự phát triển của Ngành. Các cơ sở đào tạo từ trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo lao động nông thôn trước mắt đáp ứng được phần lớn nhu cầu sử dụng lao động của toàn Ngành và nhu cầu học tập của cán bộ, nhân dân.

Quy mô đào tạo tăng nhanh theo nhu cầu sử dụng nhân lực của Ngành và nhu cầu học tập của xã hội. Hệ thống đào tạo nhân lực GTVT của các cơ sở ngoài Bộ GTVT phát triển mạnh và được phân bố ở hầu hết các vùng lãnh thổ. Công tác xã hội hóa đào tạo bước đầu được thực hiện; nhiều tổ chức, hội, hiệp hội, doanh nghiệp cũng tham gia đào tạo, thu hút khá đông học viên. Hình thức đào tạo đa dạng, bao gồm: Đào tạo chính quy, không chính quy, liên thông, liên kết, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo dài hạn, ngắn hạn, trong trường, ngoài trường…

Mặc dù luôn đổi mới, quan tâm chú trọng phát triển đào tạo nguồn nhân lực, tuy nhiên hiện nay, ngành GTVT vẫn còn khan hiếm lao động thành thạo chuyên môn và các kỹ năng mềm như: Kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, kỹ năng làm việc theo nhóm. Số cử nhân, kỹ sư ngành GTVT mới ra trường đạt yêu cầu về trình độ giao tiếp ngoại ngữ tại doanh nghiệp thuộc ngành GTVT còn ít và còn đang rất thiếu, đặc biệt là tại công ty nước ngoài, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Số chuyên gia giỏi đầu ngành vẫn chưa nhiều. Năng suất lao động trong lĩnh vực GTVT còn thấp so với các nước trong khu vực. Những hạn chế trong nguồn nhân lực ngành GTVT không chỉ ở công tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn cao mà còn ở khâu đào tạo kỹ năng mềm cho người lao động, gây ra những khó khăn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Đồng thời, Bộ GTVT chưa chủ động được nguồn nhân lực các ngành, nghề theo yêu cầu phát triển của Ngành. Việc tổ chức đào tạo các ngành, nghề trong các trường thuộc Bộ cũng còn bất cập. Một số ngành, nghề trong thời gian hàng chục năm trở lại đây không thu hút được người học, dẫn đến khả năng thiếu hụt lực lượng kỹ thuật viên, lao động cho các lĩnh vực trên. Một số trường còn tuyển sinh đào tạo một số ngành, nghề ít liên quan đến GTVT để đủ chỉ tiêu được giao hàng năm và đáp ứng nhu cầu của người học như: Kế toán, tài chính, ngân hàng…; học viên học các ngành, nghề này khi tốt nghiệp thường ít làm việc cho Ngành. Ngoài ra, Chính phủ, Bộ GTVT cũng chưa có chính sách thu hút học sinh học các ngành, nghề lao động nặng nhọc để cung cấp lao động được đào tạo cho nhu cầu phát triển Ngành.

Thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành GTVT đặt ra cho đội ngũ lao động nhiệm vụ và những thách thức cực kỳ to lớn. Quá trình hội nhập kinh tế ở khu vực đòi hỏi đội ngũ lao động phải mạnh về thể lực, tinh thông về chuyên môn kỹ thuật, chấp nhận cạnh tranh. Hiện nay, vẫn còn một lượng không nhỏ người lao động ngành GTVT còn thiếu việc làm, thu nhập thấp, trình độ tay nghề yếu...

gio hoc thuc hanh_1

Đổi mới để phát triển

Trong xu thế hội nhập với quốc tế của nước ta hiện nay, nguồn nhân lực ngành GTVT có điều kiện được tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới, thông qua các chương trình hợp tác đào tạo, tập huấn ở các nước phát triển, nguồn nhân lực có điều kiện phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng.

