Nộp phạt giao thông qua bưu điện: Nhiều bài học quý từ Bà Rịa-Vũng Tàu

Hoạt động Ban ATGT 30/05/2016 05:50

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất cho phép thực hiện dịch vụ thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc qua hệ thống bưu điện. Đây là một bước tiến lớn trong công tác cải cách thủ tục hành chính và Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương đầu tiên thực hiện.

buu dien
Nhân viên bưu điện tiếp nhận yêu cầu nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính về TTATGT và phát trả giấy tờ tạm giữ tại địa chỉ của khách hàng. Ảnh: Quốc Hùng

Tiên phong đi đầu

Là tỉnh đầu tiên tổ chức thí điểm, Đại tá Lê Văn Ninh - Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, xuất phát từ đặc điểm của tỉnh với nhiều khu du lịch, hàng ngày có rất nhiều khách từ các địa phương khác đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong quá trình tham gia giao thông vi phạm quy định về Luật Giao thông đường bộ. Do từ các địa phương khác tới, với khoảng cách địa lý xa, việc chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính và nộp tiền phạt gặp rất nhiều khó khăn.  

“Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Phòng PC67 Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã liên hệ Kho bạc nhà nước tỉnh, Bưu điện tỉnh để thực hiện việc đóng phạt qua tài khoản và chuyển các loại giấy tờ bị tạm giữ đến tận tay người vi phạm”, Đại tá Ninh chia sẻ.

Theo đó, người tham gia giao thông vi phạm bị lập biên bản vi phạm hành chính, sau mỗi biên bản, Phòng PC67 có đóng dấu mộc với nội dung: “Người vi phạm có thể đóng phạt qua tài khoản, liên hệ số điện thoại… để được hướng dẫn thực hiện”. Bưu điện sẽ cử nhân viên phối hợp với cán bộ Đội xử lý vi phạm hành chính thuộc PC67 tiếp nhận điện thoại người vi phạm muốn nộp phạt qua tài khoản để ghi lại các thông tin như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, biển số xe, số biên bản vi phạm, lỗi vi phạm, người lập biên bản. Nhân viên bưu điện thông báo mức tiền phạt và cước dịch vụ, hướng dẫn người vi phạm chuyển tiền vào tài khoản bưu điện tại ngân hàng.

Sau khi người vi phạm chuyển tiền vào tài khoản, ngân hàng gửi tin nhắn SMS vào số điện thoại của nhân viên bưu điện. Căn cứ vào tin nhắn, nhân viên bưu điện lập danh sách người vi phạm sử dụng dịch vụ chuyển giao cho cán bộ đội xử lý vi phạm hành chính thuộc PC67 để nhận các quyết định xử phạt của người vi phạm.

Nhân viên bưu điện căn cứ danh sách kèm theo quyết định xử phạt sẽ chuyển tiền nộp phạt từ tài khoản của bưu điện sang tài khoản của Kho bạc nhà nước. Sau khi nộp phạt, nhân viên bưu điện nhận 02 biên lai thu tiền, 01 biên lai chuyển cho phòng PC67 và 01 biên lại giữ lại trả cho người vi phạm. Phòng PC67 giao giấy tờ bị tạm giữ của người vi phạm cho nhân viên bưu điện để trả lại cho ngừoi vi phạm. Nhân viên bưu điện chuyển các loại giấy tờ gồm có quyết định xử phạt, biên lai thu tiền và các giấy tờ bị tạm giữ để đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính cho người vi phạm. Người vi phạm ký thư bảo đảm và trả lại biên bản vi phạm hành chính phụ cho nhân viên bưu điện để trả lại PC67. Mức phí dịch vụ người vi phạm nộp cho bưu điện là 21.000 đồng nếu trong mức phạm vi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và 61.500 đồng nếu ngoài tỉnh.

“Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện, người vi phạm tự nguyện sử dụng dịch vụ là 4.600 trường hợp với số tiền thu nộp phạt là 2 tỷ 960 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 40% biên bản vi phạm hành chính đã lập. Các hành vi vi phạm nộp phạt qua tài khoản chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy không đi đúng phần đường quy đinh, không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô chuyển làn đường không tín hiệu báo trước, chạy quá tốc độ, các lỗi về thiết bị như đèn tín hiệu… Quá trình thực hiện đến nay chưa để xảy ra thất lạc hồ sơ giấy tờ và bất cứ sai sót nào”, Đại tá Lê Văn Ninh cho biết.

