Nở rộ nạn “ăn cắp” khoáng sản trên Sông Hồng, tấn công cầu Thăng Long

Tác giả: Minh Lê

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 10/11/2016 16:23

Hàng trăm “vòi rồng” được cắm sâu xuống lòng sông hút cát đưa lên các bãi đất trống ven bờ, uy hiếp trực tiếp tới cây cầu Thăng Long trăm tuổi.


Coi trời bằng vung

Thời gian vừa qua, phản ánh tới Tạp chí GTVT, người dân quận Bắc Từ Liêm bất bình khi cho rằng: việc khai thác cát, sỏi trái phép trên Sông Hồng (đoạn chân cầu Thăng Long, quận Bắc Từ Liêm) khiến cuộc sống, sản xuất của người dân bị đảo lộn chóng mặt, đặc biệt việc “cát tặc” “rỉ máu” khoáng sản đã gây biến đổi dòng chảy, sạt lở đất ven sông, thay đổi luồng lạch, hệ thống báo hiệu giao thông.

Cùng với đó là việc các phương tiện khai thác cát, sỏi đỗ đậu không đúng nơi quy định, lấn luồng, tạo nên những yếu tố gây cản trở và mất an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông trên tuyến.

Theo đó, nhiều người dân tại đây liên tục “tố”: hàng chục bãi cát “khủng” trái phép nằm “án ngữ” bên hai bờ Sông Hồng, sát chân cầu Thăng Long trong một thời gian dài, song không thấy có động thái xử lý nào từ các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, đặc biệt là chính quyền quận Bắc Từ Liêm.

unnamed (26)
"Máu" Sông Hồng được tập kết tại các bãi đất trống ven sông chờ mang đi tiêu thụ

Để làm rõ thực hư việc “cát tặc” cùng một lúc bòn rút khoáng sản Sông Hồng và “tấn công” chân cầu Thăng Long, trong các ngày đầu tháng 11,  phóng viên Tạp chí GTVT đã có mặt tại chân cầu Thăng Long ghi lại hình việc hàng chục chiếc tàu "khủng"  tất bật vận chuyển cát tập kết bên hai bờ sông Hồng.

Tại thời điểm ghi nhận thực tế, dù là ban ngày, nhưng ngay tại sát chân cầu Thăng Long, hàng trăm “vòi rồng” được cắm sâu xuống lòng sông hút cát đưa lên các bãi đất trống. Theo quan sát, tại các điểm hút cát này đều không có các điểm mốc báo khai thác.

Từ những điểm mập mờ này, anh Vũ Văn H. – một ngư dân đánh bắt cá trên Sông Hồng đặt giả thiết:  “Nếu họ được phép khai thác cát trên sông thì tại sao lại không có điểm mốc báo bãi được phép khai thác? Hàng ngày cát dưới lòng sông được đưa lên bờ thì lợi nhuận vào túi ai? Tài nguyên khoáng sản bị khai thác liệu có được cá nhân, tổ chức khai thác đóng thuế vào kho bạc nhà nước hay không? Việc hút cát sát chân cầu Thăng Long có gây ảnh hưởng xấu tới công trình trăm năm tuổi?”.

“Suốt đoạn sông này có nhiều tàu “khủng” bơm hút cát. Cũng từ nhiều tháng nay khi ghe tàu hút cát, hút bùn ầm ĩ suốt ngày đêm, ngư dân chúng tôi muốn giăng câu, thả lưới cũng phải tìm đi chỗ xa hơn mới kiếm sống được. “Làm gần mấy công trình này, phần nước động, phần tàu thuyền quần thảo làm rách lưới, rồi đám “chim lợn” hay dòm ngó nên rất khó khăn”, anh Vũ Văn H. kể lại.

unnamed (29)

Vấn nạn "cát tặc" trên Sông Hồng (đoạn qua quận Bắc Từ Liêm) hiện rất nhức nhối

Cùng quan điểm với anh H., đưa ánh mắt xa xăm về hướng lòng sông, chị Lê Hoài T. (37 tuổi, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nói: “Các con tàu cắm vòi xuống hút chỉ cách bờ độ hơn chục mét, tạo thành những vực nước, hàm ếch sâu hoắm. Mùa lũ như thế này hễ có sóng vỗ là trôi hết…”

Cũng theo người dân sinh sống tại khu vực ven bãi bồi Sông Hồng, vấn nạn “cát tặc”, tự lập bãi trung chuyển tại chân cầu Thăng Long đã có từ lâu nhưng không hiểu vì lý do gì mà chúng vẫn tồn tại. Có hay không việc các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, đặc biệt là chính quyền sở tại “dung túng”, “bảo kê” cho sai phạm tồn tại, hiện hữu trong cuộc sống của người dân?

Đề nghị “trảm” người đứng đầu chính quyền địa phương?

Nhằm bảo vệ tài nguyên, khoáng sản quốc gia UBND quận Bắc Từ Liêm đã ra nhiều văn bản. Trong đó, có văn bản số 2210 ngày 15/8/2016 gửi các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan về việc “Điều chỉnh bổ sung Quy hoạch bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm”. 

Nội dung của công văn nêu rõ, tại phường Thụy Phương và phường Đông Ngạc diện tích quy hoạch theo QĐ 711/QĐ-UBND là 0 (ha). Tuy vậy, tại phường Đông Ngạc vẫn xuất hiện nhiều tàu thuyền thực hiện việc hút cát, nhiều bãi cát lớn được tạo ra tại sát khu vực chân cầu Thăng Long. 

unnamed (28)
Việc hút cát trái phép trên Sông Hồng đã và đang đe dọa trực tiếp tới công trình giao thông, trong đó có cầu Thăng Long trăm tuổi

Việc nhiều đơn vị khai thác cát trái phép tại sát chân cầu Thăng Long có thể sẽ khiến cát tại các cột chịu lực chân cầu chảy đi theo hướng khác. Lâu ngày, đây có thể là hành động đe dọa sự tồn tại của cầu Thăng Long. Nguy hiểm rình rập ngay trước mắt nhưng chính quyền sở tại vẫn thờ ơ khiến dư luận khó hiểu? 

Trong khi các cơ quan chức năng chùn tay thì tàu, xà lan vẫn ngày đêm bình thản bơm hút cát trên đoạn sông này, tạo nguy cơ thay đổi dòng chảy, đe dọa an toàn cho cây cầu Thăng Long.

Trước đó, ngày 27/10/2015, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kiểm điểm, phòng chống khai thác cát, sỏi trái phép trên sông và cửa biển, đích  thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ( khi ấy là Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia) yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm, không để “cát tặc” hoành hành tại địa bàn. Nơi nào có tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm.

Như vậy, việc hàng chục bãi cát “khủng” trái phép bên hai bờ Sông Hồng, sát chân cầu Thăng Long đang được cá nhân, tổ chức nào đã, đang tiếp tay để cho cát tặc “lộng hành”? Cán bộ, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng? Liệu người đứng đầu UBND TP.Hà Nội sẽ có động thái nào trước tình trạng “hút máu” tài nguyên này?

Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo.

Ý kiến của bạn

Bình luận