Các nhân tố chính có ảnh hưởng đến sự phát triển nhân lực ngành GTVT gồm: Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; định hướng phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đến 2020; các quy hoạch chuyên ngành về phát triển GTVT đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2030; ứng dụng khoa học công nghệ, dây chuyền, thiết bị máy móc mới, đòi hỏi lao động ngành nghề mới, kiến thức và trình độ kỹ năng lao động cao hơn, thay đổi cơ cấu lao động theo trình độ nghề và kỹ năng lao động…

Để có thể phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng, việc phát triển đào tạo nhân lực ngành GTVT phải bảo đảm gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, bảo đảm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; coi đầu tư cho đào tạo nhân lực là đầu tư phát triển; huy động toàn xã hội tham gia và tối đa hóa các nguồn lực có thể dành cho phát triển đào tạo nhân lực ngành GTVT. Đào tạo nhân lực bảo đảm gắn liền với việc bố trí, sử dụng, nhằm phát huy đầy đủ năng lực, phẩm chất của cán bộ, công chức, viên chức người lao động là nội dung quan trọng nhất và phải gắn kết với phát triển con người, góp phần thực hiện những mục tiêu phát triển con người. Phát triển đào tạo nguồn nhân lực ngành GTVT trên cơ sở tập trung cho các lĩnh vực mũi nhọn của ngành GTVT: Hàng hải, hàng không, đường sắt, đường bộ.

Có thể nói, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 nhu cầu phát triển nhân lực của ngành GTVT sẽ vẫn tiếp tục tăng về số lượng và chất lượng để đáp ứng quy mô phát triển của Ngành và sang giai đoạn sau năm 2020 do sự phát triển của khoa học công nghệ đòi hỏi tăng về chất lượng nguồn nhân lực hơn nữa. Cùng với sự tăng trưởng của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cần phải chú trọng đến việc phát triển nhân lực chất lượng cao và đó là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh thành công của toàn ngành GTVT Việt Nam trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, các trường thuộc Bộ GTVT đã có nhiều cố gắng trong thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học với những chuyển biến tích cực, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên.  Các trường đã tập trung hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tích cực thực hiện đổi mới tổ chức và quản lý đào tạo. Đến hết tháng 9/2016, các trường thực hiện tuyển sinh được 53.170/62.352 chỉ tiêu kế hoạch, đạt 85%. Trong đó, đào tạo đại học chính quy 9.000/8.971 chỉ tiêu, đạt 100%; đào tạo đại học liên thông chính quy 739/1.354 chỉ tiêu, đạt 55%; đào tạo đại học bằng 2, vừa làm vừa học 163/1.800 chỉ tiêu, đạt 9%; đào tạo cao đẳng 2.081/3.452 chỉ tiêu, đạt 60%; đào tạo cao đẳng nghề 1.039/3.562 chỉ tiêu, đạt 29%; đào tạo trung cấp chuyên nghiệp 11.52/1.915 chỉ tiêu, đạt 61%; đào tạo trung cấp nghề 3.468/3.670 chỉ tiêu, đạt 94%; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức 1.564/1.330 lượt, đạt 118%.

Tuy nhiên, công tác tuyển sinh của một số trường vẫn gặp khó khăn, đặc biệt là trường cao đẳng và trường trung cấp. Quy mô đào tạo của một số trường giảm xuống, chưa tương xứng với năng lực đào tạo thực tế của trường. Chất lượng đào tạo của các trường thuộc Bộ GTVT còn thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới và so với trình độ của các nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực, trên thế giới. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển số lượng với yêu cầu nâng cao chất lượng.

Do đó, Bộ GTVT yêu cầu các trường cần bám sát, tập trung thực hiện Chiến lược phát triển ngành GTVT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó lưu ý gắn kết các nội dung, nhiệm vụ đã được phê duyệt phù hợp với định hướng, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.   Các trường cần đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, trong đó hết sức coi trọng nguồn lực của tư nhân và nước ngoài; coi công tác xã hội hóa giáo dục là một nhiệm vụ quan trọng để thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước với nhiều hình thức phù hợp để đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo.

 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận