Phát hiện hàng loạt sai phạm tại TAND huyện Tuy Đức

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Ý kiến 17/01/2017 16:58

VKSND huyện Tuy Đức (Đắk Nông) phối hợp với Ban pháp chế HĐND huyện thực hiện giám sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử án hình sự và thi hành án hình sự tại TAND huyện Tuy Đức. Qua giám sát, đoàn đã phát hiện hàng loạt những thiếu sót và sai phạm.

 

1
Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức

Cụ thể, tại báo cáo số 13/BC-TA ngày 19/10/2016 về tình hình hoạt động xét xử hình và thi hành án hình sự của TAND huyện Tuy Đức là văn bản dưới hình thức công văn, không phải bản Báo cáo theo quy định tại Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011 của Bộ Nội vụ về “Hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản”. Nội dung Báo cáo còn sơ sài, chủ yếu chỉ có số liệu, không nêu lên được những việc làm được cũng như hạn chế khuyết điểm để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới.

Số liệu trong Báo cáo không chính xác và không khớp với sổ sách thụ lý về giải quyết án hình sự và thi hành án hình sự. Theo báo cáo của Toà án, trong kỳ giám sát Toà án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung cho Viện kiểm sát 23 vụ, trong khi sổ sách chỉ có 18 vụ (chênh lệch ít hơn 05 vụ). Tuy nhiên trên thực tế, Tòa án chỉ trả hồ sơ 15 vụ (ít hơn 08 vụ). Về việc một số vụ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, theo ý kiến của TAND huyện, mỗi lần trả hồ sơ coi như trả hồ sơ một vụ án và đã giải quyết vụ án đó. Như vậy, việc thống kê báo cáo của Tòa án về việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung trái với quy định tại điểm c khoản 3 Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an về “Hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung”. Về  số vụ án đã xét xử, Toà án báo cáo 45 vụ nhưng qua kiểm tra sổ sách chỉ xét xử  được 38 vụ (nhiều hơn 07 vụ).

Đối với số liệu thi hành án hình sự, TAND huyện Tuy Đức báo cáo từ ngày 01/01/2016 đến ngày 30/9/2016  đã ra quyết định thi hành án 64 người (tù có thời hạn 39 người, án treo 25 người). Tuy nhiên khi kiểm tra sổ thụ lý thì số Quyết định thi hành án hình sự là 71 người (nhiều hơn 07 người).

Trong kỳ giám sát, cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Tuy Đức bàn giao hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo nhưng Tòa án không đưa vào báo cáo. Về hoạt động giải quyết vụ án hình sự: Sổ sách không ghi chép đầy đủ cột mục, không phản ánh kịp thời các hoạt động của Toà án.

Về việc chấp hành thời hạn xét xử, thời gian qua TAND huyện Tuy Đức để quá hạn thời hạn ra quyết định đưa vụ án ra xét xử một số vụ. Có vụ án, trong hồ sơ không có quyết định giải quyết vụ án trong hồ sơ. Như vậy, TAND huyện Tuy Đức đã vi phạm thời hạn xét xử theo quy định tại Điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự.

Việc lập biên bản phiên tòa và ban hành Bản án hình sự sơ thẩm có vụ án nội dung không chính xác (vi phạm Điều 95, khoản 2 Điều 224 BLTTHS).

Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa Toà án với Viện kiểm sát chưa thực hiện theo Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an về “Hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung”.

Có một số vụ án không phải phát sinh tình tiết mới nhưng trong quá trình thụ lý hồ sơ, Thẩm phán Tòa án không phát hiện vấn đề cần phải điều tra bổ sung để giải quyết trong quá trình thụ lý mà đến lúc xét xử mới quyết định trả hồ sơ ngay tại phiên tòa, gây nên sự bức xúc và dư luận của những người liên quan.

