Phân tích, đánh giá thực trạng công tác đào tạo phát triển nhân lực tại Cảng vụ Hàng không miền Bắc

09/11/2016 06:27

Phân tích, đánh giá thực trạng công tác đào tạo phát triển nhân lực tại Cảng vụ Hàng không miền Bắc

TS. Đinh Quang Toàn

Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải

KS. Hoàng Thị Diệu Hương

Cảng vụ Hàng không miền Bắc

TÓM TẮT: Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nguồn nhân lực đã thực sự trở thành thứ tài sản quý giá nhất là chiếc chìa khóa dẫn đến thành công của mỗi tổ chức mỗi doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường.

Ngành Hàng không là một trong những ngành hội nhập quốc tế sâu rộng và ứng dụng khoa học công nghệ cao, với những thiết bị tiên tiến và cơ sở vật chất hiện đại. Để quản lý điều hành hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và các mục tiêu mà doanh nghiệp hàng không đề ra đòi hỏi công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đã trở thành vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của ngành Hàng không nói chung và Cảng vụ Hàng không miền Bắc (HKMB) nói riêng.

Để đề xuất hữu hiệu những giải pháp trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại Cảng vụ HKMB, tác giả lựa chọn bài viết “Phân tích, đánh giá thực trạng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại Cảng vụ HKMB”, qua đó chỉ ra những thế mạnh, thuận lợi để tiếp tục phát huy, đồng thời chỉ ra những hạn chế, khó khăn để kịp thời đưa ra những giải pháp khắc phục hiệu quả trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nói riêng và chiến lược phát triển bền vững của Cảng vụ HKMB nói chung của thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng ngành Hàng không hiện nay.

TỪ KHÓA: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, hàng không.

Abstract: In the context of current globalization, human resources has really become second most valuable asset is the key to the success of each organization every business in the market economy.

The aviation industry is one of the sectors intensive international integration and application of science and high technology, with advanced equipment and modern facilities. For efficient management and operation of production and business activities and the goals proposed aviation business requires training, human resource development has become an important issue for activities joint general aviation airport authorities now North (Port HKMB) in particular.

To propose viable solutions in the training and development of human resources at Port HKMB, selected authors article “Analysis and assessment of the state of training of human resources development at the Port Authority Northern aviation”, thereby indicating the strengths and advantages to continue to develop, while pointing out the limitations, difficult to timely offer effective solutions for training, development of human resources in particular and sustainable development strategy of the Port Authority’s general HKMB integration period extensive international airline industry today.

KEYWORDS: Training and human resource development, aviation.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

1.1. Khái niệm và mô hình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo nghĩa rộng được hiểu là hệ thống các biện pháp được sử dụng nhằm tác động lên quá trình học tập giúp con người tiếp thu các kiến thức, kỹ năng mới, thay đổi các quan điểm hay hành vi và nâng cao khả năng thực hiện công việc của cá nhân.

Mô hình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp được mô tả trong Hình 1.1. Đào tạo, giáo dục và phát triển đều có điểm tương đồng dùng để chỉ một quá trình tương tự như nhau. Đó là quá trình cho phép con người tiếp thu các kiến thức, các kỹ năng mới, thay đổi các quan điểm hay hành vi và nâng cao khả năng thực hiện công việc của cá nhân. Đào tạo, giáo dục và phát triển đều sử dụng các phương pháp tương tự nhau nhằm tác động lên quá trình học tập để nâng cao các kiến thức kỹ năng thực hành. Tuy nhiên, đào tạo và phát triển được phân biệt căn cứ vào mục đích của các hoạt động, mô tả tại Bảng 1.1.

hinh11
Hình 1.1: Mô hình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp

Bảng 1.1. Phân biệt nội dung giữa đào tạo và phát triển

Nội dung

Đào tạo

Phát triển

1. Tập trung

Công việc hiện tại

Công việc tương lai

2. Phạm vi

Cá nhân

Cá nhân và tổ chức

3. Thời gian

Ngắn hạn

Dài hạn

4. Mục đích

Khắc phục sự thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng hiện tại

Chuẩn bị cho tương lai

1.2. Vai trò công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp

Hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có vai trò rất to lớn đối với nền kinh tế - xã hội nói chung cũng như đối với các doanh nghiệp, tổ chức và người lao động nói riêng, được thể hiện qua sơ đồ Hình 1.2:

bang12
Hình 1.2: Vai trò công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp

1.2.1. Đối với doanh nghiệp

Đào tạo được xem là một yếu tố cơ bản nhằm đáp ứng các mục tiêu, chiến lược của tổ chức. Chất lượng nguồn nhân lực trở thành lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết được các vấn đề về tổ chức, chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn kế cận và giúp cho doanh nghiệp thích ứng kịp thời với sự thay đổi của xã hội. Quá trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thành công sẽ mang lại những lợi ích sau:

- Cải tiến về năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc;

- Giảm bớt được sự giám sát vì khi người lao động được đào tạo, trang bị đầy đủ những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cần thiết để họ có thể tự giám sát được;

- Tạo thái độ tán thành và hợp tác trong lao động;

- Đạt được yêu cầu trong công tác kế hoạch hóa nguồn nhân lực;

- Giảm bớt được tai nạn lao động;

- Sự ổn định và năng động của tổ chức tăng lên, chúng đảm bảo giữ vững hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ngay cả khi thiếu những người chủ chốt do có nguồn đào tạo dự trữ để thay thế.

1.2.2. Đối với người lao động

Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho tổ chức mà nó còn giúp chop người lao động cập nhật các kiến thức, kỹ năng mới, áp dụng thành công các thay đổi về công nghệ, kỹ thuật. Nhờ có đào tạo và phát triển mà người lao động tránh được sự đào thải trong quá trình phát triển của tổ chức, xã hội và nó còn góp phần làm thỏa mãn nhu cầu phát triển cho người lao động.

1.2.3. Đối với nền kinh tế - xã hội

Giáo dục, đào tạo và phát triển năng lực của người lao động có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Đào tạo là cơ sở thế mạnh, là nguồn gốc thành công của các nước phát triển mạnh trên thế giới như Anh, Pháp, Nhật... Sự phát triển nguồn nhân lực của các doanh nghiệp cũng chính là yếu tố tích cực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

2. PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TẠI CẢNG VỤ HÀNG KHÔNG MIỀN BẮC

Ngày 9/7/2007, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 2074/QĐ-BGTVT thành lập Cảng vụ HKMB trực thuộc Cục Hàng không Việt Nam để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hàng không dân dụng tại các cảng HKSB: Nội Bài, Cát Bi, Vinh, Đồng Hới, Điện Biên, Thọ Xuân. Cảng vụ Hàng không có giám đốc, một số phó giám đốc giúp việc, các phòng chức năng và các đại diện Cảng vụ Hàng không tại các cảng hàng không, sân bay thuộc quyền quản lý.

Thực trạng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Cảng vụ HKMB được thể hiện qua số liệu tại Bảng 2.1 và sơ đồ Hình 2.1:

Bảng 2.1. Thực trạng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại Cảng vụ HKMB

TT

Nội dung đào tạo hàng không

2013

2014

2015

Lớp

Lượt người

Tỷ đồng

Lớp

Lượt người

Tỷ đồng

Lớp

Lượt người

Ttỷ đồng

 I

Trong nước

32

271

0,62

36

367

1,15

21

115

0,24

 1

An ninh

01

24

09

33

06

26

 2

An toàn

10

47

10

66

06

44

 3

Khác

21

200

17

268

09

45

II

Ngoài nước

07

07

0,78

08

12

1,35

03

03

0,46

 1

An ninh

02

02

02

03

01

01

 2

An toàn

05

05

05

08

02

02

 3

Khác

00

00

01

01

00

00

III

Tổng cộng

39

278

1,3

44

379

2,5

24

118

0,7

 1

An ninh

03

26

11

36

07

27

2

An toàn

15

52

15

74

08

46

 3

Khác

21

200

18

269

09

45

(Nguồn: Cảng vụ HKMB  - 2016)

hinh21
Hình 2.1: Thực trạng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Cảng vụ HKMB giai đoạn 2013 - 2015

2.1. Thực trạng về nội dung chương trình và cơ sở, phương pháp đào tạo

2.1.1. Thực trạng nội dung chương trình đào tạo

Cảng vụ HKMB chủ yếu tập trung vào đào tạo nâng cao chất lượng nghiệp vụ chuyên môn của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực an ninh hàng không, an toàn hàng không và một số lĩnh vực khác như pháp chế thanh tra, giám sát chất lượng, nghiệp vụ đấu thầu, vệ sinh an toàn lao động, nghiệp vụ lễ tân công sở, quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, quản lý chi phí, hợp đồng xây dựng, quản lý tài sản, thanh toán qua kho bạc, giáo dục pháp luật...

Qua Bảng 2.1 cho thấy thực trạng về nội dung của các chương trình đào tạo trong giai đoạn từ năm 2013 - 2015:

- Năm 2013, các lớp đào tạo an ninh, an toàn hàng không chiếm 46,15% tổng số lớp đào tạo.

- Năm 2014, các lớp đào tạo an ninh, an toàn hàng không chiếm 59,00%, cao hơn năm 2013 là 12,85%, điều này cho thấy nội dung công tác đào tạo an ninh, an toàn được quan tâm với số lượng đào tạo năm sau cao hơn năm trước.

- Năm 2015, các lớp đào tạo an ninh, an toàn hàng không chiếm 62,50%, cao hơn năm 2014 là 3,50%, điều này cho thấy nội dung công tác công tác đào tạo an ninh, an toàn được quan tâm với số lượng đào tạo cao hơn năm 2014.

2.1.2. Thực trạng về phạm vi đào tạo và số lượng lượt người được đào tạo

Qua Bảng 2.1 cho thấy thực trạng về phạm vi đào tạo và số lượng lượt người được đào tạo trong giai đoạn từ năm 2013 - 2015:

- Năm 2013, Cảng vụ HKMB tổ chức 32 lớp đào tạo trong nước, 7 lớp đào tạo ở nước ngoài tương ứng 278 lượt người lao động được cử đi đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ.

- Năm 2014, Cảng vụ HKMB đã tổ chức 36 lớp đào tạo trong nước (tăng 12,50%), 8 lớp đào tạo nước ngoài (tăng 14,29%), tương ứng 379 lượt người được đào tạo, tăng 101 lượt người đào tạo (tăng 36,33% tương ứng tăng 101 lượt người đào tạo) (các số liệu này so với năm 2013). Điều này cho thấy sự quan tâm của Cảng vụ HKMB đối với công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ viên chức và người lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

- Năm 2015, Cảng vụ HKMB tổ chức 21 lớp đào tạo trong nước(giảm 15 lớp), 3 lớp đào tạo nước ngoài (giảm 5 lớp), tương ứng 118 lượt người đào tạo (giảm 261 lượt người đào tạo) (các số liệu này so với năm 2014). Như vậy, phạm vi và số lượng lượt người đào tạo đã giảm cả 3 tiêu chí.

2.1.3. Thực trạng cơ sở và phương pháp đào tạo

Cảng vụ HKMB đã thực hiện công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2013 - 2015 đối với đối tượng là cán bộ viên chức và người lao động tại một số cơ sở đào tạo, tổng hợp tại Bảng 2.2:

Bảng 2.2. Thực trạng cơ sở đơn vị đào tạo

TT

Đơn vị đào tạo

Nội dung đào tạo

Nhóm nội dung đào tạo

I

Cơ sở đào tạo trong nước

 