Hiệu quả của dịch vụ này là bước góp phần trong cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ xã hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đồng thời, dịch vụ còn giúp giảm bớt áp lực đối với chiến sĩ CSGT làm việc tại các điểm tiếp dân xử lý vi phạm hành chính, giảm bớt số lượng cán bộ để có thể phân công làm nhiệm vụ khác. Dịch vụ này được nhiều người dân đón nhận và tự nguyện tham gia, đặc biệt là những tài xế lái xe liên tỉnh. Từ mô hình thí điểm đầu tiên tại Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay dịch vụ này đã được nhân rộng và thí điểm ở nhiều địa phương như: An Giang, Thừa Thiên - Huế, TP. Hồ Chí Minh…

Trao đổi với Tạp chí GTVT, anh Lê Đình Chung, lái xe tải tuyến đường dài Hà Nội - Huế tỏ ra rất vui mừng, hứng khởi khi biết việc thu nộp tiền phạt vi phạm hành chính về ATGT đường bộ sẽ được thu nộp qua bưu điện trên phạm vi toàn quốc. Anh bày tỏ: “Thực sự dịch vụ này rất tốt với những người lái xe đường dài chúng tôi, vì chúng tôi đi liên tục từ tỉnh này qua tỉnh khác, nếu chẳng may có vi phạm thì cũng khó khăn trong việc ở lại hay quay lại tỉnh đó nộp phạt sau. Tiền phạt có khi không nhiều bằng chi phí ăn, ở phát sinh”.

Hoàn thiện hơn để tiếp tục phát triển

Theo Đại tá Vũ Mạnh Thắng, Trưởng phòng tham mưu Cục CSGT, dịch vụ nộp tiền phạt vi phạm hành chính TTATGT qua bưu điện đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Người vi phạm nộp tiền phạt vào tài khoản và cơ quan xử phạt gửi quyết định qua bưu điện đã được quy định trong Luật. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại vướng mắc.

“Dù đã thí điểm nhưng chưa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về quy trình, cách thức thực hiện cụ thể của Bộ Công an, trực tiếp là Cục CSGT nên Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và một số địa phương khác chưa triển khai rộng được”, đại tá Vũ Mạnh Thắng cho biết.

Theo đó, việc cá nhân vi phạm nộp tiền phạt bằng cách chuyển tiền vào tài khoản của Bưu điện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó bưu điện chuyển tiền từ tài khoản bưu điện sang tài khoản của kho bạc tại ngân hàng được ủy nhiệm thu tiền phạt chưa được quy định rõ ràng. Quy trình thực hiện việc đóng phạt qua tài khoản còn thực hiện thủ công, tốn nhiều công đoạn và thời gian, chưa ứng dụng công nghệ thông tin.

Đồng thời, quá trình thực hiện chưa lường hết các tình tình huống phức tạp có thể phát sinh. Việc đóng phạt qua tài khoản mới chỉ dừng lại ở một số lỗi vi phạm như đi không đúng phần đường quy định, không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước, chạy quá tốc độ… Đối với lỗi vi phạm có hình phạt bổ sung thì không áp dụng được, vì vậy người vi phạm phải đến trụ sở đơn vị của CSGT để thi hành.

Việc phối hợp với kho bạc nhà nước để áp dụng việc đóng phạt qua tài khoản còn nhiều vướng mắc, chưa hiệu quả. Kho bạc nhà nước hằng ngày có rất nhiều khoản tiền chuyển đến, không thể cung cấp ngay cho bưu điện biết nếu người vi phạm đóng tiền trực tiếp qua tài khoản của kho bạc và cũng không thể tách riêng khoản phí dịch vụ chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho bưu điện.

Do đó, trong thời gian tới, để dịch vụ này hoàn thiện và được thực hiện tốt hơn nữa, Đại tá Vũ Mạnh Thắng cho rằng, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý, hoàn thiện quy trình thực hiện việc nộp tiền phạt qua bưu điện, quy định trách nhiệm ràng buộc giữa các bên và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị.

“Trong xã hội hiện đại hiện nay, bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, các bên liên quan còn cần nghiên cứu để ứng dụng công nghệ thông tin, giúp nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian, chi phí trong việc thực hiện đóng phạt qua bưu điện; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu biết và ủng hộ, tự nguyện tham gia”, Đại tá Vũ Mạnh Thắng khẳng định.

Ý kiến của bạn

Bình luận