Về chất lượng xét xử, trong kỳ giám sát TAND huyện Tuy Đức có 03 vụ án bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại (vụ Dương Trùng Long về tội “Hủy hoại rừng” vụ Nguyễn Nhất Duy về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, vụ Trần Văn Nhơn về tội “Trộm cắp tài sản” bị hủy phần trách nhiệm dân sự để xét xử lại). Có vụ án tuyên hình phạt không nghiêm bị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử cải sửa một phần nâng mức hình hình phạt tù (vụ Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Thị Mai Thu, về tội “Cướp tài sản”).

Về việc chấp hành thời hạn gửi bản án hình sự sơ thẩm, có một số vụ quá hạn gửi bản án, quyết định cho các cơ quan hữu quan, cá nhân (vi phạm Điều 229 BLTTHS). Cụ thể: Bản án hình sự sơ thẩm số 19/2016/HSST ngày 06/5/2016 đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Trìu, Bản án số 27/2016/HSST ngày 27/5/2016 đối với Nguyễn Xuân Cảnh và đồng phạm, Toà án gửi cùng ngày 27/6/2016, quá hạn lần lượt 40 ngày và 20 ngày. Việc để quá hạn của TAND huyện Tuy Đức dẫn đến tình trạng Viện kiểm sát huyện gửi bản án hình sự sơ thẩm đến Viện kiểm sát tỉnh quá hạn, làm cho Viện kiểm sát tỉnh không thể xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Về hoạt động thi hành án hình sự, tại Sổ thụ lý thi hành án hình sự có cột mục ghi không đúng tiêu chí ( cột :“Đang bị giam” nhưng lại ghi: “Đang tại ngoại”); chưa phản ánh số thứ tự, ngày tháng năm của cột Quyết định thi hành án. Trong sổ sách còn nhiều chỗ tẩy xoá, sửa chữa …

Giao người được hoãn chấp hành án phạt tù cho chính quyền UBND xã nơi bị án cư trú để theo dõi, quản lý không đúng địa chỉ cư trú (vi phạm Điều 23, khoản 2 Điều 24 Luật thi hành án hình sự). Cụ thể, bị án Thị Ngeo có đơn xin hoãn chấp hành hình phạt tù (lý do đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi) trong đơn xin hoãn chấp hành án, chính quyền địa phương đã xác nhận Thị Ngeo đang cư trú tại xã Đắk N’DRung, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, Quyết định hoãn chấp hành án số 03 ngày 29/01/2016 của TAND huyện Tuy Đức lại giao người được hoãn chấp hành án cho UBND xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.

Không thông báo sắp hết thời hạn hoãn chấp hành án phạt tù cho bị án (vi phạm Khoản 6 Điều 24 Luật thi hành án hình sự). Cụ thể, bị án Lâm Văn Quê phạm tội “Cố ý gây thương tích” được hoãn chấp hành án từ ngày 24/12/2015 đến ngày 24/3/2016. Sau khi đã hết thời hạn hoãn chấp hành án, Tòa án vẫn không có văn bản Thông báo cho bị án (vi phạm Khoản 6 Điều 24 Luật thi hành án hình sự).

Ban hành Quyết định rút ngắn thời gian thử thách các thời điểm khác nhau đối với cùng một người được hưởng án treo. Cụ thể: TAND huyện Tuy Đức trong Quyết định rút ngắn thời gian thử thách một lúc có 2 ngày, ngày 09/5/2016 và ngày 16/5/2016  nên không thể xác định được Toà án ban hành quyết định ngày nào?

Đoàn giám sát cho rằng, nguyên nhân của việc để xảy ra thiếu sót và sai phạm trên là do, khối lượng công việc yêu cầu phải giải quyết tại TAND huyện Tuy Đức, (trong đó việc xét xử vụ án hình sự và thi hành án hình sự ngày càng nhiều) trong khi biên chế còn thiếu, Đội ngũ Thư ký phiên tòa trách nhiệm, năng lực không đều, chưa phát huy được chức trách, nhiệm vụ được giao, Lãnh đạo Tòa án chưa thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc hoạt động nghiệp vụ của cán bộ thuộc quyền…

Ý kiến của bạn

Bình luận