 1

Học viện Hàng không

An ninh hàng không; An toàn hàng không; Quản lý cảng hàng không, sân bay

An ninh, an toàn hàng không

 2

Cục Hàng không Việt Nam

 3

Ủy ban ANHKQG

An ninh hàng không

 4

Bộ Công an

 5

Cục Quản lý xuất nhập cảnh

An ninh trong công tác xuất nhập cảnh

 6

Công ty CP đào tạo và nghiên cứu quản lý kinh tế

Nghiệp vụ đấu thầu, Nghiệp vụ quản lý dự án

Khác

 7

Cảng vụ HKMB

Huấn luyện nghiệp vụ Nội bộ

 8

Trường Cán bộ Quản GTVT

Quản lý chương trình chuyên viên

 9

Trường chính trị tỉnh Điện Biên

10

Công ty CP Đào tạo đầu tư vấn quốc tế Anh Minh

Nghiệp vụ lễ tân văn phòng

11

Học viện Hành chính quốc gia

Quản lý công

12

Kho bạc Sóc Sơn

Nghiệp vụ tài chính, đầu tư

13

Viện Năng suất Việt Nam

14

Trường Trung cấp Nghiệp vụ Công đoàn GTVT- Công đoàn GTVTVN

Lý luận chính trị

15

Tổng công ty Hàng không Việt Nam

Nghiệp vụ thủ tục hàng không

II

Cơ sở đào tạo nước ngoài

 

 1

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO)

An ninh, an toàn

An ninh

An ninh, an toàn hàng không

 2

Học viện Hàng không Moscow

 3

Học viện Hàng không Singapore

 4

Công ty Boeing

An toàn

 5

Cục An ninh Vận tải Hoa Kỳ (TSA)

An ninh

(Nguồn: Cảng vụ HKMB 2016)

Qua Bảng 2.2 cho thấy mỗi đơn vị cơ sở đào tạo sẽ có những nội dung đào tạo chuyên môn khác nhau và có những ưu, nhược điểm nhất định.

* Thực trạng về cơ sở đào tạo trong nước

- Ưu điểm: Thuận tiện do không phải di chuyển nhiều, quy trình thanh toán đơn giản và chi phí tiết kiệm hơn so với việc đào tạo ở nước ngoài, cơ hội cho cán bộ viên chức học tập cao hơn do chỉ tiêu nhiều hơn.

- Nhược điểm: Số lượng của các cơ sở, đơn vị đào tạo trong nước còn hạn chế. Để đào tạo chuyên sâu về ngành Hàng không hiện nay có Học viện Hàng không Việt Nam. Tuy nhiên thực tế, Học viện đào tạo vẫn mang tính lý thuyết là chính, nhu cầu của các đơn vị trong ngành Hàng không tập trung chủ yếu vào thực tiễn. Vì vậy, về chuyên môn, Cảng vụ HKMB thường tham gia các lớp học do Cục Hàng không Việt Nam tổ chức, ngoài ra là các đơn vị khác liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau: Về đấu thầu, nghiệp vụ lễ tân, chính trị, chuyên viên, chuyên viên chính... Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo chưa cao do giáo viên tại các cơ sở, đơn vị đào tạo chuyên ngành Hàng không dân dụng (Cục Hàng không Việt Nam, Ủy ban An ninh hàng không Quốc gia) chủ yếu là các giáo viên kiêm nhiệm, trình độ sư phạm không chuyên sâu nên ảnh hưởng đến chất lượng truyền tải các nội dung, kiến thức.

* Thực trạng về cơ sở, đơn vị đào tạo nước ngoài

Hiện tại, cơ sở đào tạo nước ngoài chủ yếu do các cơ sở đào tạo của ICAO, TSA, Học viện Hàng không Singapore, Học viện Hàng không Nga đào tạo. Cụ thể:

- Năm 2013, trong tổng số 7 khóa học ngắn hạn nước ngoài có 3 khóa do tổ chức ICAO giảng dạy (tại Luxembour); 4 khóa do TSA giảng dạy (Luxembour, NewZealand, Hong Kong và Philippines);

- Năm 2014, trong tổng số 8 khóa đào tạo ngắn hạn nước ngoài có 4 khóa học do Học viện Hàng không Singapore (tại Singapore); 01 khóa do TSA giảng dạy (tại Thái Lan) và 3 khóa do ICAO giảng dạy (tại Hà Lan và Hàn Quốc);

- Năm 2015 có 3 lớp: 01 lớp đào tạo ở Thái Lan, 01 đào tạo ở Nga do ICAO giảng dạy, 01 lớp đào tạo ở Singapore do TSA giảng dạy.

- Ưu điểm: Đối với các cơ sở đào tạo của nước ngoài giảng dạy sẽ đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng cơ sở đào tạo, giáo trình, giáo viên... giúp CBVC-NLĐ của Cảng vụ HKMB tiếp cận những quy định mới mang tính quốc tế về chuyên môn, cơ hội giao lưu, học hỏi với các bạn học viên đến từ nhiều nước khác nhau.

- Nhược điểm: Tốn kém, công tác thanh toán phức tạp, đòi hỏi phải là những CBVC-NLĐ có trình độ tiếng Anh tốt mới có thể lĩnh hội được những kiến thức do giáo viên người nước ngoài truyền đạt cũng như nội dung giáo trình. Ngoài ra, số lượng đi học sẽ bị hạn chế, không có điều kiện cử đi học nhiều người/lúc vì mức chi phí và phải đảm bảo được công việc chuyên môn của Cảng vụ HKMB không bị gián đoạn trong hoạt động thường ngày.

* Thực trạng về phương pháp đào tạo

Phương pháp đào tạo của Cảng vụ HKMB giai đoạn 2013 - 2015 áp dụng đào tạo chủ yếu là ngắn hạn và được cấp chứng chỉ đào tạo cho những học viên đạt yêu cầu quy định của chương trình đào tạo:

- Ưu điểm: Tiết kiệm thời gian, cán bộ, chuyên viên vừa đi học vừa tham gia thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, chi phí thấp.

- Nhược điểm: Do thời gian ngắn nên nội dung học tập sẽ bị hạn chế, chương trình đào tạo không đa dạng. Đối với các khóa học tự đào tạo, các phòng chức năng tự soạn thảo nội dung chương trình để huấn luyện nhưng thực tế lại không có hội đồng để thẩm định lại chất lượng nội dung chương trình, vì vậy tính pháp lý chưa cao. Bên cạnh đó, có lớp đào tạo chưa gắn liền với nhu cầu đào tạo của Cảng vụ HKMB, ví dụ: Các lớp học do Cục Hàng không Việt Nam chỉ định và yêu cầu Cảng vụ HKMB cử người tham gia nên Cảng vụ HKMB bị thụ động trong công tác đào tạo hoặc đào tạo xong cũng không mang lại hiệu quả cho người được đào tạo cũng như đơn vị.

2.2. Đánh giá thực trạng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại Cảng vụ HKMB

2.2.1. Đánh giá chung

Quá trình phân tích thực trạng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại Cảng vụ HKMB giai đoạn 2013 - 2015, cho thấy:

- Công tác đào tạo còn phụ thuộc vào các đơn vị trong Cảng Hàng không trong việc cử nhân sự tham gia đào tạo. Điều này thể hiện, Cảng vụ HKMB chưa đảm bảo đủ, đúng nhu cầu và chưa đủ tự chủ trong công tác đào tạo huấn luyện.

- Các chương trình đào tạo nghiệp vụ hàng không hiện nay chủ yếu sử dụng tài liệu và giao dịch bằng tiếng Anh, do vậy người được cử đi học là các nhân viên đơn vị hạn chế về tiếng Anh và chưa được đào tạo sâu, các lớp học nước ngoài cử nhân viên đi không hiệu quả. Nếu chỉ tập trung một số người giỏi tiếng Anh lại không phù hợp với chuyên môn đào tạo vì người đó không thuộc phòng chuyên môn dẫn đến không phát huy được hiệu quả.

- Các lớp đào tạo chưa mang tính hệ thống, xuyên suốt. Nội dung đào tạo chủ yếu tập trung an ninh, an toàn mà chưa chú trọng nhiều đến các chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ nên công tác đào tạo cần được đầu tư xác đáng.

2.2.2. Thuận lợi

- Lãnh đạo đơn vị nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của công tác đào tạo trong việc triển khai công tác của đơn vị. Ban Giám đốc Cảng vụ HKMB đánh giá công tác đào tạo là nhiệm vụ quan trọng để phát triển chất lượng đội ngũ CBVC, NLĐ trong đơn vị, do vậy đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa về mặt vật chất (kinh phí) và thời gian để CBVC, NLĐ tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ.

- Đội ngũ CBVC, NLĐ của đơn vị có ý thức học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn. Đội ngũ lãnh đạo đơn vị phần lớn có thâm niên và kinh nghiệm lâu năm trong ngành Hàng không, đội ngũ CBVC, NLĐ có tuổi đời còn trẻ.

- Từ năm 2013 đến nay, Cảng vụ HKMB đã tham gia nhiều khóa đào tạo nước ngoài (chưa kể hội thảo, tọa đàm, tham gia các đoàn công tác liên quan đến công tác chuyên môn), chi phí chi cho công tác đào tạo nước ngoài hàng năm rất lớn, chiếm ít nhất 2/3 tiền chi cho việc đào tạo - huấn luyện của Cảng vụ HKMB. Các đơn vị trực tiếp làm công tác kiểm tra, giám sát đều được lãnh đạo Cảng vụ HKMB quan tâm cử đi đào tạo nước ngoài.

- Các cơ sở đào tạo chuyên ngành Hàng không đã từng bước thể hiện được tính chuyên môn hóa, xã hội hóa trong đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực giảng viên đào tạo ngày càng cao; hình thức đào tạo khá phong phú; các cơ sở đào tạo đã có sự quan tâm đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ yêu cầu phát triển Ngành, đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chất lượng đào tạo, huấn luyện ngày càng được các đơn vị và cơ sở đào tạo coi trọng.

2.2.3. Những hạn chế

- Với lực lượng viên chức, lao động có mặt bằng trình độ chuyên môn không đồng đều, số lượng CBVC, NLĐ làm công việc giản đơn chiếm tỷ trọng lớn, một số không được đào tạo bài bản, đơn cử có trường hợp đã được đào tạo bài bản nhưng không phát huy được khả năng trong thực tế thực hiện nhiệm vụ, một số có chuyên môn không phù hợp với công việc đảm nhận, còn thiếu lực lượng lao động có chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu công tác.

- Trong quá trình xác định nhu cầu đào tạo chưa chú ý đến việc phân tích công việc và đánh giá thực hiện công việc của CBVC, NLĐ trong Cảng vụ. Công tác đào tạo của Cảng vụ chưa xây dựng kế hoạch đào tạo theo chức danh, vị trí việc làm và chưa có kế hoạch đào tạo trung hạn, dài hạn. Trong đạo tạo nội bộ của đơn vị chưa xây dựng được các chương trình, giáo trình đào tạo cụ thể cho từng lĩnh vực chuyên môn.

- Chủ yếu tham gia các khóa học do Cục Hàng không Việt Nam chỉ định, chưa chủ động xây dựng và đề xuất được các khóa học theo nhu cầu của đơn vị.

- Chất lượng đào tạo chưa cao, có những viên chức được đào tạo thời gian dài, bài bản, ở những đơn vị đào tạo nước ngoài có chất lượng cao, kinh phí rất lớn nhưng sau khóa đào tạo khi về đơn vị triển khai công việc vẫn còn yếu, chưa áp dụng được những kiến thức đã học vào thực hiện công việc được giao và sau khóa đào tạo chưa hướng dẫn, phổ biến được cho các viên chức khác những nội dung mình đã học.

- Một trong những nguyên nhân của việc đào tạo không đạt được hiệu quả cao là do trình độ tiếng Anh của CBVC, NLĐ Cảng vụ còn yếu, do đó khó khăn trong việc tiếp thu nội dung học, không có khả năng nghiên cứu tài liệu của khóa học, không đủ trình độ để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của học viên các nước tham gia đào tạo, dẫn đến kiến thức nắm bắt được còn hời hợt, chưa sâu.

- Bên cạnh đó, các khóa đào tạo nước ngoài và các khóa đào tạo chuyên ngành Hàng không hầu hết đều không có nội dung học gửi kèm vì vậy khi vào học, học viên bỡ ngỡ, không có sự chuẩn bị trước, tiếp thu kiến thức một cách thụ động, không có câu hỏi giảng viên để hiểu sâu kiến thức và nêu những thắc mắc trong công việc được giao.

- Việc đánh giá sau khi đào tạo tại các đơn vị chưa sâu, chưa thực chất, thậm chí chỉ mang tính hình thức; chưa quan tâm đúng mực đánh giá kết quả đào tạo, cụ thể: Đánh giá việc tiếp thu các kiến thức, việc ứng dụng vào công việc của CBVC, NLĐ được cử đi đào tạo.

- Một số phòng của đơn vị mới thành lập trên cơ sở tách phòng nên đội ngũ CBVC, NLĐ của đơn vị phần lớn chưa có thâm niên và kinh nghiệm lâu năm trong ngành Hàng không cho nên cơ bản nắm vững về kiến thức cơ bản hàng không, các kỹ năng, hiểu biết chuyên sâu về nghiệp vụ chuyên môn còn hạn chế nên công tác đào tạo cũng gặp nhiều khó khăn.

- Đặc biệt, đối với các đại diện cảng vụ hàng không tại địa phương: Là mô hình thu nhỏ của cảng vụ hàng không khu vực với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, con dấu, có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Trong khi đó, lực lượng mỏng, khối lượng đầu việc nhiều, mức độ chuyên sâu trong một số lĩnh vực còn hạn chế, nên trong quá trình hoạt động gặp rất nhiều khó khăn.

- Mỗi CBVC, NLĐ ở đại diện địa phương phải được trang bị tổng hợp kiến thức về các lĩnh vực: An ninh, an toàn, quản lý cảng hàng không. Tuy nhiên trong thời gian qua, việc tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn chính theo nhiệm vụ được phân công chưa được chú trọng. CBVC, NLĐ của đại diện phần lớn chưa được đào tạo cơ bản ở các lĩnh vực chuyên môn chuyên sâu của người thực thi pháp luật, đặc biệt là lĩnh vực tàu bay, quản lý hoạt động bay, tĩnh không sân bay, xây dựng cơ bản…

- Công tác đào tạo trong thời gian qua mới chỉ giúp cho CBVC, NLĐ nắm được những nét cơ bản, khai quát nhất ở các lĩnh vực được đào tạo, tập huấn; khi thực hiện các công việc có tính định hướng, chiến lược hoặc xử lý tình huống phức tạp còn lúng túng

3. KẾT LUẬN

Thông qua việc ứng dụng cơ sở lý luận vào quá trình phân tích, đánh giá thực trạng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại Cảng vụ HKMB giai đoạn 2013 - 2015, tác giả đã chỉ ra những thuận lời và khó khăn trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Cảng vụ HKMB.

Việc chỉ rõ những thuận lợi nhằm duy trì phát huy đảm bảo thế mạnh sẵn có, đồng thời cần kịp thời đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại Cảng vụ HKMB, đáp ứng với yêu cầu bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của ngành Hàng không dân dụng hiện nay.

Tài liệu tham khảo

[1]. Nguyễn Vân Điềm, Nguyễn Ngọc Quân (2010), Giáo trình Quản trị nhân lực, Bộ môn Quản trị nhân lực, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, NXB. Đại học Kinh tế quốc dân.

[2]. Cảng vụ Hàng không miền Bắc (2015), Báo cáo hoạt động giai đoạn 2013 - 2015.

[3]. Cảng vụ Hàng không miền Bắc (2015), Quy trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức người lao động.

[4]. Phòng Tổ chức cán bộ Cảng vụ HKMB (2016), Tổng hợp về nhân lực và đào tạo nhân lực.

Ý kiến của bạn

Bình luận